ThuốcTả hạlà những bài thuốc dùng để chữa các chứng đại tiện không thông, trường vị tích trệ, thủy ẩm đình lưu, hàn tích nhiệt kết thuộc chứng lý thực.
Bài thuốc có tác dụng công hạ, do cơ thể bệnh nhân lúc mắc bệnh, biểu hiện có nhiệt kết, hàn kết, táo kết, thủy kết khác nhau, cho nên dùng thuốc tả hạ có khác nhau.
Thường được chia ra làm các loại:
Hàn hạ
Ôn hạ
Nhuận hạ
Trục thủy
Công bổ kiêm trị.
HÀN HẠ
Bài thuốcHàn hạcó tác dụng thông tiện tả nhiệt, chủ trị các thực chứng lý nhiệt tích trệ. Triệu chứng lâm sàng thường thấy là đại tiện táo bón, bụng đầy đau hoặc triều nhiệt, nói sảng, thấp nhiệt, uẩn kết, khí huyết ngưng trệ sinh ra trường ung, rêu lưỡi khô vàng, mạch hoạt thực thường dùng các vị thuốc đắng hàn, tả nhiệt, thông tiện như Đại hoàng, Mang tiêu.
Bài thuốc thường dùng:
Đại thừa khí thang.
Đại hoàng Mẫu đơn thang.
ĐẠI THỪA KHÍ THANG
(Thương hàn luận)
Thành phần:
Đại hoàng 8 - 16g
Hậu phác 8 - 16g
Mang tiêu 6 - 12g
Chỉ thực 8 - 16g
Cách dùng:
Ngày dùng 1 thang sắc uống. Cho Hậu phác và Chỉ thực nấu sôi 5 - 10 phút, cho Đại hoàng vào sắc tiếp rồi đổ ra lọc bỏ bã, cho Mang tiêu hoặc Huyền minh phấn (là chất tinh chế Mang tiêu) trộn tan, đem dùng. Sau khi uống 2 - 3 giờ vẫn chưa thấy "tả hạ" thì uống nước thứ hai, nếu không đại tiện được thì ngưng thuốc.
Tác dụng: Công hạ nhiệt tích ở Đại tràng, tả hỏa giải độc tiết nhiệt lợi đờm, tiêu trừ bỉ mãn.
Giải thích bài thuốc:
Đại hoàng tính đắng hàn tả nhiệt thông tiện ở đại tràng là chủ dược.
Mang tiêu tính mặn hàn tả nhiệt, nhuyễn kiên, nhuận táo, trừ tích.
Chỉ thực, Hậu phác: tiêu bỉ, trừ mãn, hành khí, tán kết.
Các vị thuốc hợp lại có tác dụng chung là tuấn hạ nhiệt kết.
Ứng dụng lâm sàng:
Chỉ định bài thuốc là các chứng bỉ, mãn, táo thực chứng, mạch có lực.
1.Bài thuốc được sử dụng trong trường hợp bệnh nhiễm (thương hàn ôn bệnh) có chứng dương minh phủ. Triệu chứng: đại tiện táo kết, bụng đầy ấn đau, hôn mê nói sảng, sốt cao về chiều, rêu lưỡi vàng dày khô, mạch trầm thực.
2.Trường hợp "nhiệt kết bàn lưu" bệnh nhân tiêu chảy nước trong hôi thối, bụng đầy đau, mồm khô lưỡi táo, mạch hoạt sác hoặc chứng nhiệt quyết co giật cuồng hỏa, thuộc chứng lý thực nhiệt.
3.Trên lâm sàng thường dùng bài thuốc để trị các bệnh viêm túi mật cấp, viêm ruột thừa cấp và một số bệnh nhiễm trùng sốt cao, hôn mê co giật, bụng đầy táo bón, mạch có lực, có thể gia giảm tùy theo triệu chứng lâm sàng.
4.Bài thuốc có tác dụng tả hạ mạnh cho nên không dùng trong các trường hợp khí âm hư không có nhiệt kết ở trường vị, phụ nữ có thai. Lúc sắc thuốc phải chú ý sắc Chỉ thực, Hậu phác trước rồi mới cho Đại hoàng sau đó mới cho Mang tiêu để uống vì Đại hoàng, Mang tiêu sắc lâu sẽ giảm bớt tác dụng tả hạ.
5.Trên thực nghiệm cho thấy bài thuốc có tác dụng tăng cường nhu động ruột, cải thiện tuần hoàn máu, và làm giảm bớt tính thẩm thấu của mao mạch.
TIỂU THỪA KHÍ THANG
(Thương hàn luận)
Thành phần:
Đại hoàng 8 - 16g
Hậu phác 8 - 10g
Chỉ thực 8 - 12g
Cách dùng: sắc nước uống.
Chủ trị: Bệnh Dương minh phủ chứng như trên nhưng tác dụng yếu hơn.
ĐIỀU VỊ THỪA KHÍ THANG
(Thương hàn luận)
Thành phần:
Đại hoàng 8 - 16g
Chích Cam thảo 4 - 8g
Mang tiêu 8 - 16g
Cách sắc và uống như trên.
Trị chứng Dương minh sốt, mồm khát, táo bón, bụng đầy cự án, rêu lưỡi vàng, mạch hoạt sác.
So sánh 3 bài thuốc Tiểu thừa khí không có vị Mang tiêu cho nên chủ yếu trị chứng "bĩ", "mãn" thực mà không táo nên không cần dùng Mang tiêu để nhuận táo. Ngoài ra trong bài Tiểu thừa khí lượng Hậu phác, Chỉ thực ít hơn.
Ba vị hợp lại cùng sắc cho nên tác dụng yếu hơn.
Còn bài Điều vị thừa khí thang dùng Đại hoàng, Mang tiêu mà không có Chỉ thực, Hậu phác cho nên chủ trị của bài thuốc là chứng táo nhiệt nội kết, ngoài ra dùng Cam thảo để điều hòa vị khí, nên tác dụng so với hai bài trên hòa hoãn hơn, nên dùng điều trị chứng Dương minh phủ nhẹ hơn.
Ngoài ra có thể trị chứng phát ban, mồm răng lợi họng đau lở loét có kết quả.
LƯƠNG CÁCH TÁN
(Hòa tễ cục phương)
Thành phần:
Đại hoàng
Phác tiêu
Camthảo
Chi tử
Hoàng cầm
Bạc hà
Liên kiều.
Liều lượngtùy chứng gia giảm, làm tán hoặc sắc nước uống.
Có tác dụngthanh nhiệt tích ở thượng và trung tiêu đồng thời thông tiện.
Đại thừa khí thang chủ yếu trị nhiệt tích ở trung hạ tiêu, bứt rứt, khát nước, mặt đỏ, môi khô, mồm lưỡi sang lở, họng đau, hoặc nôn, chảy máu mũi, táo bón, tiểu đỏ, lưỡi đỏ, rêu vàng khô, mạch hoạt sác.
ĐẠI HOÀNG MẪU ĐƠN THANG
(Kim quỹ yếu lược)
Thành phần:
Đại hoàng 6 - 12g
Đào nhân 8 - 12g
Mang tiêu 8 - 12g
Mẫu đơn bì 8 - 12g
Đông qua nhân 12 - 20g
Cách dùng: Đại hoàng cho vào sau, Mang tiêu tán bột mịn cho vào thuốc đã sắc, trộn đều uống.
Tác dụng: Thanh nhiệt, giải độc, tả hỏa, phá ứ, tán kết, tiêu ung.
Giải thích bài thuốc:
Đại hoàng: thanh nhiệt, giải độc, tả hạ.
Đơn bì: lương huyết tiêu ứ đều là chủ dược.
Mang tiêu hợp với Đại hoàng thanh nhiệt giải độc, tả hạ thông tiện.
Đào nhân hợp với Đơn bì hoạt huyết tán ứ.
Đông qua nhân: tán kết bài nùng.
Ứng dụng lâm sàng:
Bài thuốc chủ trị bệnh trường ung (thường chỉ bệnh viêm ruột thừa cấp).
Tùy trường hợp có gia giảm như:
1.Sốt cao, đau bụng nhiều gia Hoàng liên để thanh nhiệt giải độc.
2.Đại tiện không thông mót rặn, chất lưỡi đỏ, mạch tế sác có dấu hiệu thương âm bỏ Mang tiêu gia Huyền sâm, Sinh địa để dưỡng âm thanh nhiệt.
3.Trường hợp có khối u ở bụng dưới nên phải gia Đương quy, Xích thược, Địa long để hoạt huyết hóa ứ.
4.Trường hợp đã hóa mủ cần gia thuốc thanh nhiệt giải độc như Kim ngân hoa, Bồ công anh, Bạch hoa xà thiệt thảo.
Bài thuốc có thể dùng để chữa các bệnh viêm phần phụ hoặc táo bón thuộc thấp nhiệt.
Chú ý không dùng đối với các trường hợp sau: viêm ruột thừa đã có mủ nặng kèm viêm phúc mạc có triệu chứng nhiễm độc choáng, phụ nữ có thai viêm ruột thừa mạn tính tái phát và các trường hợp người già trẻ em thể chất hư nhược.
Ở Trung quốc có nhiều báo cáo sử dụng bài thuốc gia giảm kết hợp châm cứu chữa viêm ruột thừa có tác dụng tốt.
ÔN HẠ
Ôn hạ là những bài thuốc có tác dụng khu hàn, thông tiện dùng cho những trường hợp lý hàn thực chứng; đại tiện táo kết, chân tay mát lạnh, bụng đau lúc gặp lạnh, mồm nhạt không khát, rêu lưỡi trắng hoạt, mạch trầm trì.
Thường dùng các vị thuốc tả hạ như Đại hoàng, Ba đậu kết hợp với thuốc ôn lý khu hàn như Phụ tử, Tế tân, Can khương.
Bài thuốc thường dùng có:
Đại hoàng Phụ tử thang.
Tam vật bị cấp hoàn.
ĐẠI HOÀNG PHỤ TỬ THANG
(Kim quỹ yếu lược)
Thành phần:
Đại hoàng 8 - 12g
Thục Phụ tử 8 - 12g
Tế tân 4 - 8g
Cách dùng: sắc nước uống ngày 3 lần.
Tác dụng: Ôn kinh, tán hàn, thông tiện, chỉ thống.
Giải thích bài thuốc:
Phụ tử: ôn kinh tán hàn, là chủ dược.
Tế tân tính cay ôn hợp với Phụ tử tăng tác dụng khu hàn.
Đại hoàng: tả hạ, thông tiện.
Ba vị hợp dùng có tác dụng Ôn hạ.
Ứng dụng lâm sàng:
Bài thuốc chủ trị chứng thực hàn tích tụ, táo bón bụng đau, chân tay mát sợ lạnh, rêu lưỡi nhớt trắng, mạch trầm, huyền khẩn.
1.Trường hợp đau bụng nhiều, thích ấm gia Quế chi, Bạch thược để hòa vinh, chỉ thống.
2.Trường hợp bụng đầy, tích trệ nặng, rêu lưỡi dày gia Chỉ thực, Thần khúc để tiêu thực đạo trệ.
3.Trường hợp người yếu tích trệ nhẹ dùng Chế Đại hoàng để giảm bớt tác dụng tả hạ. Trường hợp khí hư gia Đảng sâm, Hoàng kỳ để bổ khí.
4.Trường hợp sán khí (sa ruột) nhẹ đau, mạch huyền khẩn có thể dùng bài này gia Nhục quế, Tiểu hồi hương để t án hàn, chỉ thống.
Chú ý: Lượng Đại hoàng không bao giờ dùng lớn hơn lượng Phụ tử.
TAM VẬT BỊ CẤP HOÀN
(Kim quỹ yếu lược)
Thành phần:
Ba đậu
Đại hoàng
Can khương
(Lượng bằng nhau).
Cách chế và dùng:
Ba đậu bỏ vỏ ép hết dầu, các vị thuốc sấy khô tán bột mịn làm thành hoàn với mật ong, mỗi lần uống từ 1 - 2g với nước ấm, sau khi uống xong nếu không đi tả uống thêm 0,5 đến 1g tùy theo thể chất người bệnh.
Luyện mật ong khoảng 40 - 50% mật làm hoàn nhỏ.
Tác dụng: Công trục hàn tích.
Giải thích bài thuốc:
Ba đậu: cay nhiệt tuấn hạ, khai thông bế tắc là chủ dược.
Can khương: ôn trung trừ hàn để kiện tỳ dương.
Đại hoàng: thông đại tiện, làm giảm bớt tính cay độc của Ba đậu.
Ba vị thuốc hợp lại làm thành bài thuốc có tác dụng cấp hạ hàn tích.
Ứng dụng lâm sàng:
Bài thuốc chỉ định chữa các chứng lý hàn thực, bệnh nhân đột ngột đau bụng dữ dội, bụng đầy trướng, đại tiểu tiện không thông, trường hợp nặng có khó ở, cấm khẩu, chân tay quyết lạnh, rêu lưỡi trắng, mạch trầm khẩn.
1.Trên lâm sàng để chữa các chứng nhiễm độc thức ăn, cần tẩy xổ, chứng xơ gan cổ trướng, thận hư nhiễm mỡ, bụng đầy trướng đau, đại tiểu tiện không thông, bệnh lý thường nặng thuốc lại có tác dụng mạnh, tổn thương đến chân âm, chân dương cho nên cần kết hợp với tây y để đạt kết quả tốt.
2.Những trường hợp người già, trẻ em, cơ thể suy nhược, phụ nữ có thai không dùng, trường hợp dùng thuốc xổ, tả hạ không cầm, cho bệnh nhân ăn cháo gạo nguội để cầm hoặc truyền dịch để cứu tân dịch.
TAM VẬT BẠCH TÁN
(Thương hàn luận)
Thành phần:
Cát cánh 3 phần
Ba đậu (bỏ vỏ ruột sao đen tán mịn) 1 phần
Bối mẫu 3 phần
Cách dùng: Tất cả tán bột mịn trộn đều, mỗi lần uống 2 - 4g.
Tác dụng: Gây nôn, thực đờm,tả hạ, hàn tích.
Chủ trị: Chứng đàm thịnh ứ trệ, khó thở, khò khè, mạch trầm khẩn có lực.
NHUẬN HẠ
Bài thuốc nhuận hạ thường gồm các vị thuốc ngọt bình, có chất dầu, tác dụng nhuận trường thông tiện.
Thường được chỉ định dùng trong 2 trường hợp táo bón sau đây:
1-Do nhiệt làm tổn thương chân âm, trường vị táo mà đại tiện không thông, thường dùng các loại thuốc tư nhuận kết hợp với thuốc tả hạ như Ma nhân, Hạnh nhân, Đại hoàng mà bài thuốc thường dùng là: Ma tử nhân hoàn.
2-Do sau khi bệnh tân dịch bị tổn thương người già hoặc sau khi đẻ huyết hư gây táo bón cần dùng ôn nhuận bổ hư và nhuận hạ, thường dùng các loại thuốc tư nhuận hoạt trường như Hạnh nhân, Bá tử nhân, Ma nhân, Nhục thung dung, Đương quy …
Bài thuốc thường dùng Ngũ nhân hoàn ... MA TỬ NHÂN HOÀN
(Thương hàn luận)
Thành phần:
Ma tử nhân 8 - 12g
Hạnh nhân 4 - 8g
Hậu phác 6 - 8g
Đại hoàng 4 - 8g
Chỉ thực 6 - 8g
Thược dược 6 - 8g
Cách dùng: Tất cả tán bột mịn, luyện mật, làm hoàn nhỏ, mỗi lần 4 - 8g, ngày 2 lần, hoặc 1 lần trước khi đi ngủ, trường hợp chưa đại tiện thì tăng liều lượng.
Tác dụng: Nhuận trường, thông tiện.
Giải thích bài thuốc:
Bài thuốc này là do bài Tiểu thừa khí thang gia Ma tử nhân, Hạnh nhân và Thược dược.
Ma tử nhân: nhuận tràng thông tiện là chủ dược.
Hạnh nhân: giáng khí, nhuận tràng.
Thược dược: dưỡng âm hòa can.
Chỉ thực: tán kết.
Hậu phác: tiêu thực.
Đại hoàng: thông hạ.
Ứng dụng lâm sàng:
Bài thuốc được dùng chữa các chứng táo bón kéo dài do tập quán, do lão suy, trường hợp bệnh trĩ tiêu ra máu, gia thêm Hoa hòe, Địa du để cầm máu.
NGŨ NHÂN HOÀN
(Thế y đắc hiệu phương)
Thành phần:
Đào nhân 20g
Hạnh nhân 12g
Bá tử nhân 12g
Tùng tử nhân 4g
Uất lý nhân 4g
Trần bì 8 - 12g
Cách dùng: Mật làm hoàn. Mỗi lần uống 4 - 8g.
Trị chứng: Táo bón ở người già, sản phụ sau khi đẻ có thể dùng thuốc thang.
THÔNG TIỆN DƯỢC ĐIỀU
(Bài thuốc kinh nghiệm của BV Quảng Đông)
Thành phần:
Tế tân 16g
Tạo giác 16g
Mật ong 160g
Cách chế: Tế tân, Tạo giác tán bột mịn, cô mật ong cho thuốc vào làm thành viên (thuốc đạn), mỗi lần nhét hậu môn 1 - 2 viên.
Tác dụng: Hành khí, nhuận tràng, thông tiện.
TRỤC THỦY
Các bàithuốc trục thủycó tác dụng công trục thủy ẩm, tống lượng nước ứ trệ trong cơ thể ra bằng đường đại tiện, thường dùng trong các trường hợp phù nặng, cổ trướng, mà cơ thể còn khỏe.
Những bài thuốc này có tác dụng xổ mạnh và có độc nên lúc dùng cần thận trọng.
Những vị thuốc dùng có Nguyên hoa, Cam toại, Đại kích, Ba đậu.
THẬP TÁO THANG
(Thương hàn luận)
Thành phần:
Đại táo 10 quả
Camtoại
Đại kích
Nguyên hoa
(Lượng bằng nhau).
Cách dùng: Ba vị Nguyên hoa, Cam toại, Đại kích tán bột mịn. Trộn đều, mỗi lần uống từ 0,5 - 1,5g, ngày 1 lần vào sáng lúc bụng đói với nước sắc Đại táo.
Nếu sau khi uống thuốc tiêu chảy không cầm thì ăn cháo gạo lúc nguội.
Tác dụng: Công trục thủy ẩm.
Giải thích bài thuốc:
Camtoại: trục thủy thấp.
Đại kích: tả thủy thấp ở tạng phủ.
Nguyên hoa: công trục thủy ẩm ở ngực sườn.
Ba vị đều có tác dụng công trục mạnh và có độc, dễ làm tổn thương chân khí, hại tỳ, cho nên dùng Đại táo tính ngọt bình để ích khí, kiện tỳ và làm giảm bớt độc của các vị thuốc.
Ứng dụng lâm sàng:
Bài thuốc được chỉ định dùng trong các trường hợp thủy thũng cổ trướng thuộc thực chứng.
Trên lâm sàng thường dùng chữa các chứng cổ trướng do xơ gan, thận hư nhiễm mỡ.
1.Trường hợp bệnh nhân yếu cần chú ý dùng kết hợp với các loại thuốc bổ khí, bổ âm hoặc kết hợp với tây y nâng cao thể trạng bổ sung thể dịch và chất đạm.
2.Chú ý lúc dùng tùy tình hình thể trạng bệnh nhân, thuốc bắt đầu dùng lượng ít sau tăng dần và không được dùng liên tục.
3.Trường hợp cơ thể quá suy nhược và phụ nữ có thai không được dùng sắc để uống có thể dùng giấm để chế thuốc để giảm tính gây nôn của thuốc.
4.Có báo cáo dùng bài Thập táo thang chữa viêm màng phổi, xơ gan cổ trướng, viêm màng bụng kết hợp Đông tây y có kết quả tốt, trên lâm sàng sử dụng bài thuốc thường có những phản ứng phụ như đau bụng, nôn, buồn nôn cần được chú ý.
KHỐNG DIÊN ĐƠN
(Cũng gọi là Diệu ứng hoàn, Tử long hoàn, Tam nhân phương)
Thành phần:
Camtoại
Đại kích
Bạch giới tử
(Lượng bằng nhau).
Cách dùng: Các vị tán bột mịn, hồ viên nhỏ. Uống sau lúc ăn và trước khi đi ngủ mỗi lần 0,5 - 1g với nước Gừng.
Tác dụng: Trừ đờm, trục ẩm.
Bài Khống diên đơn là do từ bài Thập táo thang bỏ Nguyên hoa, Đại táo gia Bạch giới tử và làm hoàn thường dùng để trị các chứng đờm ẩm tắc ở ngực, sườn bụng đau âm ỉ, rêu lưỡi nhớt, dày mạch hoạt hoặc phù thũng, thực chứng.
CHÂU SA HOÀNG
(Cảnh Nhạc toàn thư)
Thành phần:
Hắc sửu (tán bột) 160g
Nguyên hoa 40g
Đại kích (sao giấm) 40g
Than bì 20g
Trần bì 20g
Mộc hương 20g
Binh lang 20g
Khinh phấn 4g
Camtoại (bọc bột mì nướng) 80g
Đại hoàng 80g
Cách dùng: Tất cả tán bột mịn hồ viên nhỏ mỗi lần uống 4 - 8g, mỗi ngày 1 lần lúc bụng đói vào buổi sáng.
Tác dụng: Hành khí, trục thủy.
Giải thích bài thuốc:
Camtoại, Đại kích, Nguyên hoa có tác dụng trục hạ thủy ẩm là chủ dược.
Đại hoàng, Hắc sửu tả hạ thủy thấp.
Thanh bì, Trần bì, Binh lang, Mộc hương: hành khí đạo trệ, lợi thấp.
Khinh phấn: trục thủy, thông tiện.
Công dụng:
Bài thuốc dùng trị các chứng phù thũng, bụng đầy nước, thuộc thực chứng, mồm khát, thở khó, bụng cứng, đại tiện táo bón, mạch trầm sác có lực.
Trên lâm sàng thường được dùng chữa chứng cổ trướng do xơ gan, thận hư nhiễm mỡ.
1.Nếu thuộc hư chứng cần dùng xen kẽ với thuốc bổ khí âm hoặc kết hợp truyền dịch bổ sung nước và chất dinh dưỡng.
2.Trường hợp cơ thể quá suy nhược, phụ nữ có thai không nên dùng.
Chú ý: Thuốc có độc không nên dùng kéo dài.
CAM TOẠI THÔNG KẾT THANG
(Kinh nghiệm của BV Nam Khai, Thiên Tân, TQ)
Thành phần:
Camtoại bột 0,5 - 1g
Đào nhân 12g
Xích thược 18g
Sinh Ngưu tất 12g
Hậu phác 20 - 30g
Đại hoàng 12 - 24g
Mộc hương 12g
Cách dùng: sắc nước uống.
Tác dụng: Hành khí, hoạt huyết, thông kết, công hạ.
Chủ trị: Chứng tắc ruột, cổ trướng.
Giải thích bài thuốc:
Camtoại, Đại hoàng: thông kết công hạ là chủ dược.
Hậu phác, Mộc hương: hành khí tán mãn.
Đào nhân, Xích thược, Ngưu tất: hoạt huyết ứ làm cho khí huyết lưu thông, kết trệ thông tiêu làm hết bệnh.
CÔNG BỔ KIÊM TRỊ
Là những bài thuốc dùng trị các chứng táo bón, mà cơ thể hư nhược do đó những bài thuốc này thường gồm có các vị thuốc bổ dưỡng và cả những vị thuốc công hạ.
Những bài thuốc thường dùng có:
Hoàng long thang.
Tăng dịch thừa khí thang.
Ôn tỳ thang ...
HOÀNG LONG THANG
(Thương hàn lục thư)
Thành phần:
Đại hoàng 8 - 12g
Chỉ thực 8 - 16g
Đương qui 8 - 16g
Mang tiêu 12 - 16g
Đảng sâm 8 - 12g
Cát cánh 4 - 8g
Hậu phác 4 - 8g
Camthảo 2 - 6g
Đại táo 2 quả
Sinh khương 3 lát
Cách dùng: sắc nước uống.
Tác dụng: Thanh nhiệt, thông tiện, bổ khí, dưỡng huyết.
Giải thích bài thuốc:
Bài thuốc gồm có ĐẠI THỪA KHÍ THANG gia Đảng sâm, Đương quy, Khương, Táo, Cam thảo và Cát cánh.
Trong bài thuốc Thừa khí thang là chủ dược có tác dụng tả hỏa thông tiện.
Đảng sâm, Đương quy: bổ khí, dưỡng huyết để phò chính.
Cát cánh khai phế để thông trường vị.
Khương, Táo, Thảo: điều hòa tỳ vị.
Các vị thuốc hợp lại thành một bài thuốc vừa có tác dụng công hạ phò chính.
Ứng dụng lâm sàng:
Bài thuốc chủ trị chứng lý thực nhiệt kiêm khí huyết hư nhược, triệu chứng thường thấy bụng đầy cứng đau, đại tiện không thông, tiêu chảy nước trong, sốt, khát, bứt rứt, người mệt mỏi, hơi thở ngắn, rêu lưỡi vàng dày, mạch tế sác vô lực.
1.Trường hợp người già suy nhược, bụng đầy trướng táo bón, cần công hạ, có thể bỏ Mang tiêu gia thêm lượng Đảng sâm, Đương quy.
2.Trường hợp khí huyết hư nhiệt kết táo bón, do nhiệt làm tổn thương chân âm có thể dùng bài thuốc này bỏ Chỉ thực, Hậu phác, Đại táo, Cát cánh gia Mạch môn, Sinh địa, Huyền sâm, Tây dương sâm để dưỡng âm, tăng dịch gọi là bài TÂN GIA HOÀNG LONG THANG (Ôn bệnh điều biện).
TĂNG DỊCH THỪA KHÍ THANG
(Ôn bệnh điều biện)
Thành phần:
Huyền sâm 20 - 40g
Tế Sinh địa 16 - 32g
Mạch môn 16 - 32g
Đại hoàng 6 - 12g
Mang tiêu 2 - 5g
Cách dùng: sắc nước uống, uống 1/2 lượng thuốc nếu thông tiện thì thôi.
Tác dụng: Tư âm tăng dịch tả nhiệt thông tiện.
Giải thích bài thuốc:
Huyền sâm, Sinh địa, Mạch môn hợp lại thành bài Tăng dịch thang có tác dụng dưỡng âm tăng dịch, nhuận tràng, thông tiện.
Đại hoàng: tả tích nhiệt, thông tiện.
Mang tiêu: nhuyễn kiên, táo kết hợp thành một bài thuốc có tác dụng tư âm tăng dịch, tả nhiệt, thông tiện.
Ứng dụng lâm sàng:
Chủ trị: các chứng bệnh ôn nhiệt kết âm hư có các triệu chứng đại tiện khó, phân bón cứng, mồm khô, lưỡi đỏ thẫm, rêu vàng.
ÔN TỲ THANG
(Thiên kim phương)
Thành phần:
Phụ tử 8 - 12g
Đại hoàng8 - 12g (cho vào sau)
Đảng sâm 6 - 12g
Can khương 4 - 8g
Camthảo 2 - 4g
Cách dùng: sắc nước uống.
Tác dụng: Ôn bổ tỳ dương, công hạ tích lạnh.
Giải thích bài thuốc:
Phụ tử: ôn dương, tán hàn là chủ dược.
Can khương, Đảng sâm: ôn tỳ.
Đại hoàng: công hạ, tích trệ.
Camthảo: điều hòa các vị thuốc.
Ứng dụng lâm sàng:
Bài thuốc chủ trị các chứng hư hàn do lạnh, tỳ dương kém không vận hóa được sinh táo bón, bụng đầy, chân tay lạnh, hoặc chứng Xích bạch lỵ kéo dài kèm theo đau có thể gia thêm Nhục quế, Mộc hương để ôn trung chỉ thống.
Nếu trường hợp có nôn gia Bán hạ gừng chế Sa nhân để hòa vị giáng nghịch.
ADMIN:Thông Tin Bản Quyền: LÊ VĂN TUYÊN- Sinh năm 1988- KHU ĐÔ THỊ GIẢI TRÍ CAO CẤP MỚI:- Xóm 10- Thôn Văn Quang- Xã Nghĩa Hương- Huyện Quốc Oai- Hà Tây- Hà Nội- VIỆT NAM
SĐT: 0336631403
SĐT: 0929668648