TỔ TIÊN SIÊNG NĂNG LÀM VIỆC THIỆN, CON CHÁU CÓ PHÚC PHẬN LỚN
Trong xã hội ngày nay, không ít người theo đuổi tiền tài, tìm mọi cách để có được càng nhiều tiền càng tốt. Tuy nhiên người ta lại phát hiện ra rằng, mặc dù có người đã rất cố gắng, nỗ lực, rất phấn đấu nhưng quanh năm suốt tháng vẫn sống trong khó khăn, nghèo túng. Có người muốn làm giàu một cách nhanh chóng, thậm chí vay tiền nặng lãi để làm ăn, nhưng kết quả lại thua lỗ hết cả vốn và tiền vay. Có người vì thế mà cửa nát nhà tan, không còn thiết gì đến sinh mệnh của mình nữa. Kỳ thực người xưa đã nói về điều này rất rõ ràng rồi: phúc phận của một người là kế thừa từ tổ tiên, cũng lại do bản thân bồi dưỡng mà ra. Nếu chịu khó quan sát thẳng thắn chừng vài ba thế hệ ở một gia tộc nào đó trong lịch sử hay ở quanh ta, dấu vết biểu hiện của quy luật nhân quả này rất khó tẩy xóa, phủ nhận.
(Tranh minh họa qua Kknews.cc)
Bốn đời hành thiện, gia tộc sinh hiền sĩ
Thời nhà Thanh có một vị quan tên là Đào Chú, người huyện An Hóa, tỉnh Hồ Nam, được Hoàng đế Đạo Quang triều nhà Thanh rất trọng dụng. Ông từng ở kinh thành đảm nhận chức quan Hàn Lâm Viện, sau đó được thăng lên làm Ngự sử. Về sau, ông đảm nhận chức vụ Xuyên Đông Binh bị đạo (quan đặc trách chỉnh quân), Sơn Tây bố chính sử (chức quan thi hành chính trị), An Huy bố chính sử, An Huy tuần phủ, Giang Tô tuần phủ… Năm Quang Đạo thứ 10, ông làm Thái tử Thiếu bảo, Lưỡng Giang tổng đốc.
Trong thời gian làm quan, Đào Chú quản lý tài sản, thụ lý xử án, cứu tế dân khi có thiên tai, khai thông vận chuyển đường sông, khai mở vận chuyển đường biển, phát triển giáo dục hưng thịnh. Tính cách nghiêm khắc, chính trực và những thành tích to lớn mà ông làm được khiến người dân ai ai cũng cảm phục. Bởi vậy, trong lịch sử Trung Hoa, thanh danh của Đào Chú được xếp ngang hàng với Lâm Tắc Từ.
Nếu ngược thời gian, tìm hiểu về gia tộc những đời trước của Đào Chú, người ta sẽ không thể không cảm thán rằng: “Đời trước tích đức dày!”
Thái Cao Tổ của Đào Chú là người sống vào thời Minh. Bấy giờ, binh vệ ở vùng quê rất nghiêm khắc. Người nào trộm cắp mà người ta bắt được thì sẽ bị xử bằng hình phạt dìm nước đến chết. Lần ấy, một tên trộm bị bắt giữ, đúng lúc thái cao tổ của Đào Chú là Hàm Công đi qua. Kẻ trộm cầu xin: “Xin ân công cứu tôi, tôi nguyện sẽ không bao giờ làm kẻ ăn trộm nữa”. Hàm Công liền bỏ ra khoản tiền trả cho người ta để cứu giúp kẻ trộm. Hơn thế nữa, Hàm Công lo lắng rằng tên trộm sẽ không thể“tay làm hàm nhai”nên đã cấp cho người này một chiếc thuyền nhỏ để mưu sinh.
Cả đời, Hàm Công đã bố thí cho người nghèo tám chiếc thuyền để trợ giúp họ có phương tiện làm việc kiếm sống. Hàng ngày, mỗi khi ra khỏi nhà, Hàm Công đều mang theo một chiếc giỏ nhỏ đựng những vật sắc nhọn mà ông nhặt được trên đường, để người đi đường không bị dẫm phải.
Cụ của Đào Chú là Hành Công cũng là một người có đạo đức cao đẹp. Chuyện kể rằng vào một ngày trời lạnh giá, có người đã lẻn vào nhà ông để trộm gạo. Lúc ấy, Hành Công biết nên đã lần theo dấu tuyết và đi đến cửa nhà người này. Nhưng ông biết rõ người này nên thông cảm cho gia cảnh nghèo khó, lặng lẽ quay về nhà. Sự việc ấy xảy ra, ông không bao giờ nhắc tới một lần nào trong đời. 30 năm sau, vợ của ông kể chuyện này với con cháu nhưng tuyệt nhiên không nhắc đến tên của người trộm.
Một lần, ở quê nhà của Đào gia bị hỏa hoạn, vợ của Hành Công đã lấy lương thực trong kho thóc của gia đình đến cứu trợ những gia đình bị nạn.
Ông nội của Đào Chú là Lượng Công tính tình đạm bạc, không tham lam. Bởi vì không kinh doanh nên hoàn cảnh gia đình cũng bình thường. Một lần, ông đi đến bờ sông thì nhặt được tiền. Ông ngồi đó đợi một ngày thì thấy một người hớt hải chạy tới, mặt vàng nhợt nhạt, lo lắng tìm kiếm, hóa ra đó là số tiền người này tích lũy trong vài năm, muốn mang về phụng dưỡng mẹ già.
Lượng Công đem túi tiền trả lại, khiến người này vô cùng cảm kích, muốn tặng lại cho ông nửa số tiền ấy, nhưng Lượng Công nói: “Nếu tôi muốn được chia tiền thì đã không ngồi đây đợi cậu.” Nói xong, ông bèn từ biệt người kia và rời đi.
Đến đời cha của Đào Chú là Đào Tất Thuyên cũng rất chú trọng đến việc hành thiện, giúp người, tích đức.
Có thể nói, tổ tiên mấy đời của Đào Chú đều coi trọng làm việc thiện, cho nên, huyện An Hóa mới xuất sinh ra một Đào Chú danh tiếng lẫy lừng như vậy. Phạm gia hưng thịnh suốt 800 năm
Phạm Trọng Yêm xuất thân rất nghèo, lúc còn trẻ ông vô cùng khốn khó, cuộc sống khó khăn gian khổ. Ông nghĩ thầm rằng mai sau lớn lên nếu có thể hơn người, nhất định phải cứu tế những người nghèo khó.
Sau này làm tới chức Tể Tướng, Phạm Trọng Yêm đem bổng lộc lấy ra để mua ruộng đất, cấp cho những người nghèo không có ruộng để cày cấy và trồng trọt. Ông còn cung cấp cho người nghèo cơm gạo, quần áo. Bất kể ai có việc lớn như hôn sự hay tang sự, ông còn trợ cấp tiền cho họ. Cứ như thế, ông dùng hết tiền lương bổng của mình để chu cấp cho hơn ba trăm gia đình ở quê hương.
Có lần Phạm Trọng Yêm mua một ngôi nhà ở Tô Châu. Một thầy phong thủy đã ra sức khen ngợi ngôi nhà này có phong thủy thật là tốt, đời sau nhất định sẽ làm quan to.
Phạm Trọng Yêm nghĩ thầm, nếu nhà này có phong thủy khiến cho đời sau vinh hiển như thế chi bằng ta đổi thành học đường thì hơn, để cho muôn dân trăm họ Tô Châu từ sau có thể vào đây mà học. Tương lai những thế hệ sau này đều có người tài đức, chẳng phải là họ cũng được hưởng phúc mà đất nước cũng càng có lợi hay sao?
Vậy là ngay lập tức ông đem ngôi nhà của mình quyên góp, sửa sang thành học đường. Thực hiện điều ước ấp ủ từ lâu cho những trẻ em nghèo khổ có thể được đi học.
Tục ngữ có câu: “Giàu không quá ba đời”, nhưng gia tộc họ Phạm lại hưng thịnh đến 800 năm. Bốn người con của Phạm Trọng Yêm đều có tài có đức, làm tể tướng và quan lớn.
Con cháu của Phạm Trọng Yêm luôn ghi nhớ gia huấn của tổ tiên là: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ) và“Tích đức hành thiện”. Bởi thế mà đời sau của Phạm Trọng Yêm một mực hưng thịnh cho đến mãi những năm đầu của Trung Hoa dân quốc mà vẫn không suy.
Cha phát cơm cháo cứu dân, con cháu hưởng phúc phận
Trong cuốn“Thái thượng cảm ứng thiên”có ghi chép lại một câu chuyện như sau:
Chúc Nhiễm, người huyện Duyên Bình, Quận Sa, là người cần kiệm mà lại hay làm việc tốt việc thiện. Trong nhiều năm địa phương gặp nạn đói, ông đều nấu cơm, nấu cháo cứu tế dân chúng. Nhờ vậy mà hàng vạn người thoát được cảnh chết đói.
Sau này, ông sinh được một người con trai vừa thông minh vừa hiếu học, lấy tư cách cử nhân mà vào kinh thành dự thi. Vào mùa xuân trước khi sắp công bố kết quả thi, rất nhiều người dân ở trong thôn mơ thấy có sứ giả trong cung cầm bản cáo thị Trạng nguyên, dựng thẳng bên ngoài cửa nhà Chúc gia. Trên bản cáo thị đó viết bốn chữ to: “Thi chúc chi báo” (Báo đáp việc phát cháo cứu tế).
Đến ngày công bố kết quả, con trai ông quả nhiên đỗ Trạng nguyên. Con cháu nhiều đời trong gia đình Chúc Nhiễm đều noi gương ông cha hành thiện tích đức và sống một cuộc đời bình an, được người người tôn kính.
Ba câu chuyện trên chứng minh câu nói mà cổ nhân thường dùng để giáo huấn con cháu: “Gia đình tích thiện tất có phúc đức dồi dào, gia đình tích ác tất có nhiều tai ương”. Phúc phận và phúc khí của một người chính là từ thiện, từ đức mà sinh ra.
Nếu có thể dành thời gian suy ngẫm và mặc khải, để tâm truy xét, người ta sẽ phát hiện ra rằng trên đời không có việc gì là vô duyên vô cớ, không có việc gì là ngẫu nhiên. Vòng xoay nhân quả, thiện ác có báo là thiên lý tồn tại khách quan, nó không thuận theo ý muốn chủ quan của con người mà hoán chuyển.
Cổ ngữ nói:“Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, ý nói đạo trời không phân biệt người thân thích, đối xử công bằng với chúng sinh, nhưng làm việc thiện hướng thiện là phù hợp với đạo trời, cho nên đạo trời đối với những người hành thiện trở thành nguồn lực trợ giúp họ, chiếu cố họ, quan tâm họ.
Người xưa tin tưởng vào luật nhân quả, coi trọng nhân nghĩa mà xem thường lợi ích, khi người khác cần giúp đỡ thì giúp đỡ, dùng lòng từ bi mà đối đãi với tất cả sự vật. Kết quả họ được đền bù, phúc đức quảng đại.
An Hòa biên tập
ADMIN:Thông Tin Bản Quyền: LÊ VĂN TUYÊN- Sinh năm 1988- KHU ĐÔ THỊ GIẢI TRÍ CAO CẤP MỚI:- Xóm 10- Thôn Văn Quang- Xã Nghĩa Hương- Huyện Quốc Oai- Hà Tây- Hà Nội- VIỆT NAM
SĐT: 0336631403
SĐT: 0929668648