Insane
KenhGiaiTriAz.Wap.Sh
Wapste Tiện Ích Giải Trí
HOMETruyệnGAME
Bộ sách: ĐẠO GIA KINH
TẢI 200 E-BOOK SÁCH THUỐC NAM BẮC ĐÔNG Y GIA TRUYỀN
NHỮNG BÀI THUỐC THANH NHIỆT
Những bài thuốcThanh nhiệtthường gồm các vị thuốc có tính vị đắng hàn hoặc ngọt hàn để chữa những hội chứng bệnh lý LÝ NHIỆT (thực nhiệt hay hư nhiệt) thường gặp trong các bệnh nhiễm vào giai đoạn toàn phát hoặc hồi phục, bệnh nhiễm mạn tính như lao, thấp khớp, bệnh chất tạo keo, ung thư và cả những trường hợp sốt kéo dài không rõ nguyên nhân.
Những bài thuốc thanh nhiệt thường được chia làm nhiều loại như:
Thanh nhiệt tả hỏa (Thanh khí nhiệt)
Thanh nhiệt lương huyết
Thanh nhiệt giải độc
Thanh nhiệt giải thử
Tư âm thanh nhiệt (Thanh hư nhiệt)
Thanh nhiệt các tạng phủ.
A. Thanh khí nhiệt:là những bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt tả hỏa dùng trong các bệnh nhiễm giai đoạn khí phận, có những triệu chứng như sốt cao, khát nước, bứt rứt, ra mồ hôi, rêu lưỡi vàng, mạch hồng đại, hoạt sác.
Những vị thuốc thường dùng có Thạch cao, Tri mẫu, Trúc diệp, Chi tử, Sinh địa, Huyền sâm, Cát cánh, Thiên hoa phấn.
Những bài thuốc thường dùng có: Bạch hổ thang, Chi tử xị thang, Cát căn cầm liên thang, Trúc diệp Thạch cao thang, Ngọc nữ tiễn, Nhân trần cao thang.
B. Thanh nhiệt lương huyết:những bài thuốc Thanh nhiệt lương huyết có tác dụng thanh vinh làm mát huyết, thường dùng để chữa những chứng viêm nhiễm; tà khí đã nhập vào vinh phận và huyết phận, triệu chứng: có sốt cao, khát nước hoặc không khát, bứt rứt khó ngủ, hôn mê nói sảng hoặc có những triệu chứng xuất huyết như: phát ban, thổ huyết, khái huyết, tiện huyết, chảy máu mũi, ... chót lưỡi đỏ, mạch sác có lực.
Những vị thuốc thường dùng có tính vị đắng hàn hoặc ngọt hàn như: Sinh địa, Huyền sâm, Mạch môn, Đơn bì, Xích thược, Liên kiều, Hoàng liên, Hoàng bá, Trúc diệp, Tê giác …
Những bài thuốc cổ phương thường dùng có Thanh vinh thang, Tê giác địa hoàng thang.
C. Thanh nhiệt giải độc:những bài thuốc Thanh nhiệt giải độc có tác dụng giải độc, hạ sốt. Dùng trong những trường hợp bệnh ung nhọt, phát ban, nóng sốt, đinh nhọt, nhiệt độc thịnh. Trường hợp nhiệt độc nhập thịnh ở khí phận cần phối hợp thuốc thanh nhiệt tả hỏa; trường hợp ở huyết phận cần phối hợp với thuốc lương huyết giải độc.
Những vị thuốc thường dùng trong bài thuốc thanh nhiệt giải độc có: Hoàng liên, Hoàng cầm, Hoàng bá, Thạch cao, Liên kiều, Bản lam căn, Thăng ma, Huyền sâm, Bồ công anh, Xuyên sơn giáp.
Những bài thuốc cổ phương thường dùng có: Phổ tế tiêu độc ẩm, Hoàng liên giải độc thang, Tiêu sang ẩm, Ngũ vị tiêu độc ẩm, Tứ diệu dưỡng âm thang.
D. Thanh nhiệt giải thử:là những bài thuốc dùng chữa những bệnh sốt về mùa hè thuộc phạm vi Chứng thử có các triệu chứng chính là: sốt, khát nước, ra mồ hôi, mệt mỏi, mạch hư, thường là chứng nhiệt kiêm thấp thường kèm theo khí hư.
Bài thuốc cổ phương thường dùng là: Hương nhu tán, Lục nhất tán, Thanh thử ích khí thang.
E. Thanh nhiệt tạng phủ:là những bài thuốc dùng chữa các chứng nhiệt ở tạng phủ.
Ví dụ:
1.Chứng Tâm kinh nhiệt thịnh: bứt rứt mồm khát, miệng lở, tiểu đỏ. Dùng bài Đạo xích tán để thanh tâm nhiệt chứng.
2.Chứng Can kinh nhiệt thịnh: sườn đau, mồm đắng, mắt đỏ, tai ù hoặc chứng Can kinh thấp nhiệt: tiểu đỏ gắt, âm hộ sưng ngứa, dùng bài Long đởm tả can thang để thanh can nhiệt.
3.Chứng Phế kinh nhiệt: ho suyễn dùng Tả bạch tán để thanh phế nhiệt.
4.Trường hợp răng lưỡi sưng lở dùng bài Thanh vị tán để thanh vị nhiệt.
5.Trường hợp nhiệt tả lỵ dùng bài Hoàng cầm thang, Bạch đầu ông thang để thanh nhiệt ở đại tràng.
F. Thanh hư nhiệt:là những bài thuốc dùng để chữa các hội chứng bệnh lý âm hư sốt lâu dài như các trường hợp lao, ung thư, bệnh chất tạo keo.
Mục đích để tư âm thanh nhiệt .
Những vị thuốc thường dùng như: Thanh hao, Miết giáp, Sinh địa, Tri mẫu.
Những bài thuốc thường dùng có: Thanh hao miết giáp thang, Hoàng kỳ miết giáp thang.
THANH KHÍ NHIỆT
Thanh khí nhiệtlà những bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt tả hỏa dùng trong các bệnh nhiễm giai đoạn khí phận, có những triệu chứng như sốt cao, khát nước, bứt rứt, ra mồ hôi, rêu lưỡi vàng, mạch hồng, đại, hoạt sác...
Những vị thuốc thường dùng có Thạch cao, Tri mẫu, Trúc diệp, Chi tử, Sinh địa, Huyền sâm, Cát cánh, Thiên hoa phấn...
Những bài thuốc thường dùng có:
Bạch hổ thang
Chi tử xị thang
Cát căn cầm liên thang
Trúc diệp thạch cao thang
Ngọc nữ tiễn
Nhân trần cao thang.-27-
BẠCH HỔ THANG
(Thương hàn luận)
Thành phần:
Thạch cao 40g
Chích thảo 4g
Tri mẫu 8 - 12g
Gạo tẻ 20 - 30g
Cách dùng: Sắc nước cho chín gạo, lọc uống, bỏ xác, ngày uống 3 lần.
Tác dụng: Thanh nhiệt, sinh tân.
Trị chứng Dương minh kinh chứng thường có sốt cao, đau đầu, mồm khô, khát nước, ra mồ hôi nhiều, rêu lưỡi vàng khô, mạch hồng, đại, có lực hoặc hoạt sác.
Giải thích bài thuốc:
Thạch cao tính ngọt hàn, tác dụng tả hỏa là chủ dược.
Tri mẫu đắng hàn để thanh phế vị nhiệt.
Tri mẫu và Thạch cao cùng dùng sẽ tăng cường tác dụng trừ phiền.
Camthảo, Gạo tẻ: ích vị, bảo vệ tân dịch.
Bốn vị dùng chung có tác dụng thanh nhiệt, trừ phiền, sinh tân, chỉ khát.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Trường hợp bệnh ngoại cảm, lý nhiệt thịnh, khí âm đều tổn thất, về mùa hè, trúng thử, sốt cao, khát nước, mồ hôi nhiều, mạch đại vô lực, dùng bài thuốc trên gia vị Nhân sâm gọi là NHÂN SÂM BẠCH HỒ THANG (Thương hàn luận).
2.Trường hợp ôn ngược, mạch bình, sốt không có rét, đau nhức các khớp, bứt rứt có lúc nôn hoặc phong thấp nhiệt, dùng bài thuốc gia thêm vị Quế chi gọi là bài BẠCH HỒ GIA QUẾ CHI THANG (Kim quỹ yếu lược). Trong bài vị Quế chi có tác dụng ôn thông kinh lạc, điều hòa vinh vệ.
3.Trường hợp thấp ôn có triệu chứng người nặng nề, bàn chân lạnh (nhiều mồ hôi) gia thêm vị Thương truật gọi là bài BẠCH HỒ THƯƠNG TRUẬT THANG (Hoạt nhân thư). Có thể dùng để chữa bệnh phong thấp, đau các khớp.
4.Trường hợp ôn nhiệt sốt cao phiền khát, hôn mê nói sảng, co giật, gia thêm Linh dương giác, Tê giác gọi là bài LINH TÊ BẠCH HỒ THANG (Ôn nhiệt kinh vĩ).
5.Trường hợp bệnh nhân có chứng thực nhiệt ở khí phận gia thêm
Lô căn, Đại thanh diệp để tăng tác dụng thanh nhiệt, tả hỏa.
Trường hợp viêm phổi, sốt cao ho đau ngực, đàm nhiều đặc gia các vị Đào nhân, Qua lâu nhân, Ý dĩ nhân, Bối mẫu có tác dụng thanh phế, hóa đàm.
6.Trường hợp tiểu đường, khát nhiều, ăn nhiều, mạch có lực có thể dùng bài thuốc gia Thiên hoa phấn, Cát căn, Mạch môn, Ngũ vị để thanh nhiệt sinh tân.
TRÚC DIỆP THẠCH CAO THANG
(Thương hàn luận)
Thành phần:
Trúc diệp 12g
Nhân sâm 6g
Gạo tẻ 20 - 30g
Bán hạ chế 6g
Camthảo 4g
Thạch cao 20 - 40g
Mạch đông 20g
Cách dùng: sắc nước uống ngày 3 lần.
Giải thích bài thuốc:
Bài thuốc này là bài Bạch hổ thang bỏ Tri mẫu gia Trúc diệp, Bán hạ chế, Nhân sâm, Mạch môn để tăng cường ích khí, dưỡng âm, giáng nghịch chỉ ẩu.
Tác dụng: Dùng trị những bệnh thời kỳ hồi phục, khí âm hư, nhiệt tà còn lưu lại có tác dụng tốt.
Trường hợp trẻ em sốt kéo dài chưa rõ nguyên nhân dùng bài thuốc có hiệu quả cao.
HÓA BAN THANG
(Ôn bệnh điều biện)
Thành phần:
Thạch cao24 - 40g
Huyền sâm10 - 12g
Camthảo8 - 12g
Tri mẫu12 - 16g
Quảng Tê giác (Bột Sừng trâu) 8 - 40g
Cách dùng: sắc nước uống ngày 3 lần.
Tác dụng: Thanh nhiệt, giải độc.
Bài thuốc cổ phương dùng Tê giác và nước vo Gạo tẻ.
Trên lâm sàng bài thuốc được dùng chữa những chứng sốt cao, mồm khát, nói sảng, có phát ban, lưỡi đỏ thẫm, rêu vàng, mạch sác như trường hợp sốt xuất huyết, sởi trẻ em, có tác dụng tốt.
CHI TỬ XỊ THANG
(Thương hàn luận)
Thành phần:
Chi tử8 - 12g
Đạm đậu xị12g
Cách dùng: sắc nước uống.
Tác dụng: Thanh nhiệt, trừ phiền.
Dùng trong trường hợp bệnh ngoại cảm tà ở phần khí có triệu chứng sốt, bứt rứt, khó ngủ, ngực tức, lưỡi đỏ, rêu lưỡi hơi vàng, mạch sác.
Giải thích bài thuốc:
Chi tử tính đắng hàn có tác dụng thanh tâm, trừ phiền là chủ dược.
Đạm đậu xị tính cay, lương giúp Chi tử tả uất nhiệt ở thượng tiêu.
Ứng dụng lâm sàng:
Bài thuốc được dùng trong những trường hợp bệnh ngoại cảm, lý nhiệt nhẹ, bứt rứt, khó ngủ, ngực đầy tức, thường được dùng kèm theo các vị thuốc khác.
Ví dụ:
1.Trong chứng nhiệt ở phần khí kèm biểu chứng gia Bạc hà, Ngưu bàng tử để giải biểu.
2.Nếu mồm đắng khô, lưỡi đỏ rêu vàng gia thêm Liên kiều, Hoàng cầm, Lô căn để tăng tác dụng thanh lý nhiệt.
3.Đối với trường hợp viêm túi mật cấp, viêm gan cấp, bứt rứt khó chịu, tùy tình hình cụ thể có thể kết hợp bài thuốc này.
Chú ý lúc sử dụng:
Chi tử là vị thuốc đắng hàn nên thận trọng đối với bệnh nhân tiêu chảy, tỳ vị hư hàn.
Chi tử thường dùng dạng sao để tránh gây nôn.
THANH NHIỆT LƯƠNG HUYẾT
Những bài thuốcThanh nhiệt lương huyếtcó tác dụng thanh vinh làm mát huyết, thường dùng để chữa những chứng viêm nhiễm; tà khí đã nhập vào vinh phận và huyết phận. Triệu chứng: có sốt cao, khát nước hoặc không khát, bứt rứt khó ngủ, hôn mê nói sảng hoặc có những triệu chứng xuất huyết như: phát ban, thổ huyết, khái huyết, tiện huyết, chảy máu mũi, v..v.. chót lưỡi đỏ, mạch sác có lực.
Những vị thuốc thường dùng có tính vị đắng hàn hoặc ngọt hàn như: Sinh địa, Huyền sâm, Mạch môn, Đơn bì, Xích thược, Liên kiều, Hoàng liên, Hoàng bá, Trúc diệp, Tê giác ...
Những bài thuốc cổ phương thường dùng có:
Thanh vinh thang
Tê giác địa hoàng thang.
Thần tê đơn.
THANH VINH THANG
(Ôn bệnh điều biện)
Thành phần:
Tê giác 2 - 4g
Huyền sâm 12g
Mạch đông 10 - 12g
Đơn sâm 8 - 12g
Hoàng liên 6 - 8g
Sinh địa 20g
Trúc diệp tâm 4 - 6g
Liên kiều 6 - 10g
Kim ngân hoa 12 - 16g
Cách dùng: Tê giác tán bột mịn, uống với nước thuốc sắc. Có thể thay Tê giác bằng Quảng Tê giác (đầu nhọn sừng trâu lượng gấp 3 đến 10 lần). Tất cả sắc nước uống, chia làm 3 lần trong ngày.
Tác dụng: Thanh vinh giải độc, thanh nhiệt dưỡng âm.
Giải thích bài thuốc:
Tê giác là chủ dược có tác dụng thanh nhiệt, giải độc ở phần vinh, cả phần huyết.
Huyền sâm, Sinh địa, Mạch môn có tác dụng thanh nhiệt, dưỡng âm.
Hoàng liên, Trúc diệp tâm, Liên kiều, Kim ngân hoa có tác dụng
thanh nhiệt giải độc.
Đơn sâm hợp lực với chủ dược để thanh nhiệt, lương huyết đồng thời có thể hoạt huyết, tán ứ, chống nhiệt kết.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Bài thuốc được sử dụng có tác dụng tốt trong những trường hợp bệnh nhiễm giai đoạn toàn phát, sốt cao, hôn mê nói sảng, hoặc có phát ban, xuất huyết như những trường hợp sởi trẻ em, viêm não cấp, sốt xuất huyết.
2.Trường hợp nhiệt nhập tâm bào có sốt cao, hôn mê, co giật cần tăng lượng Tê giác, có thể dùng thêm các loại thuốc Tử tuyết đơn, An cung ngưu hoàng hoàn, Chi bảo đơn để tăng cường tác dụng thanh nhiệt tức phong trấn kinh.
3.Trường hợp trẻ em bị Bạch hầu nặng có thể gia thêm Thạch cao, Đơn bì, Chi tử, Xích thược để tăng cường thanh nhiệt, tả hỏa, lương huyết, hoạt huyết.
TÊ GIÁC ĐỊA HOÀNG THANG
(Thiên kim phương)
Thành phần:
Tê giác 2 - 4g
Bạch thược 16 - 20g
Sinh địa 20 - 40g
Đơn bì 12 - 20g
Cách dùng: Tê giác có thể thay Quảng tê giác tán bột mịn, uống với thuốc sắc hoặc cắt thành phiến mỏng sắc trước, sắc nước uống chia làm 3 lần trong ngày.
Tác dụng: Thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, tán ứ.
Dùng trong trường hợp bệnh nhiễm giai đoạn toàn phát, nhiệt nhập huyết phận gây nên thổ huyết, nục huyết (chảy máu cam), niệu huyết hoặc nhiệt nhập tâm bào gây hôn mê nói sảng, chất lưỡi đỏ thẫm có gai, mạch tế sác.
Giải thích bài thuốc:
Tê giác là chủ dược tác dụng thanh tâm hỏa, giải nhiệt độc.
Sinh địa: lương huyết tư âm hỗ trợ với Tê giác giải nhiệt độc.
Bạch thược: hòa vinh, tả nhiệt.
Đơn bì: lương huyết, tán ứ.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Trong bài thuốc thường dùng Xích thược để thanh nhiệt, hóa ứ. Nếu nhiệt thương âm huyết có thể dùng Bạch thược để dưỡng âm huyết, điều hòa vinh vệ.
2.Trường hợp sốt cao nhiệt thịnh, hôn mê cần dùng thêm Tử tuyết đơn hoặc An cung ngưu hoàng hoàn để thanh nhiệt khai khiếu.
3.Nếu có kiêm Can hỏa vượng gia Sài hồ, Hoàng cầm, Chi tử để thanh can, giải uất.
4.Nếu Tâm hỏa thịnh gia Hoàng liên, Chi tử để thanh tâm hỏa.
5.Nếu thổ huyết hoặc chảy máu cam gia Trúc nhự, Hạn liên thảo, Mao hoa (Hoa cây rễ tranh) hoặc Rễ tranh, Trắc bá diệp sao để thanh phế vị, cầm máu. Nếu có tiện huyết gia Địa du, Hoa hòe để thanh trường chỉ huyết; nếu tiểu ra máu gia Mao căn để lợi niệu chỉ huyết.
Chú ý lúc sử dụng: Trường hợp dương hư, mất máu và tỳ vị hư nhược không nên dùng.
Một số thông báo lâm sàng:
1.Bài thuốc dùng để chữa các chứng teo gan cấp, hôn mê gan, chứng nhiễm độc urê xuất huyết, nhiễm trùng huyết, chứng bạch cầu cấp (Học viện Trung y Thượng hải).
2.Dùng bài Tê giác địa hoàng thang gia giảm trị bệnh xuất huyết do giảm tiểu cầu có kết quả (Phương tễ học - Học viện Trung y Quảng Đông đồng chủ biên xuất bản 1974).
THẦN TÊ ĐƠN
(Ôn nhiệt kinh vĩ)
Thành phần:
Tê giác (mài ra nước) 24g
Thạch xương bồ 24g
Hoàng cầm 24g
Sinh địa hoàng 60g
Kim ngân hoa 60g
Liên kiều 40g
Bản lam căn 30g
Đạm đậu xị 30g
Thiên hoa phấn 16g
Tử thảo 16g
Cách dùng: Các vị thuốc phơi khô, tán bột mịn hòa với nước Tê giác và Đại hoàng (không dùng Mật ong) gia Đạm đậu xị trộn với bột thuốc trên giã làm hoàn nặng 10g, uống với nước đun sôi để nguội ngày 2 lần.
Trẻ em giảm nửa liều ngày uống 1 - 2 hoàn.
Có thể dùng thuốc sắc uống, có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, giải độc, khai khiếu dùng trong bệnh viêm não, sốt xuất huyết, sởi trẻ em nặng, có sốt cao mê man nói sảng, phát ban, mắt đỏ, bứt rứt, chất lưỡi đỏ thẫm.
Trong bài cổ phương có dùng nước lọc phân người (thấy không cần thiết).
THANH NHIỆT GIẢI ĐỘC
Những bài thuốcThanh nhiệt giải độccó tác dụng giải độc, hạ sốt. Dùng trong những trường hợp bệnh ung nhọt, phát ban, nóng sốt, đinh nhọt, nhiệt độc thịnh. Trường hợp nhiệt độc nhập thịnh ở khí phận cần phối hợp thuốc thanh nhiệt tả hỏa; trường hợp ở huyết phận cần phối hợp với thuốc lương huyết giải độc.
Những vị thuốc thường dùng trong bài thuốc thanh nhiệt giải độc có: Hoàng liên, Hoàng cầm, Hoàng bá, Thạch cao, Liên kiều, Bản lam căn, Thăng ma, Huyền sâm, Bồ công anh, Xuyên sơn giáp...
Những bài thuốc cổ phương thường dùng có:
Phổ tế tiêu độc ẩm
Hoàng liên giải độc thang
Tiêu sang ẩm
Ngũ vị tiêu độc ẩm
Tứ diệu dưỡng âm thang.
PHỒ TẾ TIÊU ĐỘC ẨM
(U phương độc giải - Lý Đông Viên)
Thành phần:
Hoàng cầm (tẩm rượu sao) 12 - 20g
Trần bì 6 - 8g
Huyền sâm 6 - 8g
Bản lam căn 4 - 8g
Ngưu bàng tử 4 - 6g
Cương tằm 4 - 6g
Sài hồ 8 - 12g
Hoàng liên 12 - 20g
Camthảo 6 - 8g
Liên kiều 4 - 8g
Mã bột 4 - 6g
Bạc hà 4 - 6g
Thăng ma 4 - 6g
Cát cánh 8 - 12g
(Có phương không có vị Bạc hà, có phương có Nhân sâm 10g, có phương có Đại hoàng).
Cách dùng: Các vị thuốc trên tán bột mịn, dùng mật làm hoàn hoặc sắc uống, liều lượng gia giảm tùy theo bệnh.
Tác dụng: Thanh nhiệt giải độc, sơ phong tán tà.
Giải thích bài thuốc:
Hoàng cầm, Hoàng liên là chủ dược có tác dụng thanh tả nhiệt độc ở thượng tiêu, đầu mặt.
Huyền sâm, Mã bột, Bản lam căn, Cát cánh, Cam thảo thanh giải nhiệt độc ở đầu, họng.
Trần bì lý khí sơ thông ứ trệ.
Thăng ma, Sài hồ thăng dương, tán hỏa dẫn dược đưa lên đầu mặt.
Ứng dụng lâm sàng:
Bài thuốc dùng để trị các ung nhọt ở đầu mặt, bệnh quai bị, viêm Amygdal cấp; chứng thường kèm theo sốt sợ lạnh, mồm khát, lưỡi đỏ, rêu trắng pha vàng, mạch phù sác hoặc trầm sác có lực.
1.Trường hợp quai bị có biến chứng viêm tinh hoàn gia thêm Xuyên luyện tử, Long đởm thảo để tả Can nhiệt.
2.Trường hợp bệnh nhân kiêm chứng khí hư, người yếu mệt mỏi gia Đảng sâm để bổ khí, trường hợp táo bón gia Đại hoàng để tả nhiệt, thông tiện.
3.Trường hợp quai bị dùng bài thuốc PHỒ TẾ TIÊU ĐỘC ẨM gia giảm kết hợp dùng rượu hạt Gấc bôi ngoài kết quả rất tốt.
HOÀNG LIÊN GIẢI ĐỘC THANG
(Ngoại đài bí yếu)
Thành phần:
Hoàng liên 8 - 12g
Hoàng bá 8 - 12g
Hoàng cầm 8 - 12g
Chi tử 8 - 12g
Cách dùng: sắc nước uống chia làm 2 lần trong ngày.
Tác dụng: Tả hỏa, giải độc.
Giải thích bài thuốc:
Hoàng liên là chủ dược có tác dụng tả hỏa ở tâm và trung tiêu.
Hoàng cầm tả hỏa ở thượng tiêu.
Hoàng bá tả hỏa ở hạ tiêu.
Chi tử hỗ trợ thông tả hỏa ở Tam tiêu.
Bốn vị hợp lại tác dụng tả hỏa, giải độc thêm mạnh, thích hợp dùng cho các chứng hỏa nhiệt thịnh ở Tam tiêu.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Nếu uất nhiệt, vàng da thêm Nhân trần, Đại hoàng tăng thêm tác dụng tiêu ứ giải độc.
2.Đối với ung nhọt, đinh độc có thể giã nát đắp tại chỗ hoặc dùng thêm các thuốc giải độc khác.
3.Bài thuốc có thể dùng đối với các chứng huyết độc, kiết lỵ, viêm phổi thuộc chứng hỏa độc thịnh.
4.Đối với các chứng xuất huyết như thổ huyết, chảy máu cam, phát ban có huyết nhiệt dùng thêm các vị thuốc lương huyết, thanh nhiệt như Huyền sâm, Sinh địa, Đơn bì, Mao căn.
5.Dùng thuốc trên để chữa chứng nhiệt độc thịnh là chính, những vị thuốc đều có tính vị đắng hàn dễ làm tổn thương tân dịch nên cần thận trọng đối với bệnh nhân có tổn thương tân dịch hoặc cần gia thêm những loại thuốc tư âm thanh nhiệt.
TẢ TÂM THANG
(Kim quỹ yếu lược)
Thành phần:
Đại hoàng 8 - 12g
Hoàng cầm 12g
Hoàng liên 8 - 12g
Cách dùng: sắc nước uống 1 lần.
Tác dụng: Tả hỏa giải độc, trừ thấp.
Dùng với các chứng tâm, vị hỏa thịnh gây nên nôn ra huyết, chảy máu cam, táo bón hoặc tam tiêu tích nhiệt, mắt đỏ, mồm lở hoặc ung nhọt hoặc thấp nhiệt, vàng da, ngực sườn đầy tức, rêu lưỡi vàng dầy, mạch sác có lực.
THANH ÔN BẠI ĐỘC ẨM
(Dịch chấn nhất đắc)
Thành phần:
Sinh Thạch cao 40 - 80g
Sinh Địa hoàng 16 - 20g
Tê giác 2 - 4g
Cát cánh 8 - 12g
Huyền sâm 8 - 16g
Đơn bì 8 - 12g
Chi tử 8 - 16g
Tri mẫu 8 -12g
Camthảo 4 - 8g
Hoàng liên 4 - 12g
Hoàng cầm 8 - 12g
Liên kiều 8 - 12g
Trúc diệp tươi 8 - 12g
Cách dùng: sắc nước uống, Thạch cao sắc trước, Tê giác tán bột mịn uống với nước sắc.
Tác dụng: Thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, cứu âm.
Dùng chữa tất cả các chứng hỏa nhiệt, lâm sàng có triệu chứng sốt cao, nóng bứt rứt, khát nước, nôn khan, đau đầu như búa bổ, hốt hoảng nói sảng hoặc phát ban nôn ra máu, chất lưỡi đỏ thẫm, môi khô, mạch trầm tế hoặc trầm sác hoặc phù đại sắc.
TIÊN PHƯƠNG HOẠT MỆNH ẨM
(Ngoại khoa phát huy)
Thành phần:
Kim ngân hoa 12 - 20g
Xuyên sơn giáp tích 8 - 12g
Thiên hoa phấn 8 - 12g
Tạo giác thích sao 8 - 12g
Bạch chỉ 8 - 12g
Camthảo 4 - 8g
Quy vĩ 8 - 12g
Xích thược 8 - 12g
Nhũ hương 6 - 12g
Một dược 6 -12g
Phòng phong 6 - 12g
Bối mẫu 8 - 12g
Trần bì 6 - 8g
Cách dùng: Sắc nước uống hoặc nửa rượu nửa nước sắc uống.
Tác dụng: Thanh nhiệt, giải độc, tiêu ung, hoạt huyết, chỉ thống.
Giải thích:
Kim ngân hoa là chủ dược, có tác dụng thanh nhiệt giải độc trị ung nhọt thêm Phòng phong, Bạch chỉ trừ phong thấp, bài nùng tiêu phù sưng.
Quy vĩ, Xích thược, Nhũ hương, Một dược hoạt huyết tán ứ.
Giảm đau thêm Bối mẫu, Thiên hoa phấn thanh nhiệt hóa đàm tán kết.
Trần bì: lý khí hành hành trệ, tiêu sưng.
Xuyên sơn giáp, Tạo thích: hoạt huyết tiêu độc, tuyên thông kinh lạc.
Camthảo thanh nhiệt giải độc.
Ứng dụng lâm sàng:
Bài thuốc dùng để chữa các chứng ung thư sang nhọt độc thuộc dương chứng, thực chứng dùng thuốc sắc uống còn bã thuốc dùng để đắp vào chỗ sưng đau.
1.Trường hợp ung nhọt không lớn có thể bỏ Tạo giác thích, Nhũ hương, Một dược giảm liều.
2.Nếu sưng đau nhiều bỏ Bạch chỉ, Trần bì là thuốc cay nóng gia Bồ công anh, Liên kiều, Cúc hoa để tăng cường tác dụng thanh nhiệt, giải độc huyết nhiệt.
3.Nếu nặng gia Đơn sâm, Đơn bì để thanh nhiệt, lương huyết, đại tiện táo bón gia Chỉ thực, Đại hoàng, Mang tiêu để tả hạ thông tiện.
Lúc sử dụng cần chú ý:
Ung nhọt đã vỡ và trường hợp âm thư không nên dùng.
Dùng thận trọng đối với trường hợp bệnh nhân tỳ vị hư, khí huyết kém.
NGŨ VỊ TIÊU ĐỘC ẨM
(Y tông kim giám)
Thành phần:
Kim ngân hoa 12 - 20g
Bồ công anh 12 - 20g
Tử hoa địa linh 12 - 20g
Giả Cúc hoa 8 - 16g
Tử bối thiên quý 6 - 8g
Cách dùng: Thuốc sắc nước uống, bã thuốc giã nát đắp vào chỗ sưng đau.
Tác dụng: Thanh nhiệt, giải độc, tiêu tán đinh sang.
Giải thích bài thuốc:
Kim ngân hoa là chủ dược có tác dụng thanh nhiệt, giải độc tiêu sưng ung nhọt.
Tử hoa địa linh, Tử bối thiên quý trị định độc.
Bồ công anh, Cúc hoa thanh giải nhiệt độc, tiêu sưng ung nhọt.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Trường hợp nhiệt thịnh gia thuốc thanh nhiệt giải độc như Hoàng liên, Liên kiều.
2.Sưng nặng gia Phòng phong, Thuyền thoái để tán phong, tiêu sưng, huyết nhiệt độc thịnh gia Xích thược, Đơn bì, Sinh địa để lương huyết giải độc.
3.Trường hợp áp xe vú nóng đỏ đau nhiều gia Qua lâu bì, Bối mẫu, Thanh bì để tán kết, tiêu sưng.
4.Đối với những trường hợp viêm cầu thận cấp, sốt, phù, nước tiểu đỏ ít, lưỡi đỏ, mạch sác hoặc viêm amygdal cấp gia thuốc thanh nhiệt lợi tiểu như Bạch mao căn, Xa tiền.
Chú ý: Trường hợp âm hư không dùng.
TỨ DIỆU DƯỠNG ÂM THANG
(Nghiệm phương tân biên)
Thành phần :
Kim ngân hoa 100 - 200g
Huyền sâm 60 - 100g
Đương quy 40 - 60g
Camthảo 30g
Cách dùng: sắc nước uống, chia làm 2 - 3 lần trong ngày.
Tác dụng: Thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết chỉ thống.
Giải thích bài thuốc:
Kim ngân hoa là chủ dược có tác dụng thanh nhiệt giải độc.
Huyền sâm để tư âm thanh nhiệt.
Đương quy hoạt huyết hòa vinh.
Camthảo hòa trung giải độc dùng tốt đối với trường hợp chứng thoát thư lở loét nhiệt độc thịnh âm huyết bị tổn thương.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Bài thuốc dùng trong trường hợp thoát thư như viêm tắc tĩnh mạch, chân tay lở loét, người sốt khát nước, lưỡi đỏ, mạch sác.
2.Nếu đau nhiều gia Nhũ hương, Một dược để hành khí hoạt huyết giảm đau.
3.Trường hợp nhiệt độc thịnh gia Bồ công anh, Đơn sâm, Xích tiểu đậu, Xuyên sơn giáp, Địa long để tăng cường thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết thông lạc.
4.Trường hợp thoát thư có triệu chứng ứ huyết rõ cần gia Đào nhân, Hồng hoa để hoạt huyết hóa ứ.
5.Trường hợp khí hư gia Hoàng kỳ, Đảng sâm để bổ khí.
Chú ý: Trường hợp thoát thư có hiện tượng hàn ngưng không nên dùng.
THANH NHIỆT GIẢI THỬ
Thanh nhiệt giải thửlà những bài thuốc dùng chữa những bệnh sốt về mùa hè thuộc phạm vi chứng Thử có các triệu chứng chính là: sốt, khát nước, ra mồ hôi, mệt mỏi, mạch hư, thường là chứng nhiệt kiêm thấp thường kèm theo khí hư.
Bài thuốc cổ phương thường dùng là:
Hương nhu tán
Tân gia Hương nhu ẩm
Thanh lạc ẩm
Lục nhất tán
Thanh thử ích khí thang.
HƯƠNG NHU TÁN
(Hòa tễ cục phương)
Thành phần:
Hương nhu 200g
Biển đậu sao 40 - 60g
Hậu phác (Gừng chế) 40 - 60g
Cách dùng: dùng dạng bột theo tỷ lệ trên, các vị tán bột mịn, mỗi ngày 12g sắc nước uống.
Có thể theo tỷ lệ trên dùng thuốc thang nhưng lượng giảm.
Tác dụng: Giải thử, hóa thấp, hòa trung.
Giải thích bài thuốc:
Hương nhu có tác dụng giải thử, tán hàn, lợi thấp là chủ dược.
Hậu phác tính cay đắng ôn có tác dụng hành khí, táo thấp, hóa trệ.
Biển đậu tính ngọt bình, tiêu thử, hòa trung hóa thấp.
Ba vị hợp lại thành một bài thuốc có tác dụng tiêu thử, giải biểu, hóa thấp, hòa trung.
Ứng dụng lâm sàng:
Bài thuốc được sử dụng trong trường hợp về mùa hè ngoại cảm phong hàn thấp. Triệu chứng: sốt, sợ lạnh, đầu đau nặng, ngực đầy tức, không ra mồ hôi hoặc đau bụng, nôn tiêu chảy, rêu lưỡi trắng dày, mạch phù.
1.Nếu chứng biểu nặng gia Thanh hao, Kinh giới để tăng tác dụng tiêu thử giải biểu.
2.Trường hợp mũi tắc (chảy nước mũi) kết hợp bài Thông xị thang để thông dương giải biểu.
3.Trường hợp lý thấp nhiệt gia Hoàng liên để thanh nhiệt gọi là bài TỨ VỊ HƯƠNG NHU ẨM.
4.Nếu thấp thịnh, bên trong bụng đầy, tiêu chảy gia Phục linh, Cam thảo để lợi thấp hòa trung gọi là bài NGŨ VẬT HƯƠNG NHU ẨM.
5.Nếu hai chân co rút gia Mộc qua để thông kinh gọi là bài LỤC VỊ HƯƠNG NHU ẨM.
6.Nếu gia thêm Nhân sâm, Hoàng kỳ, Bạch truật, Quất hồng bì để ích khí kiện tỳ táo thấp gọi là bài THẬP VỊ HƯƠNG NHU ẨM.
Bài thuốc vừa có tác dụng giải biểu tiêu thực, vừa có tác dụng hóa thấp trệ, hòa trường vị cho nên có thể sử dụng chữa các chứng cảm mạo mùa hè - thu, các chứng nhiễm trùng đường ruột như viêm ruột, kiết lỵ, có các chứng hậu như trên có thể gia giảm để đạt kết quả tốt.
TÂN GIA HƯƠNG NHU ẨM
(Ôn bệnh điều biện)
Thành phần:
Hương nhu 8g
Kim ngân hoa 12g
Bạch biển đậu tươi 12g
Hậu phác 8g
Liên kiều 8g
Cách dùng: sắc nước chia 2 lần uống trong ngày.
Tác dụng: dùng chữa các chứng cảm thụ thử tà, phát sốt, hơi gai rét, đau đầu không ra mồ hôi, bứt rứt khát nước, lưỡi đỏ rêu trắng mỏng, mạch hồng đại.
Giải thích bài thuốc:
Bạch biển đậu, Kim ngân hoa, Liên kiều có tác dụng tân lương, thấu biểu, trừ thấp thanh nhiệt.
Hương nhu, Hậu phác tiêu thử trừ thấp.
Năm vị thuốc phối hợp thành một bài thuốc có tác dụng tiêu thử thanh thấp nhiệt.
THANH LẠC ẨM
(Ôn bệnh điều biện)
Thành phần:
Hà diệp tươi 8 - 20g
Ngân hoa tươi 8 - 20g
Vỏ dưa đỏ 8 - 20g
Bạch biển đậu tươi 8 - 12g
Tây qua bì 8 - 12g
Trúc diệp tâm tươi 8 - 12g
Cách dùng: sắc nước uống ngày 2 lần.
Tác dụng: Giải thử, thanh phế.
LỤC NHẤT TÁN
(Thương hàn tiêu bản)
Thành phần:
Hoạt thạch 6 phần
Camthảo 1 phần
Cách dùng: Thuốc theo tỷ lệ trên, tán bột mịn, trộn đều mỗi lần uống từ 6 - 12g với tỷ lệ mật ong và nước đun sôi (ấm) ngày 3 lần có thể dùng với thuốc thang, lượng gia giảm, sắc uống.
Tác dụng: Thanh thử, lợi thấp.
Giải thích bài thuốc:
Hoạt thạch là chủ dược vị nhạt tính hàn có tác dụng thẩm thấp, thanh nhiệt, trừ thấp nhiệt ở tam tiêu.
Camthảo: thanh nhiệt, hòa trung.
Hai vị thuốc phối hợp với tỷ lệ 6:1, nên gọi là Lục nhất chữa những bệnh thử thấp có triệu chứng sốt, khát nước, tiêu chảy hoặc sỏi tiết niệu đều có tác dụng.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Trường hợp bệnh thử sốt có kinh giật, bứt rứt gia Thần sa, gọi là bài ÍCH NGUYÊN TÁN (Hà gian lục thư) dùng nước sắc Đăng
tâm để uống có tác dụng trấn kinh an thần.
2.Trường hợp bệnh thử nhiệt, mắt đỏ, họng đau hoặc mồm lưỡi viêm lóet gia Thanh đại gọi là bài BÍCH NGỌC TÁN (Hà gian lục thư) để thanh can hỏa.
3.Trường hợp đi tiểu đau gắt hoặc chứng "Sa lâm" gia thêm Kim tiền thảo để hóa thạch chỉ thống, tăng cường lợi tiểu.
4.Bài thuốc gia thêm Sinh Trắc bá diệp, Sinh Xa tiền thảo, Sinh Ngẫu tiết có tên TAM SINH ÍCH NGUYÊN TÁN trị chứng Huyết lâm có thể gia Tiểu kế, Hổ phách, Bồ hoàng để chỉ huyết, thông lâm.
Chú ý: Không dùng đối với trường hợp âm hư tiểu tiện trong.
THANH THỬ ÍCH KHÍ THANG
(Ôn nhiệt kinh vĩ)
Thành phần:
Tây dương sâm 6g
Cọng sen 20g
Thạch hộc 12g
Trúc diệp 8g
Camthảo 8g
Vỏ dưa đỏ 40g
Hoàng liên 4g
Mạch môn 12g
Tri mẫu 8g
Cánh mễ 20g
Cách dùng: sắc nước uống 2 ngày, chia 2 - 3 lần.
Tác dụng: Thanh thử ích khí, dưỡng âm, sinh tân.
Dùng trong trường hợp bệnh nhân sốt, mồ hôi nhiều, mồm khát, bứt rứt, người mệt mỏi, mạch hư sác.
Giải thích bài thuốc:
Vỏ dưa đỏ, Cọng sen là chủ dược có tác dụng giải thử, thanh nhiệt.
Dương sâm, Thạch hộc, Mạch môn ích khí sinh tân.
Hoàng liên, Tri mẫu, Trúc diệp: thanh nhiệt trừ phiền.
Camthảo, Cánh mễ: ích vị hòa trung.
Các vị thuốc phối hợp có tác dụng chung là thanh thử, ích khí, dưỡng âm, sinh tân.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Trường hợp trẻ em sốt về mùa hè, sốt kéo dài không khỏi có tổn thương tân dịch, có thể bỏ Hoàng liên, Tri mẫu gia Bạch vi, Thuyền thoái để hòa âm thoái nhiệt.
2.Dùng thận trọng trong trường hợp thấp nặng vì bài thuốc có nhiều vị nê trệ.
Lưu ý: Có một bài thuốc khác cũng có tên THANH THỬ ÍCH KHÍ THANG (Tỳ vị luận) gồm các vị: Hoàng kỳ, Thương truật, Thăng ma, Nhân sâm, Bạch truật, Trần bì, Thần khúc, Trạch tả, Mạch môn, Đương quy, Chích thảo, Hoàng bá, Cát căn, Thanh bì, Ngũ vị tử có tác dụng ích khí sinh tân, trừ thấp, thanh nhiệt.
Chủ trịnhững bệnh nhân vốn hư nhược, mắc bệnh thử thấp, người sốt đau đầu, mồm khát, ra mồ hôi, không thích ăn uống, người mệt mỏi, tiêu lỏng, tiểu vàng đỏ, rêu lưỡi dày, mạch hư nhược.
THANH NHIỆT TẠNG PHỦ
Thanh nhiệt tạng phủlà những bài thuốc dùng chữa các chứng nhiệt ở tạng phủ.
Ví dụ:
1.Chứng Tâm kinh nhiệt thịnh: bứt rứt, mồm khát, miệng lở, tiểu đỏ.
Dùng bài Đạo xích tán để thanh tâm nhiệt chứng.
2.Chứng Can kinh nhiệt thịnh: sườn đau, mồm đắng, mắt đỏ, tai ù hoặc chứng Can kinh thấp nhiệt: tiểu đỏ gắt, âm hộ sưng ngứa.
Dùng bài Long đởm tả can thang để thanh can nhiệt.
3.Chứng Phế kinh nhiệt: ho suyễn dùng Tả bạch tán để thanh phế nhiệt.
4.Trường hợp răng lưỡi sưng lở dùng bài Thanh vị tán để thanh vị nhiệt.
5.Trường hợp nhiệt tả lỵ dùng bài Hoàng cầm thang, Bạch đầu ông thang ... để thanh nhiệt ở đại tràng.
ĐẠO XÍCH TÁN
(Tiểu nhi dược chứng trực quyết)
Thành phần:
Sinh địa hoàng 12g
Mộc thông 12g
Camthảo tiêu 12g
(Có bài không dùng Cam thảo, dùng Hoàng cầm, có bài dùng Đăng tâm).
Cách dùng: các vị thuốc tán bột mịn, trộn đều, đổ nước sắc lá tre vào nên uống nóng, sau bữa ăn. Có thể dùng thuốc thang liều lượng gia giảm, sắc nước uống.
Tác dụng: Thanh tâm, lợi thủy chữa các chứng bệnh tâm kinh nhiệt thịnh, mồm khát, mặt đỏ, người nóng bứt rứt, mồm lưỡi lở, tiểu tiện ít đỏ, có lúc tiểu tiện đau.
Giải thích bài thuốc:
Sinh địa hoàng có tác dụng thanh nhiệt lương huyết dưỡng âm là chủ dược.
Mộc thông, Trúc diệp thanh tâm giáng hỏa lợi tiểu.
Camthảo tiêu: thanh nhiệt tả hỏa và điều hòa các vị thuốc.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Nếu tâm phiền nhiệt bứt rứt gia Hoàng liên để thanh tâm hỏa.
2.Trường hợp huyết lâm tiểu đau đỏ gia Hạn liên thảo, Tiểu kế, Cù mạch để thanh nhiệt lương huyết, thông lâm.
3.Đối với viêm bể thận cấp tiểu tiện nhiều lần đau gia Tiểu phượng vĩ thảo, Trân châu mẫu, Bạch mao căn để tăng cường tác dụng thanh nhiệt, lợi thủy.
4.Bài thuốc này có thể dùng để chữa viêm lở ở miệng do tâm kinh nhiệt thịnh.
LONG ĐỞM TẢ CAN THANG
(Cổ kim y phương tập thành)
Thành phần:
Long đởm thảo (rượu sao) 12g
Hoàng cầm 8g
Trạch tả 8g
Mộc thông 8g
Đương quy (rượu sao) 8g
Camthảo 2g
Chi tử (rượu sao) 12g
Xa tiền tử 6g
Sài hồ 8g
Sinh địa hoàng 8g
Cách dùng: sắc nước uống 2 lần trong ngày.
Tác dụng: Thanh can đởm kinh thấp nhiệt.
Giải thích bài thuốc:
Long đởm thảo có tác dụng thanh can đởm thực hỏa, trừ thấp nhiệt ở hạ tiêu là chủ dược.
Hoàng cầm, Chi tử hổ trợ thêm tác dụng thanh can đởm thực hỏa.
Trạch tả, Xa tiền tử, Mộc thông thanh lợi thấp nhiệt.
Đương quy, Sinh địa hoàng dưỡng âm huyết hòa can, dụng ý trong phối hợp thuốc trong tả có bổ để cho tả hỏa không có hại cho chân âm.
Camthảo điều hòa các vị thuốc.
Sài hồ sơ thông can đởm.
Các vị thuốc phối hợp có tác dụng chung là thanh lợi thấp nhiệt.
Ứng dụng lâm sàng:
Trên lâm sàng, thường dùng bài thuốc gia giảm chữa các bệnh:
1.Viêm gan virus gia Nhân trần.
2.Chữa viêm túi mật cấp gia Khổ luyện căn bì, Đại hoàng.
3.Viêm bàng quang cấp gia Hoàng bá, Trúc diệp, Hoạt thạch.
4.Và các bệnh như viêm màng tiếp hợp, viêm tai giữa, cao huyết áp, viêm cầu thận cấp, viêm hố chậu cấp có hội chứng can kinh thấp nhiệt.
TẢ KIM HOÀN
(Đơn khê tâm pháp)
Thành phần:
Hoàng liên (nước Gừng sao) 6 phần
Ngô thù du (ngâm nước muối) 1 phần
Cách dùng: Tán hoàn, uống 2 - 4g/lần, có thể gia giảm làm thuốc thang.
Tác dụng: Thanh tả can hỏa.
Trị chứng can khí uất hóa hỏa: ngực sườn đầy tức, nôn, mồm đắng, ợ chua, họng khô, lưỡi đỏ rêu vàng, mạch huyền sác.
Giải thích bài thuốc:
Hoàng liên đắng hàn, có tác dụng tả tâm hỏa, tức cũng gián tiếp tả can hỏa (tả tắc tả kỳ tử) là chủ dược.
Ngô thù tính cay nóng có tác dụng khai uất, cầm nôn.
Bài thuốc có hai vị thuốc, một hàn một nhiệt, tân khai khổ giáng, hợp
cùng dùng có tác dụng thanh can hỏa, khai can uất trị can uất hỏa, vị
khí nghịch gây ợ chua, mồm đắng, ngực sườn đầy tức.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Thường dùng trị các chứng viêm dạ dày mạn có triệu chứng nôn, buồn nôn, ợ chua, mồm đắng, ngực sườn đau tức.
2.Trị chứng tiết tả, kiết lỵ, đau bụng nhiều gia Bạch thược.
Chú ý: Không dùng trong trường hợp sườn đau do can huyết hư.
HƯƠNG LIÊN HOÀN
(Binh bộ trực quyết)
Thành phần:
Hoàng liên, Ngô thù du cùng sao
Rồi bỏ Ngô thù du
Gia Mộc hương.
Cách dùng : Cùng tán bột mịn, hồ hoàn, mỗi lần uống 4 - 8g.
Tác dụng: táo thấp, thanh nhiệt, hành khí, hóa trệ.
Chủ trị: Trị chứng thấp nhiệt, hội chứng lỵ kết quả tốt.
THANH VỊ TÁN
(Tỳ vị luận)
Thành phần:
Hoàng liên 6 phân
Đương qui 3 phân
Sinh địa 3 phân
Đơn bì 5 phân
Thăng ma 1 chỉ
Cách dùng: Tán bột mịn, sắc một lần, bỏ cặn uống nguội, có thể làm thuốc thang theo lượng trên, gia giảm sắc uống.
Tác dụng: Thanh vị lương huyết.
Trị chứng vị tích nhiệt.
Giải thích bài thuốc:
Hoàng liên: đắng hàn có tác dụng tả hỏa ở tâm là vị chủ dược.
Sinh địa, Đơn bì: dưỡng âm thanh nhiệt, lương huyết, chỉ huyết.
Đương quy: dưỡng huyết hòa huyết.
Thăng ma: thanh nhiệt giải độc dẫn dược vào kinh Dương minh.
Các vị hợp lại thành bài thuốc có tác dụng thanh vị hỏa, lương huyết nhiệt.
Ứng dụng lâm sàng:
Bài thuốc này dùng để trị đau răng nhưng có dùng gia giảm để trị các chứng vị nhiệt, hỏa uất.
1.Trường hợp táo bón gia Đại hoàng, Mang tiêu.
2.Nếu mồm khát thích uống nước lạnh bỏ Đương quy gia Huyền sâm, Thiên hoa phấn để dưỡng âm sinh tân.
3.Bài thuốc có thể chữa các bệnh đau dây thần kinh tam thoa, viêm miệng, trường hợp đau răng do phong hỏa gia Phòng phong, Bạc hà để khu phong.
TẢ BẠCH TÁN
(Tiểu nhi dược chứng trực quyết)
Thành phần:
Tang bạch bì 20g
Sinh Cam thảo 8g
Địa cốt bì 20g
Cách dùng: Các vị thuốc trên tán bột mịn cho thêm bột gạo tẻ trộn đều, mỗi lần dùng 8 - 16g, sắc nước uống trước bữa ăn.
Có thể dùng thuốc thang theo liều lượng trên gia giảm.
Tác dụng: Thanh tả phế nhiệt, bình suyễn chỉ khái.
Giải thích bài thuốc:
Tang bạch bì tả phế nhiệt chỉ khái bình suyễn là chủ dược.
Địa cốt bì trợ lực thêm tả hỏa ở phế, thoái hư nhiệt.
Cánh mễ, Cam thảo dưỡng vị hòa trung.
Bốn vị thuốc hợp lại có tác dụng chữa các chứng phế nhiệt có thương âm.
Ứng dụng lâm sàng: Bài thuốc chữa các triệu chứng phế nhiệt ho suyễn, da khô, hư nhiệt sốt cao về chiều, chất lưỡi đỏ rêu vàng, mạch tế sác.
1.Nếu phế nhiệt nặng gia thêm Hoàng cầm, Tri mẫu. Nếu phế táo nhiệt ho nhiều gia Qua lâu bì, Xuyên bối mẫu để nhuận phế chỉ khái. Nếu âm hư sốt về chiều gia Thanh hao, Miết giáp, Ngân sài hồ để tăng cường thối nhiệt.
2.Bài thuốc này dùng hiệu quả đối với trẻ em lúc sởi bắt đầu bay mà người nóng, ho nhiều, khó thở.
3.Trường hợp trẻ em viêm phổi mới bắt đầu hoặc viêm phế quản sốt ho khó thở dùng bài thuốc trên gia thêm Ngưu bàng tử, Hạnh nhân, Thuyền thoái, Bạc hà để tăng thêm tác dụng tuyên phế, chỉ khái có kết quả nhất định.
Chú ý: Những trường hợp ho suyễn do ngoại cảm phong hàn hoặc hư hàn bên trong không nên dùng.
VĨ KINH THANG
(Thiên kim phương)
Thành phần:
Vĩ kinh 40g
Đông qua nhân 12g
Ý dĩ nhân 20g
Đào nhân 12g
Cách dùng: sắc nước uống, ngày chia 2 lần.
Tác dụng: Thanh phế, hóa đờm, trục ứ, bài nùng.
Giải thích bài thuốc:
Vĩ kinh (hoặc dùng Lô căn) thanh phế tả nhiệt là chủ dược.
Đông qua nhân: trừ đàm bài nùng.
Ý dĩ: thanh nhiệt lợi thấp.
Đào nhân hoạt huyết hóa ứ.
Bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, hóa đàm, trục ứ, bài nùng; tuy các vị thuốc có tính bình và nhạt, đối với phế ung (áp xe phổi) có tác dụng tiêu tán.
Ứng dụng lâm sàng:
Bài thuốc chủ yếu trị phế ung, triệu chứng: ho ra máu mủ thối, đàm lẫn máu mùi tanh, ngực đau âm ỉ, đau tăng lúc ho, mồm họng khô táo, lưỡi đỏ rêu vàng nhớt. Thường dùng kết hợp với các vị Bồ công anh, Kim ngân hoa, Liên kiều, Ngư tinh thảo để thanh nhiệt giải độc. Nếu đã có mủ gia Cát cánh, Cam thảo, Xuyên bối mẫu để tăng cường hóa đàm, bài nùng.
1.Trường hợp bệnh sởi đã mọc kèm sốt, ho đờm nhiều có thể dùng bài thuốc này gia Ty qua lạc, Qua lâu bì, Tỳ bà diệp để thanh phế nhiệt, hóa đờm.
2.Đối với bệnh viêm phổi ho suyễn có thể kết hợp với bài Ma hạnh thạch cam thang, Tả bạch tán hoặc Bạch hổ thang để sử dụng tùy theo chứng bệnh.
3.Trên lâm sàng, có báo cáo cho rằng bài này kết hợp với bài Ngân kiều giải độc tán (gồm các vị: Lô căn, Ngư tinh thảo, Ý dĩ sống, Kim ngân hoa, Liên kiều, Qua lâu nhân, Tang bạch bì, Hạnh nhân, Sinh Cam thảo) có kết quả tốt. Bài thuốc có thể dùng chữa ho gà gia thêm các vị Xuyên bối mẫu, Quất hồng, Tỳ bà diệp, Cam thảo. Nếu ho, chảy máu cam gia Mao căn, Ngẫu tiết. Nôn gia Trúc nhự, Giả thạch. Đờm nhiều gia La bạc tử.
DƯỠNG ÂM THANH VỊ TIỄN
(Nguyên là bài NGỌC NỮ TIỄN - Cảnh Nhạc toàn thư)
Thành phần:
Thạch cao 20 - 40g
Thục địa 12 - 20g
Mạch môn 8 - 12g
Ngưu tất 6 - 8g
Tri mẫu 6 - 8g
Cách dùng: sắc nước uống.
Tác dụng: Thanh vị, tư âm.
Giải thích bài thuốc:
Thạch cao có tác dụng thanh vị nhiệt là chủ dược.
Thục địa: tư thận thủy.
Hai vị hợp lại vừa có tác dụng thanh nhiệt và tán thủy.
Tri mẫu: khổ nhuận hợp với Thạch cao để tả vị nhiệt.
Mạch môn hợp với Thục địa có tác dụng dưỡng âm, tăng tân dịch.
Ngưu tất có tác dụng dẫn dược, giáng hỏa xuống dưới.
Ứng dụng lâm sàng:
Bài thuốc có tác dụng chữa các chứng âm hư vị nhiệt, phiền nhiệt, mồm khát, đau đầu, đau răng hoặc thổ huyết, chảy máu cam, lưỡi khô đỏ, rêu trắng hoặc vàng khô, mạch phù hoạt hoặc hồng hoạt. ấn vô lực.
Nếu nhiệt thịnh gia Chi tử, Địa cốt bì. Nếu nhiều mồ hôi, khát nước gia Ngũ vị tử, tiểu tiện khó gia Trạch tả, Phục linh. Nếu có hiện tượng khí âm hư gia Nhân sâm.
Vị nhiệt thịnh mà thận âm hư không rõ, trái lại sốt cao, lưỡi đỏ thẫm, miệng khô khát nước thay Thục địa bằng Sinh địa, Ngưu tất bằng Huyền sâm để sinh tân lương huyết, thanh nhiệt.
Trường hợp âm hư rõ rệt thì tăng lượng Thục địa làm chủ dược.
Nếu nhiệt thịnh, bỏ Thục địa, dùng Sinh địa gia Đơn bì, Mao căn, Hạn liên thảo để lương huyết, chỉ huyết.
Nếu vị nhiệt thịnh mà nôn ra máu tăng lượng Thạch cao, Ngưu tất để gia cường thanh vị nhiệt dẫn huyết đi xuống và gia Đại giả thạch, Ngẫu tiết để lương giáng chỉ huyết.
Nếu thiên về âm dịch bất túc nên uống ấm. Nếu thiên về vị hỏa mạnh nên uống lạnh.
Trường hợp viêm miệng, viêm lưỡi cấp đều có thể dùng bài thuốc này điều trị. Nếu chất lưỡi khô đỏ thẫm hoặc trơn không có rêu, tức vị âm bất túc, cần gia thêm Sa sâm, Thạch hộc để dưỡng âm, sinh tân.
Chú ý: Trường hợp tiêu chảy không nên dùng.
BẠCH ĐẦU ÔNG THANG
(Thương hàn luận)
Thành phần:
Bạch đầu ông 16 - 20g
Hoàng bá 12 - 16g
Hoàng liên 8 - 12g
Trần bì 8 - 12g
Cách dùng: sắc nước uống.
Tác dụng: Thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, chỉ lỵ.
Giải thích bài thuốc:
Bạch đầu ông có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết, trị lỵ là chủ dược.
Hoàng liên, Hoàng bá, Trần bì hợp với Bạch đầu ông tăng thêm tác dụng thanh nhiệt giải độc, táo thấp.
Ứng dụng lâm sàng:
Bài thuốc trị các chứng nhiệt lỵ, mót rặn, bụng đau, đại tiện có máu mủ, khát nước, hậu môn nóng, lưỡi đỏ rêu vàng, mạch huyền sác.
1.Nếu có các triệu chứng biểu như sợ lạnh, phát sốt gia Cát căn, Kinh giới, Ngân hoa, Liên kiều để giải biểu, thanh nhiệt.
2.Bụng đau mót rặn nhiều gia Mộc hương, Binh lang, Bạch thược để hành khí, chỉ thống, giảm mót rặn.
3.Nếu thiên về xích lỵ gia Xích thược, Đơn bì, Địa du để hoạt huyết, lương huyết, chỉ huyết. Bài thuốc có thể chữa chứng lỵ amip, lỵ trực trùng, nhiệt độc thịnh.
4.Phụ nữ sau khi đẻ huyết hư mà mắc bệnh nhiệt lỵ, tiêu ra máu mủ, bụng đau mót rặn gia A giao, Cam thảo gọi là Bạch đầu ông gia Cam thảo, A giao thang (Kim quỹ yếu lược). Bài này cũng có thể dùng đối với các trường hợp huyết hư âm hư mà mắc bệnh nhiệt lỵ.
5.Trường hợp bệnh nhiệt lỵ đã hết mà lưỡi đỏ thẫm khô, không thích ăn uống, ăn vào khó nuốt gọi là "Cấm khẩu lỵ" có thể dùng bài này bỏ Hoàng bá gia Hài nhi sâm, Mạch môn, Thạch hộc, Cam thảo, Hạt sen để bổ vị âm; Thạch xương bồ, Thạch liên tử để hóa trọc.
HOÀNG CẦM THANG
(Thương hàn luận)
Thành phần:
Hoàng cầm 12 - 16g
Chích Cam thảo 6 - 8g
Thược dược 12 - 16g
Đại táo 3 - 6 quả
Cách dùng: sắc nước uống, chia 2 - 3 lần trong ngày.
Tác dụng: Thanh nhiệt, trị lỵ, hòa trung, chỉ thống.
Giải thích bài thuốc:
Hoàng cầm: thanh vị trường thấp nhiệt là chủ dược.
Thược dược: điều huyết hòa can, gỉam đau bụng.
Camthảo, Đại táo: hòa tỳ vị.
Ứng dụng lâm sàng:
Bài thuốc này dùng trong các trường hợp tiêu chảy, kiết lỵ do đại trường thấp nhiệt, có các triệu chứng tiêu chảy hoặc đi lỵ bụng đau, người nóng, mồm đắng lưỡi đỏ, mạch huyền sác.
1.Trường hợp nhiệt lỵ, bụng đau mót rặn dùng bài này bỏ Đại táo gọi là bài HOÀNG CẦM THƯỢC DƯỢC THANG (Hoạt pháp cơ yếu).
2.Trường hợp lỵ thuộc thực chứng, phân có mủ máu, bụng đau mót rặn bỏ Đại táo gia Hoàng liên, Đại hoàng, Binh lang, Đương quy, Mộc hương, Nhục quế gọi là bài THƯỢC DƯỢC THANG (Hà gian lục thư).
3.Trường hợp thấp nhiệt lỵ dùng bài thuốc bỏ Đại táo, bội Bạch thược gia những vị thuốc hành khí đạo trệ như Chỉ thực, Mộc hương.
4.Trường hợp lỵ kèm theo nôn gia Bán hạ, Sinh khương gọi là bài HOÀNG CẦM GIA BÁN HẠ SINH KHƯƠNG THANG (Thương hàn luận).
Chú ý: Trường hợp chứng tả lỵ do hàn thấp, rêu lưỡi trắng, mạch trì hoạt, không khát nước, không nên dùng bài này.
THANH HƯ NHIỆT
Thuốc Thanh hư nhiệt là những bài thuốc dùng để chữa các hội chứng, bệnh lý âm hư sốt lâu dài như các trường hợp lao, ung thư, bệnh chất tạo keo.
Mục đíchđể tư âm thanh nhiệt .
Những vị thuốcthường dùng như: Thanh hao, Miết giáp, Sinh địa, Tri mẫu...
Những bài thuốcthường dùng có:
Thanh hao miết giáp thang
Hoàng kỳ miết giáp thang…
THANH HAO MIẾT GIÁP THANG
(Ôn bệnh điều biện)
Thành phần:
Thanh hao 8 - 12g
Tế Sinh địa 12 - 16g
Đơn bì 12 - 16g
Miết giáp 16 - 20g
Tri mẫu 8 - 12g
Cách dùng: sắc nước uống.
Tác dụng: Dưỡng âm, thanh nhiệt.
Giải thích bài thuốc:
Miết giáp tính vị hàn mặn, có tác dụng tư âm thoái hư nhiệt.
Thanh hao: thanh nhiệt đều là chủ dược.
Sinh địa, Tri mẫu hỗ trợ Miết giáp để dưỡng âm thoái hư nhiệt.
Đơn bì thanh nhiệt ở huyết phận, tăng tác dụng thanh nhiệt của bài thuốc.
Ứng dụng lâm sàng:
Bài thuốc chủ yếu dùng trong các trường hợp sốt kéo dài dai dẳng, sáng nhẹ chiều tối nặng, lưỡi đỏ ít rêu, mạch tế sác hoặc huyền tế sác.
1.Trường hợp bệnh lao phổi gia thêm Sa sâm, Mạch môn, Hạn liên thảo để dưỡng âm thanh phế.
2.Trường hợp hư nhiệt kéo dài gia thêm Thạch hộc, Địa cốt bì, Bạch vi.
3.Đối với trẻ em sốt mùa hè, sốt nặng về đêm thuộc chứng âm hư nội nhiệt có thể dùng phối hợp bài thuốc này gia Bạch vi, Thiên hoa phấn, Cọng sen.
Chú ý: Trường hợp bệnh nhiễm thời kỳ đầu hoặc bệnh ôn ở khí phần âm hư co giật, không nên dùng bài này.
HOÀNG KỲ MIẾT GIÁP TÁN
(Vệ sinh bảo giám)
Thành phần :
Hoàng kỳ (chích mật) 20g
Chích Miết giáp 20g
Thiên môn 20g
Tần giao 12g
Sài hồ 12g
Bạch linh 12g
Tang bạch bì 12g
Tử uyển 12g
Bán hạ 12g
Bạch thược 12g
Sinh địa 12g
Tri mẫu 12g
Chích thảo 12g
Đảng sâm 6g
Cát cánh 6g
Nhục quế 6g
Cách dùng: tán bột mịn làm thuốc tán hoặc dùng thuốc thang.
Tác dụng: Tư âm, thanh nhiệt, ích khí, kiện tỳ, chỉ khái hóa đờm.
Chủ trị: Hư lao, phiền nhiệt, chân tay mệt mỏi, ho, họng khô đờm ít, chán ăn, ra mồ hôi hoặc sốt chiều, lưỡi nhợt, đầu lưỡi đỏ, mạch hư sác.
THANH CỐT TÁN
(Chứng trị chuẩn thằng)
Thành phần:
Ngân Sài hồ 6g
Hồ Hoàng liên 4g
Tần giao 4g
Miết giáp 4g
Địa cốt bì 4g
Thanh hao 4g
Tri mẫu 4g
Chích thảo 2g
Cách dùng: Tán bột mịn uống hoặc sắc uống.
Tác dụng: Tư âm, thoái hư nhiệt.
Chủ trị: Các chứng âm hư, sốt về chiều hoặc sốt thấp kéo dài, người gầy, môi má đỏ, lưỡi đỏ ít rêu, mạch tế sác.
Về TRANG CHỦ
Lượt xem:908.
SỔ TAY BÀI THUỐC NAM GIA TRUYỀN. TỪ CÂY NHÀ LÁ VƯỜN- Tác Giả: LÊ VĂN TUYÊN
Bí Mật Tư Duy Triệu Phú
Sách Thuốc Nam Kinh Nghiệm Chữa Bệnh Gia Truyền
Khám Phá Bí Mật Ngữ 12 Chòm Sao Trong Tình Yêu
Truyện Tình Yêu Hay
KHO TÀI LIỆU SÁCH THUỐC NAM ĐÔNG Y CŨ QUÝ
THÔNG TIN
ADMIN:Thông Tin Bản Quyền: LÊ VĂN TUYÊN- Sinh năm 1988- KHU ĐÔ THỊ GIẢI TRÍ CAO CẤP MỚI:- Xóm 10- Thôn Văn Quang- Xã Nghĩa Hương- Huyện Quốc Oai- Hà Tây- Hà Nội- VIỆT NAM
SĐT: 0336631403
SĐT: 0929668648

.Liên Hệ FACEBOOK:LÊ VĂN TUYÊN
Về TRANG CHỦ
Copyright 2014 © kenhGiaiTriAz.Wap.Sh