NHỮNG CÂU CHUYỆN KHỞI NGHIỆP TỪ HAI BÀN TAY TRẮNG CỦA CÁC CEO DOANH NHÂN TỶ PHÚ
BA NGƯỜI BẠN BỎ VÙNG AN TOÀN ĐỂ KHỞI NGHIỆP Những người bạn 8x quyết định khởi nghiệp lĩnh vực F&B khi đang có công việc hấp dẫn, lương cao vì không muốn bỏ lỡ giấc mơ của cuộc đời.
Một ngày mùa xuân cách đây vài tháng, Trương Thoại Yến nộp đơn xin thôi việc vị trí quản lý tiếp thị và truyền thông tại một khách sạn năm sao lâu đời ở Sài Gòn. Cùng lúc, nhiều lời mời hấp dẫn đến với cô. Có kinh nghiệm tại các tập đoàn thiết kế, xây dựng và quản lý khu nghỉ dưỡng cao cấp, những năm qua Yến liên tục được săn đón với vị trí quản lý và mức lương hậu hĩnh. Tuy nhiên, cô đã lựa chọn con đường mới.
Mùa thu năm ngoái, Yến gặp người bạn thân là Lai Hồng Lĩnh. Thời điểm đó, Lĩnh và anh họ Nguyễn Thế Hiếu đang cùng đầu tư vào một dự án thương mại nhưng gặp một số trục trặc và hoay hoay chưa có lối đi mới. Xuất phát từ tình cảm bạn bè, Yến muốn giúp Lĩnh giải quyết những khó khăn trước mắt. Cô đưa ra mô hình khác, chuyển hẳn sang lĩnh vực F&B - nhà hàng và thức uống. Lĩnh và Hiếu ngay lập tức nhìn thấy tiềm năng của dự án. Càng thảo luận, đi sâu, mô hình càng rõ ràng trước mắt. Sau hàng giờ, hàng tháng nghiên cứu, Yến càng thấy mình ở trong đó. Sau thời gian đắn đo, cô gái sinh năm 1989 quyết định tiến một bước mạo hiểm, khởi nghiệp cùng hai người bạn với vai trò đồng sáng lập.
Bước khỏi vùng an toàn
Yến không phải người duy nhất đưa ra quyết định khó khăn và mạo hiểm trong cuộc đời, khi đã thiết lập được một vùng an toàn cho sự nghiệp và con đường thăng tiến của bản thân. Khi gặp Yến, Hiếu cũng quyết định tiến vào một cuộc chơi mới, rẽ ngoặt sự nghiệp. Anh từ bỏ vị trí quản lý tại một tập đoàn nhà nước với mức lương mấy nghìn USD mỗi tháng. Ban đầu, Hiếu dự định sẽ làm song song hai công việc. Đến thời điểm cảm thấy muốn bứt phá và tự tin vào lựa chọn của mình, anh nộp đơn xin nghỉ việc trước bao hoài nghi và can ngăn của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.
“Hầu như 10 người thì đúng 10 người không ủng hộ”, anh nhớ lại. Hơn mười năm gắn bó với một môi trường, Hiếu thấy con đường của mình quá thuận lợi, không nhiều khó khăn, tài chính ổn định, tương lai tươi sáng. Nhưng bên trong những mặt biển êm thì luôn ẩn chứa những con sóng ngầm. Người đàn ông sinh năm 1983 khao khát có một cái gì đó riêng cho bản thân, do mình gầy dựng và phát triển. Hiếu có liều lĩnh nhưng không dại khờ, anh có lý lẽ của riêng mình.
Lĩnh lại là một trường hợp khác. Từng là á khoa đầu vào ngành Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế - Luật TP HCM, sự thông minh và nhanh nhạy của anh chưa được phát huy tối đa trong công việc kinh doanh của gia đình tại làng Đại học Quốc gia ở Thủ Đức. Có trong tay tấm bằng thạc sĩ, Lĩnh vẫn thường xuyên đứng trước những hoài nghi của mọi người xung quanh.
“Công việc của gia đình rất nhiều nhưng dù có cố gắng thế nào cũng bị nói không phải của mình mà là của bố mẹ mình. Chúng ta luôn bảo là sống không nên để ý người khác nói gì về mình nhưng thực tế bạn không thể phớt lờ”, Lĩnh chia sẻ nỗi lòng. Anh thừa nhận bản thân từng ngạo mạn bởi được cuộc đời quá ưu ái. Nhưng thời gian trôi qua, đôi lúc anh cảm nhận những khoảng trống và nỗi buồn vây lấy. Lĩnh bắt đầu biết mình muốn có một cái gì đó của riêng mình để khẳng định bản thân và chứng minh cho mọi người thấy anh hoàn toàn có thể tự thân đứng vững trên đôi chân của mình.
Ba đồng sáng lập Small Vacancy Lai Hồng Lĩnh, Trương Thoại Yến và Nguyễn Thế Hiếu. Ảnh:NVCC.
Ba con người đã gặp nhau ở một ý tưởng bứt phá trong kinh doanh và trên hết là cho cuộc đời mình. Yến nói mọi thứ giống như một cơn gió tự động cuốn đi vào thời điểm cô thấy ý tưởng đưa ra có thể giúp hai người bạn thành công, phù hợp với điều kiện tài chính cùng tất cả phần thô đang có cũng như khả năng thực hiện. Nhưng Yến không ngờ bản thân lại dám từ bỏ công việc đang rất tốt của mình.
“Tình trạng của tôi lúc đó là sống trong cảnh lương cao, mọi thứ rất tốt, mua sắm thả ga nhưng lại cảm thấy không thoải mái. Mỗi ngày khi về đến nhà đều cảm thấy nguồn năng lượng cứ bị ùn ứ và không thể giải tỏa. Tôi cảm thấy mình già đi và muốn có gì đó bứt phá”. Nói là vậy song không dễ từ bỏ vị trí an toàn mà nhiều người khao khát. Tuy nhiên, khi ngồi cùng nhau, Yến, Hiếu và Lĩnh từ lúc nào đã cùng xây dựng một giấc mơ. Cho đến một thời điểm, họ biết mọi thứ phù du trên đời đều không còn quan trọng nữa, ngoài giấc mơ của chính mình.
Không gian nhỏ cho giấc mơ lớn
Chọn lĩnh vực nhà hàng và thức uống với mức độ cạnh tranh và tỷ lệ đào thải cao, bộ ba 8x đối diện với nhiều thách thức. Việc này đòi hỏi phải có nguồn vốn mạnh nhưng để đạt điểm hòa vốn thì cần thời gian. “Trong ngành này, nếu thành công thì ít nhất một năm mới hòa vốn, còn chậm thì mất hai năm, thậm chí năm năm hoặc mười năm”, Yến cho biết.
Họ lựa chọn thị trường ngách trong khi người tiêu dùng lại có vô vàn lựa chọn. Lấy cảm hứng từ mô hình Speakeasy (địa điểm giải trí bí mật) vào những thập niên đầu của thế kỷ trước ở Mỹ, họ biến tấu không gian nằm trên một con hẻm nhỏ ở đường Pasteur, quận 1 thành nhà hàng theo kiểu lounge pha trộn nét cổ điển Anh với trường phái hiện đại của Mỹ. Trong khắp không gian, hình ảnh về những giấc mơ bao trùm bằng những câu từ truyền cảm hứng và biểu tượng sự hình thành của mặt trăng cho thấy quá trình dần hiện thực hóa của những giấc mơ.
Lấy tên tiếng Anh với ý nghĩa “không gian nhỏ cho giấc mơ lớn”, những người sáng lập muốn truyền cảm hứng và câu chuyện của mình cho những ai đã mơ, đang mơ và luôn mong muốn theo đuổi những giấc mơ của mình. Không chỉ chú trọng đồ ăn và thức uống phải đạt chuẩn, phong cách phục vụ chuyên nghiệp, họ còn muốn đánh vào cảm xúc và những khao khát âm ỉ luôn tồn tại trong mỗi con người. Chính câu chuyện của mỗi nhà sáng lập là minh chứng cho việc dám theo đuổi và nỗ lực tận cùng vì giấc mơ đó.
Khu vực lifestyle của quán là nơi thể hiện phong cách sống qua nét đặc trưng của văn hóa nước Anh, khuyến khích quý ông chú trọng hơn vào vẻ bề ngoài thông qua trang phục suit và quan tâm đến các môn thể thao tốt cho sức khỏe như quần vợt, cưỡi ngựa. Ảnh:NVCC.
Sau gần bốn tháng chính thức ra mắt, họ đã có một lượng khách hàng thân quen nhất định. Nhưng việc cần làm phía trước vẫn còn rất nhiều. Cả ba nhà đồng sáng lập điều hiểu để tồn tại giữa thị trường khốc liệt này không hề đơn giản vì lợi thế cạnh tranh có thể trở nên lỗi thời theo thời gian. Điều mà họ tự tin nhất chính là nhiệt huyết và ăn ý trong đội ngũ.
“Chúng tôi là bộ ba hoàn hảo”, Yến hóm hỉnh nói. Cô giải thích ba người có tính cách, sở trường, nền tảng, kiến thức và ngành nghề khác nhau nên có thể bổ khuyết cho nhau. Hiếu có nhiều năm luân chuyển vị trí ở công ty cũ, mạnh về kế toán - tài chính - nhân sự nên đảm trách vị trí CEO. Yến sôi nổi, hoạt bát, táo bạo và nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nhà hàng - khách sạn là người phát triển ý tưởng cho dự án. Trong khi đó, Lĩnh luôn nhiệt huyết bên cạnh hỗ trợ, ủng hộ mọi hoạt động khác dù công việc ở gia đình luôn bận rộn.
“Tôi nghĩ rằng khi làm bất cứ công việc gì cũng cần có sự bổ sung mới tạo thành cộng sự hoàn hảo, nếu quá giống nhau thì có thể sẽ tan hoang sớm”, Yến lý giải.
Chỉ trong nửa năm, cuộc sống của ba con người này đã thay đổi theo những cách khác nhau. Hiếu thường đau đầu với những bài toán tài chính liên quan đến tồn vong của dự án như bất kỳ startup nào. Lĩnh thường xuyên di chuyển giữa quận 1 và Thủ Đức với khoảng cách gần 20 km. Còn Yến không thể chi tiêu thoải mái như ngày xưa mà phải tính toán từng khoản và liên tục tìm kiếm cách thức tiếp cận nhiều khách hàng hơn. Bước khỏi vùng an toàn, ai trong số họ cũng đứng trước những thay đổi khó khăn trong cuộc sống. Nhưng đó là điều mà cả ba đã lường trước. Họ chưa một lần hoài nghi hay quay đầu nhìn lại vì biết rằng nếu không hành động, sẽ chẳng có giấc mơ nào thành hiện thực.
Trương Sanh
TRỒNG RAU MẦM TRƯỚC SÂN, THU LÃI 20 TRIỆU ĐỒNG MỖI THÁNG Tận dụng diện tích 30m2 trước sân và trong nhà để trồng rau, mỗi ngày anh Phùng Văn Phương (sinh 1973, trú số nhà 268 đường Phù Đổng, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) đưa ra thị trường khoảng 20 – 25 kg rau mầm, thu lãi 600 – 700 ngàn đồng/ngày.
Anh Phương cho biết, trước đây anh làm nghề lái xe. Trong một lần bị tai nạn giao thông, anh bị gãy tay nên không thể tiếp tục công việc của một tài xế. Để tìm việc làm, anh Phương lên mạng tìm hiểu xem có nghề nào phù hợp với mình không. Qua nhiều ngày nghiên cứu, tìm hiểu, anh thấy nghề trồng rau mầm phù hợp với bản thân nên quyết định làm.
Rau mầm được trồng bằng xơ dừa và phân vi sinh
Khi bắt tay vào làm, anh cũng đã đọc nhiều tài liệu để nắm rõ cách trồng rau nhưng do chưa có kinh nghiệm nên liên tục thất bại. Anh tìm về các hộ nông dân trồng rau tại địa phương để học hỏi kinh nghiệm. Họ cũng chỉ cho anh cách nọ cách kia nhưng rau của họ không phải rau mầm nên khi anh đưa vào áp dụng cho rau của mình thì không phù hợp. Không nản chí, anh Phương vẫn quyết tâm làm cho bằng được.
“Phải mất nửa năm thất bại tôi mới làm rau mầm thành công. Khi làm ra được rau rồi thì lo đi tìm nơi tiêu thụ. Qua năm thứ 3, công việc làm ăn mới suôn sẻ”, anh Phương cho hay.
Rau mầm được anh trồng trong các khay, không phân hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật cũng chẳng chất kích thích, trồng hoàn toàn bằng xơ dừa trộn với phân vi sinh và dùng nước sạch để tưới.
Anh Phương đang giới thiệu về quy trình trồng rau
Theo anh Phương, để trồng rau mầm thành công, cần nhận biết được 4 yếu tố: nhiệt độ phù hợp, ánh sáng, môi trường sạch và nước tưới phải sạch.
“Nhiệt độ thích nghi phải luôn khống chế trong điều kiện từ 25 – 30 độ C. Nếu trên 30 độ C hoặc dưới 25 độ C, nó sẽ không phát triển chậm. Đối với ánh sáng, quy trình làm rau mầm là 4 ngày rưỡi. Ngày thứ nhất, gieo hạt xong phải đậy lại, che tối hoàn toàn, đưa xuống nhà dưới. Ngày thứ 2, chuyển đến nơi có ánh sáng vừa phải. Ngày thứ 3 là ánh sáng hơi nhiều và ngày thứ 4 là ánh sáng hoàn toàn, cũng là thu hoạch luôn”, anh Phương chia sẻ.
Đến ngày thu hoạch, rau mầm được cắt rồi đóng vào hộp, chở đi bỏ cho khách hàng
Rau mầm được anh Phương trồng trong các khay. Anh tận dụng khoảng sân trước nhà, phòng khách và cả trong bếp để đặt các khay rau. Mỗi ngày anh Phương bỏ 4 kg hạt rau, cho ra 20 – 25 kg rau mầm, thu được 1 triệu đồng, trừ các khoản chi phí, anh thu lãi 600 – 700 ngàn đồng/ngày.
Chỉ với diện tích 30m2 để trồng rau mầm, mỗi ngày, anh Phương thu lãi từ 600 - 700 ngàn đồng từ rau
Thị trường tiêu thụ rau mầm của anh chủ yếu là ở các chợ, nhà hàng, quán nhậu, hộ gia đình… Cứ ở đâu gọi điện là anh sẵn sàng đưa hàng tới.
Chia sẻ kinh nghiệm để thành công, anh Phương cho biết, người làm cần phải cần cù và kiên trì chứ không bỏ cuộc giữa chừng. Anh Phương cũng cho hay, anh luôn sẵn sàng chia sẻ bí quyết, kinh nghiệm nếu ai có muốn học nghề trồng rau mầm.
Theo: Khánh Hồng
CHÀNG TRAI KHỞI NGHIỆP TỪ CÂY DƯỢC LIỆU THUỐC NAM Ở VÙNG CAO THÁI NGUYÊN Anh Dương Trung Hiếu đã khởi nghiệp thành công từ cây dược liệu trên mảnh đất vùng cao Thái Nguyên. Men theo quốc lộ 1B Thái Nguyên - Lạng Sơn, dừng xe ở Km 25, chúng tôi cảm nhận ngay không khí trong lành, mát mẻ, một bên là dãy núi đá vôi trùng điệp, một bên là núi đất, đồi cao lô nhô, hai bên đều có con suối chảy quanh làng mạc thanh bình, yên ắng.
Anh Dương Trung Hiếu, xóm Làng Lai, xã La Hiên huyện Võ Nhai, Thái Nguyên tiếp tôi trong bộ đồ lao động tay vẫn vấy đất vườn vì đang hướng dẫn bà con cách đóng bầu đất cho lứa cây giống dược liệu mới. Sự thân thiện và cởi mở của anh được chúng tôi cảm nhận qua câu chuyện trao đổi suốt buổi chiều trong "mê cung" vườn tược.
Anh tâm sự: "Nhà mình có nghề làm thuốc nam từ 5 đời nay, cơ ngơi do cụ để lại nhưng có giai đoạn đã không có người phát huy tiếp nối. Bố tôi cũng biết cây thuốc nhưng không muốn làm nghề, nuôi chúng tôi ăn học bằng nghề làm nông khác. Khi chúng tôi trưởng thành, mỗi người một nghề, chỉ có tôi và anh trai đam mê cây cỏ".
"Nhớ từ nhỏ, khi có người nhà đau ốm bố hay sai anh đi lấy cây thuốc trên rừng nhà về để chữa, nên anh biết nhiều thứ cây, sau này người dân toàn đào những cây như vậy bán cho thương lái Trung Quốc, thấy tiếc nên anh nảy ra ý định giữ thôi chứ chưa có ý định làm như bây giờ, cơ duyên từ tư duy đó vào một ngày anh táo bạo quyết định khởi nghiệp từ cây dược liệu", anh nói thêm.
Con đường khởi nghiệp
Cách đây 6 năm, quanh làng rất nhiều đinh lăng cổ thụ có nhà có cây to hàng 100kg cả cây mà đã nhiều đời trồng góc vườn, góc sân chỉ để dùng lá, đột nhiên có trào lưu mua rầm rộ và hầu như những cây thuốc đó biến mất trong chưa đầy 1 tháng. Anh Hiếu tìm hiểu và biết cây này được xuất khẩu và sản xuất trong nước có nhu cầu rất lớn anh quyết định thử làm.
Đi học hỏi kỹ thuật khắp các nhà vườn, nhà giống, anh quyết định dồn toàn bộ tiền trồng 1ha đầu tiên trong đó 2/3 là đinh lăng, 1/3 diện tích là cây ba kích, trong sự hiếu kỳ của bà con và ngay cả người trong nhà cũng phản đối. Họ nói, trồng ngô trồng lúa không ăn hết còn đem bán hay chăn gà chăn lợn được, trồng cái này không ai mua thì chỉ có bỏ đi, anh nói rồi cười. Sau 2 năm, khi cơn sốt con giống cây đinh lăng bùng nổ, anh cứ tỉa cành ươm giống, khách vào ra tấp nập, anh từ từ đi lên, bắt đầu bà con quanh xóm xin bỏ dần diện tích cấy lúa trồng cây thuốc cho anh để anh bao tiêu giúp.
Nhiều phen suýt... phá sản
Anh Hiếu cho biết, sau vụ làm ăn trôi chảy, anh bắt đầu tăng cường nhận trồng cho các công ty, các đối tác buôn bán tới hợp đồng. Vì thiếu kinh nghiệm, anh đã cho bà con phát triển tràn lan và nhận bao tiêu tất cả. Vào thời điểm đó, anh trồng cây kim tiền thảo, nhân trần, cuối vụ rớt giá, đối tác bỏ anh, dân cứ ùn ùn thu hoạch sản phẩm đem tới nhà, anh huy động hết cỡ tiền tài, vay mượn, để mua hàng đúng cam kết cho bà con, không từ chối của ai một kg nào. Vì vậy, bà con vẫn phấn khởi, anh bắt đầu chạy đi tìm đầu ra và lo nợ nần. Anh nói: "Tết năm đó, tôi chỉ còn chiếc xe máy cũ và đôi gà mang về ngoại, lợn hẹn thịt chung với người ta cũng không còn tiền mà lấy".
Sau cái Tết đó, anh gặp một cơ sở triết xuất, họ đã mua hết sản phẩm cho anh và anh lại có cơ hội làm lại và lần này thì khác, anh nói: "Tôi rút ra kinh nghiệm, cứ đơn vị nào hợp đồng chắc chắn, đặt trước tiền tôi mới làm". Giai đoạn đó, anh nhận được rất nhiều đơn đặt hàng cây giống dược liệu như: Cà gai leo, đinh lăng, hà thủ ô đỏ, ba kích; có ngày thuê bà con cả 20 người làm việc mà không xuể. Anh tự đăng ký thành lập công ty để tiện giao dịch và đóng góp cho địa phương, anh cứ ổn định dần như vậy và thành "ông vua" được bà con yêu mến.
Vừa làm nhà sản xuất dược liệu, vừa làm thầy lang
Không chỉ là một giám đốc doanh nghiệp trẻ ở tuổi 34, anh còn làm thuốc chữa bệnh cho bà con và những người không may bị bệnh mà anh gặp. Anh nói: "Làm cái này vì thích thôi, tiền công lấy cũng được, không cũng vui".
Anh chế thuốc ho cho trẻ, thuốc chữa viêm phần phụ, thuốc lợi sữa... Nhiều người bệnh tìm đến anh và gọi là lang Hiếu. Anh mới thành lập xưởng sản xuất gối thảo dược và dầu rửa bát từ quả bồ hòn.
Anh chia sẻ: "Mình chủ động nguyên liệu rồi mới tập trung làm ra sản phẩm vừa hỗ trợ lao động cho bà con vừa có thu nhập ổn định hơn, chứ bán nguyên liệu thì rẻ mà tiếc lắm". Thế là từ đó, anh vừa làm nhà sản xuất dược liệu, vừa làm thầy lang.
Theo: VTV.VN
ANH NÔNG DÂN: LÃI 300 TRIỆU VNĐ/1 NĂM TỪ TRỒNG CÂY ĐINH LĂNG Ở tỉnh Nam Định, việc trồng cây đinh lăng làm dược liệu đang được mở rộng diện tích không những góp phần giảm nghèo mà còn giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu, trở thành những triệu phú về nuôi trồng dược liệu.
Không lo đầu ra
Anh Bùi Văn Chung ở xóm 2 xã Hải Quang (Hải Hậu) hiện đang là chủ vườn đinh lăng 3,7ha. Trong câu chuyện với anh, chúng tôi được biết: Từ năm 2009 anh Chung chuyển đổi diện tích trồng cây sanh sang trồng cây đinh lăng và loại cây dược liệu này đã không “phụ lòng” người tâm huyết với nó…
Những ruộng trồng đinh lăng tươi tốt mang lại thu nhập cao cho người dân xã Hải Quang, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Cũng vào thời điểm năm 2009, Cty cổ phần Traphaco về khảo sát đất, nguồn nước và phổ biến phương pháp trồng đinh lăng cho người dân địa phương đồng thời cam kết nếu trồng đúng phương pháp, công ty sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm. Thấy vậy anh Chung đã mạnh dạn thuê đất để trồng đinh lăng. Hiện tại, với diện tích 3,7ha, gia đình anh trồng 12.000 gốc đinh lăng, trung bình mỗi năm cho thu nhập 200-300 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Dự kiến năm 2018, vườn đinh lăng của anh sẽ cho thu hơn 200 tấn sản phẩm.
Chia sẻ kinh nghiệm trồng cây đinh lăng, kỹ thuật trồng đinh lăng anh Chung cho biết: “Trồng đinh lăng muốn thành công phải chọn đất gồ cao, bởi nếu ngập úng thì cây sẽ chết; nếu trời rét quá thì phải “làm ấm” cho cây và làm cỏ, chăm bón, tưới phân, bón lân, mỗi năm 4 lần. Quá trình trồng đinh lăng phải tuân thủ nghiêm ngặt theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO). Từ ươm mầm, làm đất, lên luống đến chăm sóc, phải tuân thủ yêu cầu đặt ra và phải thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện nấm mốc cây thì phải chặt để hủy bỏ ngay, tránh lây lan sang cây khác”.
Anh Chung cũng cho biết thêm, trồng đinh lăng, cái lợi thứ nhất là anh không phải lo “đầu ra”, cứ yên tâm mà chăm sóc cây phát triển theo quy trình được hướng dẫn vì Cty đã cam kết với người dân thu mua cao hơn so với giá thị trường. Thứ hai, qua tham gia các đợt tập huấn về trồng cây dược liệu lâu năm, kiến thức trồng trọt của anh cũng như của người dân được mở rộng, số lượng cây trồng mới bị chết ít, năng suất chất lượng nâng lên… Hiện tại, từ trồng đinh lăng và năng động phát triển thêm các loại hình kinh tế, gia đình anh Chung đã có một cơ ngơi khang trang, có điều kiện nuôi các con ăn học thành đạt.
Cả làng trồng đinh lăng
Về xóm 11, xã Hải Quang chúng tôi tới thăm vườn đinh lăng 3ha của anh Bùi Văn Sớm với hàng chục nghìn gốc cây đang mơn mởn. Anh Sớm cho biết, đinh lăng vốn là loại cây quý, có nhiều tác dụng trong đông y. Anh gắn bó với cây đinh lăng đến nay đã được 16 năm. Cuối năm 2014, anh quyết định chuyển sang trồng đinh lăng theo GACP-WHO.
Hiện tại gia đình anh đã ký kết hợp đồng với Công ty CP Traphaco, trung bình mỗi năm cung ứng khoảng 100 tấn đinh lăng khô (tương đương 450 tấn đinh lăng tươi). Với giá 105.000 đồng/1kg, trừ đi chi phí giống, phân bón, mỗi năm, trồng đinh lăng gia đình anh lãi ổn định trên dưới 300 triệu đồng/ha.
Cùng với trồng đinh lăng, gia đình anh Bùi Văn Sơm còn kết hợp nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 2,3 mẫu ao và trồng xen canh 1ha ngô để làm thức ăn chăn nuôi gà, vịt. Có đầu ra ổn định, anh còn vận động các hộ dân quanh vùng tham gia trồng đinh lăng để nâng cao thu nhập. Hiện tại ngoài lo tiêu thụ đinh lăng của gia đình, anh còn thu mua đinh lăng tươi cho bà con để sơ chế, sấy khô xuất bán cho công ty Traphaco…
Theo anh Sớm, cây đinh lăng không đơn thuần là cây “xóa đói giảm nghèo” mà còn là cây làm giàu cho người nông dân. Trồng cây đinh lăng cho thu nhập cao gấp 10 lần trồng lúa, nhưng không phải ai cũng theo được, vì trồng đinh lăng ít nhất sau 4 năm mới được thu hoạch. Ngoài ra để trồng được đinh lăng phải đầu tư nhiều vốn, diện tích đất, máy móc, hệ thống máy bơm tự động và phải có kiến thức, tâm huyết nếu không hiệu quả sẽ không cao và rủi ro cũng lớn.
Toàn xã Hải Quang hiện có khoảng 40ha trồng cây đinh lăng rải rác ở tất cả các xóm. Ngoài việc vận động, khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng đinh lăng, xã luôn chú trọng tuyên truyền để bà con thực hành tốt việc trồng, thu hái và sơ chế nhằm đảm bảo hiệu quả, chất lượng dược liệu trước khi xuất bán cho công ty.
Nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự mạnh dạn trong chuyển đổi sản xuất của người nông dân địa phương, vừa qua xóm 2, xã Hải Quang đã được tỉnh công nhận “Làng nghề trồng cây dược liệu”. Đây là tín hiệu vui và là hướng đi phù hợp giúp người nông dân Hải Quang có thể làm giàu ngay trên đồng đất quê hương.
TRUNG TÂM ANH NGỮ CỦA CEO 8X KHỞI NGHIỆP TỪ TAY TRẮNG ĐI LÊN Nếu làm với đam mê, bạn sẽ không bị nản chí khi gặp khó khăn, vấp ngã. Bạn không cần đi nhanh, hãy đi từ từ nhưng chắc chắn”, Từ lớp học 15m2 tới hệ thống 18 trung tâm Anh ngữ của CEO 8X: Không cần quá nhanh, hãy đi từng bước nhưng vững chắc.
Bắt đầu với lớp học nhỏ chỉ 15m2, sau hơn 4 năm, cô giáo Nguyễn Thị Hoa đã có trong tay “gia tài” với 18 trung tâm Anh ngữ tại 2 thành phố lớn nhất cả nước. Cô là một trong những minh chứng cho quá trình khởi nghiệp thành công nhờ đam mê.
Đã làm, hãy làm với đam mê
Khởi đầu từ một lớp học nhỏ với diện tích chỉ 15m2, cô giáo trẻ ngày càng được thôi thúc bởi đam mê giảng dạy. Cô chạy vạy khắp nơi vay vốn để mở trung tâm đầu tiên vào tháng 10/2012. Đến nay, Hoa đang sở hữu 3 thương hiệu Ms Hoa TOEIC, Ms Hoa Giao tiếp và IELTS Fighter với 18 trung tâm tại Hà Nội và Hồ Chí Minh. Số lượng học viên đã và đang đào tạo sau hơn 4 năm đạt con số ấn tượng – gần 250,000 học viên. Các thương hiệu ngày càng chứng tỏ được sự đi đầu trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh.
Tay trắng đi lên, Hoa tâm sự: “Không có vốn nên mình đi từng bước, khi có đủ tiềm lực tài chính sẽ phát triển lên, từ 1, 5 cơ sở rồi tới bây giờ. Có thể không ấn tượng với nhiều người nhưng đây là thành quả khá tự hào với một người với xuất phát từ con số 0 như mình. Hiện nay có một số bên mở ồ ạt nhiều cơ sở nhưng sau đó đóng cửa dần bởi không tuyển sinh được. Mình không nghĩ đó là hướng đi mang lại hiệu quả lâu dài”.
Con người là giá trị cốt lõi
Về bí quyết thành công, Hoa cười: “Mình nghĩ điều quan trọng nhất vẫn là ở con người. Rất may mắn, mình có được những cộng sự tuyệt vời đồng hành từ ngày đầu khởi nghiệp”. Theo cô, điểm cốt lõi để trung tâm tiếng Anh phát triển chính là chất lượng, giáo viên giỏi thì “hữu xạ tự nhiên hương”, học viên sẽ tìm đến. “Hiện nay, trên 50% học viên của trung tâm học xong giới thiệu lại cho bạn bè, người quen. Điều này cũng mình giúp tiết kiệm được nhiều chi phí cho hoạt động PR, marketing”.
Quy trình tuyển chọn giáo viên của Hoa rất khắt khe. Ứng viên sẽ phải qua vòng hồ sơ, phỏng vấn và nhiều vòng demo (dạy thử), sau đó được training trước khi giảng dạy và liên tục được đánh giá qua các bài khảo sát chất lượng từ học viên. “Theo mình, tiếng Anh tốt chưa chắc đã là giáo viên giỏi. Rất nhiều bạn đến demo giỏi tiếng Anh nhưng mình không thể nhận vào dạy. Cái làm mình ấn tượng là phong cách và sự truyền đạt của giáo viên – làm thế nào để học sinh cảm thấy thú vị và yêu thích bài học, như vậy mới hiệu quả. Mình đặc biệt tuyển dụng các giáo viên yêu thích vẻ đẹp tiếng Anh, muốn khơi gợi tình yêu ngôn ngữ trong mỗi học viên chứ không chỉ đơn giản là truyền đạt kiến thức”. Điều này đã giúp Ms Hoa TOEIC là 1 trong những đơn vị đào tạo nhiều học viên trên 800 TOEIC nhất hiện nay.
Vượt qua sóng gió để trưởng thành
Con đường khởi nghiệp của cô giáo xứ Nghệ không hoàn toàn bằng phẳng với những khó khăn, từ việc vay vốn ban đầu, xây dựng chỗ đứng đến khi mở rộng, tuyển chọn giảng viên, đối tác… Thế nhưng, điều khiến Hoa trăn trở nhất vẫn là sự cạnh tranh không lành mạnh từ một bộ phận nhỏ những người cùng làm trong lĩnh vực giáo dục.
Mới đây nhất, một giáo viên Hoa hết lòng tin tưởng đơn phương chấm dứt hợp đồng và lên mạng xã hội đưa ra những thông tin sai sự thật về việc này. Không những thế, một đơn vị đối thủ đã lợi dụng vụ việc để tung thông tin không chính xác, nói xấu, gây hoang mang trên mạng xã hội, ảnh hưởng tới uy tín cá nhân cô. Hoa rất buồn vì lòng tin đặt nhầm chỗ, buồn hơn nữa khi mọi người không rõ thực hư, tin vào những điều bịa đặt đó. Thời điểm ấy, Hoa chọn cách im lặng dù đã nhờ luật sư tư vấn với kết quả lẽ phải hoàn toàn đứng về phía mình.
Hoa không muốn mất nhiều thời gian cho kiện cáo, ảnh hưởng tới cả 2 bên: “Mạng xã hội như con dao 2 lưỡi, dù bạn đúng nhưng nếu cố ý, người ta có thể khiến dư luận hiểu theo nghĩa ngược lại. Mọi người lại hay bênh vực phía cá nhân hơn là công ty, tổ chức, bởi tâm lý cá nhân thì dễ bị thiệt thòi hơn. Mình chỉ biết dốc hết tâm sức vào việc nâng cao chất lượng, để chính những học viên đã học từ trung tâm sẽ chứng minh cho điều đó.”
Sóng gió đã qua, Hoa trải lòng: “Thời điểm đó, Hoa đứng vững được là nhờ có người thân, bạn bè và học viên luôn tin tưởng, động viên. Hoa nhận được bài học đắt giá về việc lựa chọn đối tác, tuyển chọn nhân sự. Một số giáo viên của Hoa sau khi dạy cứng cũng ra mở trung tâm riêng, Hoa hoàn toàn ủng hộ. Nhưng Hoa không đồng tình khi các bạn ấy sử dụng lại những gì Hoa tạo nên như giáo trình, các tài liệu nội bộ... Đó không khác gì một hành vi “ăn cắp chất xám”. Và với Hoa, một người giáo viên chân chính sẽ không bao giờ làm như thế!”
Vượt qua những thử thách, đến nay hệ thống trung tâm Anh ngữ của Hoa ngày càng phát triển. Trong tương lai, cô có tham vọng mở rộng ra nhiều tỉnh thành, phát triển thêm mảng giảng dạy tiếng Anh trẻ em. Hoa cũng đang lên kế hoạch xây dựng hệ thống học trực tuyến lớn nhất Việt Nam về tiếng Anh và luyện thi Đại học.
“Đến giờ, việc theo đuổi đam mê giảng dạy tiếng Anh là một trong những lựa chọn đúng đắn nhất, giúp mình có chỗ đứng hiện tại. Nếu làm với đam mê, bạn sẽ không bị nản chí khi gặp khó khăn, vấp ngã. Bạn không cần đi nhanh, hãy đi từ từ nhưng chắc chắn”, Hoa kết luận.
Theo Trí Thức Trẻ
NỮ CEO 8X KIẾM TRIỆU USD NHỜ KHỞI NGHIỆP GIÁO DỤC Chị Nguyễn Thị Hoa, Tổng giám đốc Ms Hoa TOEIC cho biết, dạy ngoại ngữ là lĩnh vực đầy tiềm năng, thu hút nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước.
Tốt nghiệp Đại học Ngoại Thương nhưng Nguyễn Thị Hoa lại đam mê công việc giảng dạy tiếng Anh. Từ tay trắng, hiện chị là chủ 18 cơ sở tiếng Anh Ms Hoa TOEIC tại TP HCM và Hà Nội với doanh thu triệu USD. Nữ CEO chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp ở lĩnh vực giáo dục.
- Chị đánh giá thế nào về lĩnh vực đầu tư giáo dục tại Việt Nam thời gian qua?
- Tôi thấy rằng, không chỉ các cá nhân, doanh nghiệp trong nước, mà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam ngày càng tăng.
Theo số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2016, vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục - đào tạo ở Việt Nam đã lên tới 47 triệu USD. Các startup lĩnh vực giáo dục - đào tạo tiếng nước ngoài cũng đang nở rộ trong thị trường đào tạo trực tuyến.
- Cơ hội nào cho startup Việt khi tham giathị trường đào tạo tiếng nước ngoài tại Việt Nam?
- Với dân khoảng 95 triệu dân, thị trường đào tạo tiếng nước ngoài tại Việt Nam rất rộng lớn.Các doanh nghiệp ngoại đầu tư vào Việt Nam, tạo ra nhu cầu lớn về nguồn nhân lực biết tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh; chưa kể việc giao lưu văn hóa, xã hội, phát triển du lịch.
Ngoài ra, nhu cầu xuất khẩu lao động; yêu cầu đầu ra ngoại ngữ của các trường Đại học ngày càng khắt khe... cũng là lý do khiến lĩnh vực đào tạo tiếng nước ngoài tại Việt Nam vẫn là mảng ngành khá hấp dẫn.
-Đã có những doanh nghiệp nước ngoài, tài chính mạnh, nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo ngoại ngữ, đầu tư tại Việt Nam. Điều này gây sức ép gì cho chị?
- Các đối thủ lớn nước ngoài có ưu thế là vốn đầu tư lớn, xây dựng hệ thống cơ sở nhiều cùng trang thiết bị hiện đại. Tuy nhiên điều này cũng dẫn tới mức học phí cao, nên họ nhắm vào phân khúc khách hàng có thu nhập cao.
Chị Nguyễn Thị Hoa - CEO Trung tâm tiếng Anh Ms Hoa TOEIC.
Với các cơ sở đào tạo Việt Nam, để cạnh tranh, chúng tôi lại hướng vào phân khúc khách hàng thu nhập trung bình và thấp với mức học phí phù hợp. Thực ra đối tượng này chiếm đa số trong nhu cầu học ngoại ngữ. Tại các cơ sở đào tạo nhỏ, do không có nhiều chi phí đầu tư ban đầu, chúng tôi đi vào các thị trường ngách và phát triển dần lên.
Ví dụ nhiều đơn vị lựa chọn giảng dạy tất cả các mảng ngoại ngữ đồng thời (tiếng Anh giao tiếp,TOEIC, IELTS…), thì chúng tôi lựa chọn đi vào thị trường ngách chỉ giảng dạy TOEIC; sau đó khi có chỗ đứng mới phát triển thêm các mảng khác là giao tiếp hoặc IELTS.
-Gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng, đâu là yếu tố quan trọng giúp chị đạt doanh thu triệu USD?
- Theo tôi, khi đầu tư vào bất cứ lĩnh vực gì, không chỉ riêng giáo dục, bạn đều cần có đam mê. Bên cạnh đó, khởi nghiệp với giáo dục là ngành đặc thù đòi hỏi trình độ chất xám cao. Sản phẩm bán ra chính là giá trị chất xám, không thể đo đếm được như các sản phẩm bình thường. Các bạn cũng nên có tầm nhìn xa, biết nhu cầu của thị trường để đưa ra sản phẩm phù hợp.
Một trong những điều quan trọng nhất khi khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục là giữ được chất lượng từ yếu tố con người. Với trung tâm giảng dạy ngoại ngữ của mình, tôi đặc biệt coi trọng việc tuyển dụng giáo viên, nâng cao chất lượng giảng dạy. Đây là nhân tố chính giúp hệ thống Anh ngữ đứng vững trên thị trường.
Giữa hàng ngàn đối thủ cạnh tranh, việc tìm ra được thế mạnh, điểm khác biệt của mình sẽ giúp bạn đi nhanh và xa hơn. Nếu bạn không tìm cho mình điểm đặc biệt, bạn sẽ rất mờ nhạt trong thị trường.
- Những khó khăn thường gặp phải khi khởi nghiệp ở lĩnh vực giáo dục là gì?
- Theo tôi một số sai lầm mọi người thường gặp khi khởi nghiệp với trung tâm ngoại ngữ, như: cá nhân luôn bị rào cản bởi tâm lý không có tiền; chỉ tập trung vào marketing mà không tập trung vào chất lượng giảng dạy; sai lầm trong việc tuyển chọn giáo viên...
Bên cạnh đó, nhiều cá nhân đặt nặng câu chuyện lợi nhuận khi khởi nghiệp buộc họ phải cạnh tranh không lành mạnh. Ngoài ra chưa kể họ chọn sai địa điểm với đối tượng học viên của mình.
- Dự định kinh doanh sắp tới của chị?
- Thời gian tới chúng tôi sẽ mở rộng các cơ sở ra khắp mọi miền tại Đà Nẵng, Đồng Nai, Hải Phòng, Vinh… Phát triển thêm mảng giảng dạy tiếng Anh cho trẻ em; xây dựng hệ thống học trực tuyến lớn nhất Việt Nam về tiếng Anh và luyện thi Đại học.
Tôi may mắn khi đã áp dụng công nghệ từ năm 2012 - thời điểm thị trường giảng dạy tiếng Anh trực tuyến vẫn còn mới mẻ. Hiện chúng tôi vẫn duy trì 3 website chính giảng dạy TOEIC, tiếng Anh giao tiếp và IELTS hoàn toàn miễn phí cho cộng đồng. Tôi dự định sẽ đưa ra một số ứng dụng học tiếng Anh của riêng mình để việc học của các bạn trẻ ngày càng hiệu quả hơn.
Thanh Thư
CEO TRUNG TÂM NGOẠI NGỮ KHỞI NGHIỆP CHỈ VỚI 1 TRIỆU ĐỒNG Nguyễn Văn Hiệp (CEO Anh Ngữ Step Up) là nhà khởi nghiệp trẻ và đã thành công với ý tưởng mở trung tâm ngoại ngữ. Đằng sau thành công của anh là câu chuyện cậu sinh viên khởi nghiệp với 1 triệu đồng.
“Dày mặt” làm “con buôn”
Nguyễn Văn Hiệp sinh năm 1989, theo học kinh tế tại Trường ĐH Ngoại thương. Ngay từ năm nhất, anh đã bắt đầu con đường kinh doanh của mình. Nhận thức được nhu cầu học tiếng Anh của các bạn trẻ thời bấy giờ, Hiệp nảy ra ý tưởng: In và bán đĩa tiếng Anh cho cả khối. Cậu mua 2 cái đĩa 60.000 đồng, nén lại, nhân bản rồi bán với giá 8.000 đồng/DVD, 3.000 đồng/CD.
Hiệp chia sẻ: “Xác định phải dũng cảm nhưng lúc đứng trước mặt bạn bè cùng khóa, mình thực sự thấy rất khó mở lời chào bán sản phẩm. Cảm giác của mình đó là rất xấu hổ, ngại ngùng vì sợ các bạn nhìn mình như đối với một “con buôn”. Nhưng rồi, bán hàngmột thời gian, mình cũng trở nên “dày mặt” hơn và quen dần với part-time đầu đời ấy”.
Nhờ có cô giáo tiếng Anh giới thiệu nên việc bán đĩa của Hiệp khá thuận lợi. Hiệp cho biết, trừ chi phí mua đĩa trắng, in giấy quảng cáo, cậu đã lãi được 2 triệu đồng. Số tiền ấy, Hiệp mua một chiếc ổ cứng để lưu trữ tài liệu học tiếng Anh. Hết học kỳ I của năm thứ hai, kết quả thi TOEIC của Hiệp vượt lên, khiến bạn bè vây quanh, hỏi han bí quyết học tập.
Hết năm thứ hai, hiểu rõ niềm đam mê của mình là kinh doanh, Hiệp bắt đầu có những hoạch định. Với suy nghĩ “không ít bạn cũng muốn kinh doanhnhư mình”, Hiệp đăng tin tuyển dụng bằng vài dòng đơn giản trên Yahoo.
Có 9 bạn nộp hồ sơ và Hiệp nhận hết với suy nghĩ: “Càng đông sẽ càng mạnh!”. Nhóm Hiệp tiếp tục bán đĩa tiếng Anh như vẫn làm trước đây nhưng quy mô lớn hơn, với số vốn chia đều:Mỗi người góp 1 triệu đồng.
Dù phải bỏ đi 200 chiếc đĩa lỗi nhưng trong hai tháng, nhóm Hiệp vẫn đạt doanh thu trên 60 triệu đồng. Hiệp cho biết: “ Kỹ năng quản lýcủa mình còn chưa tốt, hoạt động thiếu chuyên nghiệp nên lãi chưa nhiều. Tuy vậy, mình rất vui, hãnh diện vì đó là những hình dung và cọ xát đầu tiên của mình với công việc”.
Nguyễn Văn Hiệp tại chương trình giao lưu: “Bí quyết khởi nghiệpvốn ít lời nhiều”
Không ngừng học hỏi
Sau hai tháng làm chung với nhóm bán đĩa, Hiệp có cơ hội học hỏi cùng một chuyên gia về kỹ năng mềm. Suốt khoảng thời gian đó, Hiệp làm “xe ôm” cho thầy, có cơ hội gặp gỡ rất nhiều lãnh đạoở các công ty, tập đoàn lớn, học hỏi được rất nhiều.
Hiệp thấy rằng: “Mỗi chúng ta đều có cơ hội gặp được những người như thế, vấn đề là mình có chớp được thời cơ hay không. Khi mở trung tâm tiếng Anh, mình cũng tìm đến các doanh nhân cùng lĩnh vực để học hỏi”.
Theo mình, muốn trở thành ai đó thì phải biết con đường người đó trở thành là thế nào. Gặp họ, được giải đáp rất nhiều câu hỏi, nhờ vậy, con đường của mình ngày càng rõ ràng nên cứ thế mà đi thôi!
Thời gian đó, Hiệp biết thêm nhiều kỹ năng: Quản lý, điều hành, tuyển dụng, quản trị… Và ngay mùa sau, việc kinh doanh của Hiệp khác hẳn. Các sản phẩm đẹp hơn, tốt hơn nên sản lượng đĩa tiêu thụ cũng tăng cao, số nhân viên có lúc lên tới 20 người.
Thực hiện ý tưởng mở trung tâm ngoại ngữ
Khi chuẩn bị ra trường, Hiệp bắt đầu xác định một công việc thực sự để phát triển hướng đi sau này: Mở trung tâm dạy tiếng Anh. Hiệp nói: “Khi còn trẻ mình phải luôn nỗ lực hết sức, trắng tay thì bắt đầu lại, rồi sẽ có lúc thành công! Thế nhưng hiểu biết của mình về ngành này quá ít, không có nhiều mối quan hệ, không biết ai dạy tiếng Anh giỏi, không biết tuyển sinh thế nào. Đây lại là cuộc lần mò lần thứ hai”.
Chỉ có hơn 20 triệu đồng để xoay sở mọi thứ, Hiệp đắn đo từng khoản một. Lớp đầu tiên, Hiệp thất bại vì chất lượng giáo viên chưa tốt, năng lực học viên không đồng đều.
Hiệp mời người bạn cùng khóa, rất giỏi, đến dạy nhưng lại chỉ lên lớp được buổi chiều, trong khi học viên lại thích học tiếng Anh ban đêm nên Hiệp thất bại lần thứ hai. Rồi thì Hiệp cũng mở được 4 lớp.
Tuy nhiên, sau khi nghĩ ra tên trung tâm, Hiệp mở lớp theo danh nghĩa mới nên học viên thiếu tin tưởng, chẳng đăng ký nữa. Việc đổi địa điểm học ở một nơi khó bắt xe buýt càng khiến tình trạng “làm ăn” của Hiệp bết bát hơn. Lúc này, cậu rất nản lòng. Hiệp chia sẻ: “Mình cảm thấy chán nản nhưng chưa hề có ý nghĩ bỏ cuộc. Vẫn cầm cự được thì mình còn phải tiếp tục cố gắng đến cùng”.
Bước phát triển trung tâm tiếng anh của Hiệp thay đổi vào mùa nhập học 2012, Hiệp viết hai ghi chú trên Facebook về “Những điều sinh viên năm thứ nhất trường ĐH Ngoại thương cần” và “Bí quyết học tiếng Anh thành tài mà không cần học thêm”, được rất đông bạn bè, sinh viên khóa dưới yêu thích, chia sẻ.
Nhờ đó, nhiều người biết đến và đăng ký học ở trung tâm của Hiệp. Để mở rộng trung tâm, cậu thuê địa điểm mới khá đẹp với giá 31 triệu đồng/tháng. Hiệp cho biết: “Ban đầu, mình dạy 4 lớp, có lúc lên 16 – 18 lớp, số tiền ấy sẽ dành để tuyển người làm quảng cáo, tìm giáo viên giỏi, làm web, tuyển sinh…
Trực tiếp đứng lớp còn giúp mình hiểu tâm lý học viên hơn. Mình rất hạnh phúc khi đã được các học viên phản hồi rất tốt! Từ tháng 9/2012 đến nay, mọi thứ ở trung tâm tiếng Anh đã đi vào quỹ đạo, học viên cứ thế tăng dần đều.
TỪ BỎ HỌC ĐẾN GÂY DỰNG STARTUP KỲ LÂN TRIỆU USD Tự nhận là học sinh kém, từng sa ngã nhưng Steven Lam từng bước tìm lại chính mình và gây dựng startup kỳ lân đầu tiên tại Hong Kong.
“Tôi luôn có vấn đề và là một trong những đứa trẻ tệ nhất”, Steven Lam nhớ lại thời còn đi học. Anh rớt đến ba lần trong kỳ thi chuyển cấp rồi bỏ học. Cậu con trai khiến cả gia đình đau đầu và bắt sang Mỹ mà không ấn định ngày trở về. Lam nói đó là chuyến bay một chiều đã thay đổi cuộc đời anh.
Không phải ngay lập tức cậu trai trẻ thời ấy chuyển đổi thành một con người khác. Trải nghiệm và môi trường mới ở California đã đặt Lam đứng trước nhiều áp lực và buộc phải thích nghi để tồn tại. Anh đăng ký vào trường cao đẳng cộng đồng và cố gắng cải thiện vốn tiếng Anh. Đồng thời, chàng sinh viên làm thêm ở một nhà hàng Trung Quốc để kiếm tiền trang trải cuộc sống. “Chính môi trường đã khiến tôi phải tập trung toàn lực vào điều mình muốn làm là kiếm tiền để đảm bảo không bị đá văng khỏi trường, đơn giản vì tôi không thể trả nổi học phí”, anh hồi tưởng.
Trong thời gian này, Lam đã gặp hai người bạn mà anh mô tả rằng “tuyệt vời” là Reeve Kwan and Nick Tang. Cả ba học cùng lớp, cùng trường và cùng làm thêm tại nhà hàng Trung Hoa. Họ trò chuyện về tất cả mọi chủ đề trong cuộc sống, làm cách nào để tồn tại. Kiếm tiền để trả học phí là điểm chung và chủ đề thường trực của ba cậu sinh viên. Làm việc cho nhà hàng không đủ nên họ cố gắng định hướng suy nghĩ đến những ý tưởng điên rồ. Bộ ba bắt đầu mua những chiếc xe cũ trên eBay hoặc web quảng cáo Craigslist và tự sửa chữa theo các video hướng dẫn trên Youtube, sau đó bán cho bạn bè.
Năm 2010, Lam tốt nghiệp và đến phỏng vấn ở nhiều công ty nhưng liên tục bị từ chối trong thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu. Lúc đó, anh nghĩ thay vì lãng phí thời gian và thụ động mong đợi thần may mắn mỉm cười, tốt hơn là thu gom mọi thứ và trở về Hong Kong. Anh dành ba đến bốn tháng để tìm việc ở quê hương nhưng vận may vẫn chưa gọi tên. Sau nhiều tháng, anh gặp lại hai người bạn ở Hong Kong và mọi người đều nghĩ tại sao không tái hiện những việc điên cuồng mà họ từng làm cùng nhau thời còn ở Mỹ.
Ngày xưa ấy, trong vai trò nhân viên giao hàng, công việc hằng ngày của ba người là vận chuyển những hộp thức ăn trưa cho nhà hàng. Mặt trên chiếc hộp có chữ “Chúc bạn một ngày tốt lành” và cứ mỗi chiếc hộp dùng bọc gấp lại tựa như đang nói với Lam và bạn của mình rằng “Hãy có một ngày thật tuyệt nhé”.
“Nhưng tôi là một anh chàng giao hàng, tôi thật sự không có một ngày tốt đẹp chút nào”, anh kể với giọng dí dỏm. Vì ý nghĩ đó, họ nảy ra ý tưởng sửa lại câu thông điệp bằng một sticker. Khi gặp lại tại Hong Kong, ba người bạn nghĩ tại sao lại không làm một thứ giống như thế, bằng cách đặt thông điệp trên những chiếc hộp đồ ăn mang về ở Hong Kong. Trong chín tháng, công ty đã phát triển tốt chỉ bằng việc phân phối hàng trăm chiếc hộp mỗi ngày và sau đó con số tăng lên trên 100.000.
Steven Lam - đồng sáng lập startup kỳ lân Gogovan. Ảnh: Gogovan.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất mà họ gặp phải là khâu giao hàng khi không có nguồn quỹ để mua xe hơi hoặc xe tải và phải nhờ đối tác trung gian. Nhưng các công ty này sẽ không bao giờ cam kết sẽ giúp có thể đúng hẹn trong 50 phút, 30 phút hoặc một giờ, thỉnh thoảng có lúc chẳng có lấy một người giao hàng nào. Vì thế, Lam và đồng sự bắt đầu nói chuyện cùng các lái xe và hỏi thử xem liệu họ có muốn gia nhập mạng lưới của mình thông qua ứng dụng Whatsapp. Họ cũng bắt đầu hỏi các tài xế là không biết tại sao khi gọi thì chẳng có ai bắt máy trong lúc chỉ cần bước ra đường và vẫy một chiếc taxi thì họ luôn sẵn sàng. Lam nói có rất nhiều vấn đề trong ngành công nghiệp này. Các tài xế sử dụng tần số radio để giao tiếp với nhau nhưng thiết bị lại không hoạt động hoặc thời tiết không tốt. Sau một thời gian, nhìn thấy cơ hội lớn, ba người bạn họp lại vào tháng 3/2013, đăng ký công ty với tên Gogovan vào tháng 6 và chính thức ra mắt dự án kết nối giao hàng một tháng sau.
Hầu hết những tài xế mà họ nói chuyện trong thời gian đó đều nghĩ rằng đầu óc của những con người này có vấn đề. “Này nhóc, cháu có biết công việc này là như thế nào không? Chúng tôi không động vào điện thoại, biết chưa? Việc này rất là nguy hiểm”. Đó là câu trả lời thường trực họ nhận được. Tuy nhiên, ba đồng sáng lập không bỏ cuộc và sau nhiều tháng đã thuyết phục được nhiều tài xế tham gia mạng lưới của mình và con số tăng dần theo thời gian.
Gogovan khởi đầu chỉ với 2.000 HKD nhưng số tiền nhanh chóng vơi đi. Vòng gọi vốn đầu tiên của họ đạt giá trị 100.000 HKD từ Cyberport. “Số tiền đó đã cứu sống chúng tôi”, Lam nói. Nhưng cũng thời điểm ấy, các nhà đồng sáng lập hiểu rằng số tiền này không thể giúp duy trì dự án trong một thời gian dài. Họ tiếp tục nghĩ đến những phương án khác, bằng cách tìm kiếm các nhà đầu tư thiên thần hoặc quỹ mạo hiểm.
Có một câu hỏi mà Lam thường đặt cho các nhà đầu tư: “Nếu sở hữu 100% miếng bánh thị trường, mỗi công dân hay người cư ngụ tại Hong Kong sử dụng dịch vụ của ngài một lần mỗi năm, đó là trường hợp ngài có thể kiếm một HKD từ mỗi người Hong Kong một năm. Với dân số trên 7 triệu người, ngài đòi hỏi tôi phải đưa một hay hai triệu HKD thì cán cân ở đây sẽ như thế nào”. Với thị trường giới hạn như thế, Gogovan đã không nhận được nhiều hỗ trợ.
Tuy nhiên, rất may mắn là sau đó họ tìm được một nhà đầu tư thiên thần người Singapore và ông tin rằng mô hình có thể hoạt động đơn giản tại quốc gia của mình. Cũng từ đây, tháng 6/2014, Gogovan bắt đầu tiến vào thị trường đảo quốc sư tử. Rất nhanh ngay sau đó, họ đã gọi vốn vòng series A trong việc tập trung mở rộng tại Đông Nam Á.
“Khi nhìn lại, tôi thấy đó không phải là lựa chọn tốt nhất nhưng tại thời điểm ấy thì là một quyết định đúng đắn. Nếu hỏi mình lại lần nữa, tôi nghĩ nên mở rộng sớm hơn ở Trung Quốc”. Lam giải thích, thời điểm gọi vốn series B, Gogovan đã thu hút được một nhà đầu tư rất đáng lưu tâm của Trung Quốc. Sau ba năm gia nhập thị trường này, nhà sáng lập 32 tuổi đánh giá rất cao hệ sinh thái khởi nghiệp tại đây. “Thị trường đang phát triển rất nhanh, các vấn đề bảo mật, môi trường kinh doanh đã được cải thiện rất nhiều”, anh đánh giá.
Gogovan là startup kỳ lân đầu tiên ở Hong Kong, có giá trị đạt trên một triệu USD, hoạt động khắp Đông Nam Á và Trung Quốc. Mới đây, công ty đã gọi vốn thành công 250 triệu USD từ nhiều quỹ với InnoVision Capital đứng đầu, trong đó có Cainiao được dẫn dắt bởi gã khổng lồ Alibaba. Công ty dự định sử dụng số tiền này để mở rộng kinh doanh vào các thị trường mới, đặc biệt là Ấn Độ và Đông Nam Á.
Nói về chặng đường đã qua, Lam tự nhận đó là “một ý tưởng điên rồ”, nhưng anh lại “rất vui khi điên rồ như thế”.
Trương Sanh(theoTech in Asia)
CHÀNG KỸ SƯ KHỞI NGHIỆP KHÔNG CẦN GỌI VỐN Nguyễn Văn Quang Huy vào danh sách 30 Under 30 châu Á của Forbes sau ba năm xây dựng công ty mà không cần nguồn đầu tư từ bên ngoài.
Năm 2015, Huy và hai người bạn: một Singapore, một Việt Nam cùng sáng lập công ty cung cấp giải pháp tổng hợp hạ tầng dữ liệu và báo cáo cho doanh nghiệp. Với Grab là khách hàng đầu tiên, họ tự tin đi đăng ký giấy tờ ở Singapore và khởi đầu mà không cần nguồn vốn đầu tư nào.
Ba thành viên mỗi người góp 10.000 USD làm vốn điều lệ nhưng tiết lộ chưa từng dùng đến. Họ xin nghỉ ở công ty đang làm việc và dồn sức cho dự án mới mà đầu ra đã có sẵn. Lương cho nhân sự dù không cao nhưng đắp đổi được bằng lợi nhuận từ khách hàng. Cho tới nay, startup đã phát triển gấp nhiều lần với khách hàng từ gần 20 nước. Công ty có thể vận hành online nên Huy quyết định rời Singapore, ở lại Việt Nam.
Chỉ cần không chết và tồn tại bền vững
Khác với nhiều câu chuyện khởi nghiệp thường thấy, khi các nhà sáng lập thường gọi vốn mới dám mở công ty, Huy và cộng sự đi con đường ngược lại. Thời gian làm việc tại Singapore, chàng kỹ sư máy tính nhìn thấy một sản phẩm có thể cung cấp cho thị trường theo mô hình B2B - phục vụ các doanh nghiệp. Anh nhanh chóng tìm được hai cộng sự và thảo luận với khách hàng, tiếp đến là chạy thử sản phẩm rồi ký hợp đồng chính thức. Khi đã chốt được với Grab, họ mới chính thức thành lập công ty, với quan điểm điều quan trọng khi làm startup hay kinh doanh nói chung quan trọng nhất là không chết.
“Khi không chết mình sẽ có đủ thời gian, năng lượng để làm việc bởi việc gọi vốn không thể giúp bạn đưa ra quyết định dài hạn. Nếu có thể duy trì hoạt động và không chết thì khả năng sống và phát triển rất cao nên chúng tôi đã quyết định không gọi vốn. Tôi và cộng sự luôn nghĩ mình phải xây dựng cái gì đó đúng nhu cầu khách hàng và họ chịu bỏ tiền ra giải quyết nhu cầu đó”, Huy giải thích ly do đi ngược các mô hình thông thường.
Vì tự xoay xở tài chính qua nguồn thu từ khách hàng, các nhà đồng sáng lập nhận thức được khó khăn trước mắt phải vượt qua vì vẫn đang ở giai đoạn đầu của vòng tuần hoàn doanh nghiệp. Mọi thứ không hoàn toàn màu hồng, lương của đội ngũ sáng lập khoảng 500-600 USD và không đủ sống ở Singapore. Tuy nhiên, kỹ sư 8x nói họ không áp lực trong việc loay hoay tìm mô hình phù hợp như một số dự án khác vì đã có lợi nhuận sau vài tháng thành lập. Đó cũng là điểm cộng của mô hình B2B so với B2C cần phải có nguồn vốn lớn.
“Đơn giản là có khách hàng trả tiền cho chúng tôi và họ vui vẻ thì mình sẽ nuôi được chừng đó con người trong công ty. Càng nuôi nhiều người thì tốc độ phát triển của sản phẩm và thị trường càng nhanh hơn”.
Với mô hình cung cấp giải pháp tổng hợp dữ liệu và hệ thống báo cáo cho doanh nghiệp, startup của Huy tập trung vào nhóm khách hàng là công ty công nghệ. Khó khăn thường trực là tìm ra cấu trúc phù hợp từ trên xuống dưới để tiếp thị sản phẩm cho đúng người với đúng mức giá và vấn đề mà họ gặp phải. Vì là thị trường ngách nên việc nhất quán hệ thống cho từng khách hàng, thị trường không hề dễ dàng. “Khó mới làm, còn dễ thì người ta đã làm hết rồi”, anh hóm hỉnh mô tả về dự án.
Nguyễn Văn Quang Huy (trái) cùng các cộng sự tại Holistics làVincent Woon - CEO và Đinh Khắc Thành- Kỹ sư trưởng. Ảnh:NVCC.
Đến nay công ty đã có lượng khách hàng trải rộng từ Mỹ, Nga, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, châu Âu và tiếp tục phát triển ra các thị trường mới qua việc mở rộng đội ngũ nhân sự. Dù Việt Nam không phải thị trường trọng điểm bởi tính chất sản phẩm tập trung vào các công ty công nghệ, họ vẫn có các khách hàng như The Coffee House, Topica, Edumall, Wefit, Ahamove…
Chia sẻ ý định tìm nhà đầu tư trong tương lai, Huy đáp “Tại sao không?”. Họ chưa từng có ý định từ chối các nhà đầu tư, chỉ đơn giản thấy nguồn lực đủ để có thể đi một mình trong thời gian đầu. Một lý do khác là việc tìm nhà đầu tư phù hợp và hiểu sứ mệnh của dự án không phải chuyện ngày một ngày hai. Huy và đồng sự hiểu rõ điểm mạnh - yếu của dự án và cần người có thể lấp vào những khoảng trống họ đang thiếu. “Chúng tôi luôn sẵn sàng và thực tế đã nhiều lần nói chuyện cùng các nhà đầu tư nhưng không cảm thấy việc này là gấp gáp. Thực tế là cho đến giờ chúng tôi vẫn chưa gặp được soul mate - người đồng điệu”.
“Hãy gọi tôi là startup builder”
Bận rộn trong nhiều vai trò và các buổi tiếp xúc với các nhà đầu tư, Huy vẫn dành thời gian cho một dự án phi lợi nhuận khác là được thành lập từ năm 2014. Từng có thời gian thực tập tại Facebook ở Mỹ và một số công ty ở châu Âu, chàng trai sinh năm 1989 nhận thấy thực trạng về nguồn lực công nghệ thông tin tại quê hương. Các công ty nước ngoài luôn kháo nhau nhân sự ngành này ở Việt Nam rất dồi dào nhưng thực tế việc tuyển dụng người phù hợp lại vô cùng khó khăn.
Huy và một số người bạn quyết định thành lập Grokking nhằm nâng cao chất lượng kỹ sư thông qua các buổi nói chuyện và khóa đào tạo ngắn. Ở đó, mọi người còn có nhiều hoạt động cùng ngồi lại giải quyết những bài toán khó, phức tạp và chuyên sâu theo nhóm nhỏ được tổ chức một tháng vài lần. “Đôi khi mọi người chỉ so mình với mặt bằng chung ở Việt Nam nên chúng tôi muốn cho các bạn thấy mặt bằng thế giới để có động lực nhiều hơn”, anh chia sẻ.
Huy tự nhận mình là người thích đi từ con số 0 đến số 6 hơn là từ 6 đến 9, tức xây dựng cái chưa có đến phát triển trên thị trường hơn là làm tiếp những gì đã có lên một mức cao hơn. Với anh, làm startup không phải thể hiện bản thân “ngầu” như nhiều người trẻ khác vẫn tưởng tượng. Huy thích cảm giác giải quyết được vấn đề nào đó. Vì vậy, anh nói mình không hẳn là startup founder - nhà sáng lập mà là startup builder - người xây dựng thì đúng hơn.
“Tôi là người kỹ sư xây dựng sản phẩm, đem lại tác động cho xã hội”, Huy nói về lý do ngại ngùng trước danh xưng đồng sáng lập như mọi người vẫn thường gọi anh.
Nguyễn Văn Quang Huy nằm trong danh sách 30 Under 30 củaForbeschâu Á và Việt Nam. Ảnh:NVCC.
Tại Diễn đàn dành cho thế hệ trẻ Under 30 Summit củaForbesViệt Nam diễn ra hồi tháng tư, Huy từng có phát biểu nhận rất nhiều đồng thuận. Anh cho rằng trong thế giới hiện nay, việc giỏi một kỹ năng là rất bình thường và nếu có trong tay thật chắc hai kỹ năng, đó sẽ là lợi thế lớn. Chính anh, một người xuất thân trong lĩnh vực công nghệ, cũng không biến mình trở nên bão hòa giữa những làn sóng mới. Huy tự học hỏi và trau dồi nhiều thứ. Tại dự án riêng, anh là Giám đốc Công nghệ nhưng đảm trách vai trò cầu nối giữa các mảng khác nhau như kinh doanh, kỹ thuật, sản phẩm, tiếp thị… Cũng như khi quyết định thực hiện startup cùng hai người bạn, Huy không từ bỏ dự án phi lợi nhuận. Anh tin mình có thể đảm đương tốt hai vị trí, vì tin vào khả năng của mình phù hợp với những gì mà hai phía đang cần.
Tự Huy xây dựng nên bản ngã cho chính mình trên con đường startup nghe có vẻ trải thảm nhưng không ít chông gai. Không mấy người biết khoảng thời gian đầu gầy dựng công ty cũng là lúc mẹ anh mắc bệnh nặng. Chàng kỹ sư thừa nhận lúc đó chỉ dành 30% tâm sức cho dự án và trân trọng những cộng sự đã cùng anh bước qua giai đoạn khó khăn ấy.
Với Huy, việc lọt vào danh sách 30 Under 30 củaForbeschâu Á và Việt Nam là một sự khích lệ lớn, nhưng điều anh quan tâm hơn là khách hàng và nhân viên của mình có hài lòng hay không. Giá trị lớn nhất của danh hiệu đó là niềm tự hào của gia đình, món quà dành tặng cho người mẹ đã bước qua bên kia thế giới và người bố luôn dõi theo, ủng hộ hành trình của anh suốt mấy năm qua. Ước mơ của chàng trai gốc Sài Gòn là có thể tạo nên công ty công nghệ có quy mô toàn cầu xuất phát từ Đông Nam Á. “Tôi hy vọng ba năm tới công ty sẽ phát triển gấp vài chục lần và tổ chức phi lợi nhuận có thể giúp được nhiều bạn đam mê lập trình hơn. Đôi lúc cứ nghĩ không chết là vui rồi”, anh hóm hỉnh.
Nhiều tham vọng trong công việc nhưng quỹ thời gian của Huy vẫn dành đủ chỗ cho những hoạt động thể chất và tâm hồn như tập yoga, thiền, đá bóng hay chơi cờ tướng. Huy thích sống ở Việt Nam và cũng thích sống chậm. Thời còn là sinh viên ngành Khoa học máy tính tại Đại học Quốc gia Singapore, anh từng trải nghiệm một năm tại Thụy Điển trong một chương trình thực tập. Chuyến đi đã thay đổi mọi suy nghĩ của Huy. Anh ngắm nhìn đường phố nhiều hơn, suy nghĩ sâu vào bên trong và phát hiện những bí mật của cuộc sống. Tất cả cho Huy niềm tin và sự sâu sắc để tiến những nước cờ bước ngoặt trong cuộc đời mà không chút sợ hãi, cứ thế mà bước đi.
Trương Sanh
9X BỎ LƯƠNG CAO ĐỂ TỰ KHỞI NGHIỆP Từ bỏ cuộc sống nhàn nhã với thu nhập 60-70 triệu một tháng, Trần Yến Nhi khởi nghiệp với ứng dụng kết nối doanh nghiệp với lao động phổ thông.
Năm 2015, Nhi mô tả mình “bất động” giữa văn phòng startup mới thành lập vài tháng. Hơn 20 nhân viên cùng lúc xin nghỉ. Sản phẩm dang dở, bao nhiêu đầu việc chất đống phía trước. Bên cạnh Nhi giờ chỉ còn Phạm Thị Bảo Nguyên - đồng sáng lập và hai nhân viên. Điều này khác xa tưởng tượng trước đó của cô gái 9x khi dấn thân vào con đường startup. Nhi không nghĩ nó chông gai đến thế, ngay từ khi bắt đầu.
Từng học quản trị kinh doanh, ra trường, Nhi nhanh chóng tìm được công việc ổn định tại một đơn vị xuất nhập khẩu. Thu nhập mỗi tháng trung bình vài chục triệu vì cô chịu khó kinh doanh thêm. Mỗi ngày của 9x trôi qua nhẹ nhàng, đơn giản, không nhiều áp lực. Tuy nhiên, cô vẫn cảm thấy cuộc sống thiếu cái gì đó gọi là điểm nhấn.
Đầu năm 2015, Nhi quyết định khởi nghiệp bằng việc dùng một tỷ đồng tiền dành dụm cùng người bạn Bảo Nguyên xây dựng Easyjob. Ý tưởng đến tình cờ khi đôi bạn đi ăn hàng và phát hiện tình trạng phân bổ nhân sự không hợp lý. Có nơi không gian nhỏ nhưng nhân viên đông, rảnh rỗi. Trong khi đó, nhiều địa điểm đông khách nhưng không đủ nhân viên, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ. Họ quyết định giải quyết tình trạng này, lấy cảm hứng từ Uber để làm dịch vụ tìm việc nhanh, có khả năng tuyển dụng trong vòng 20 phút.
Ngay sau đó, hai đồng sáng lập thực hiện khảo sát, thống kê cho thấy trên thị trường có hơn 70% là lao động phổ thông. Tuy nhiên, các trang tìm việc hầu hết đều tập trung nhiều vào công việc văn phòng. “Chúng tôi muốn làm ứng dụng đi tiên phong trong tuyển dụng lao động phổ thông”, Nhi chia sẻ.
Ngay tháng đầu, họ nhanh chóng tìm được đội ngũ nhân viên. Tuy nhiên, sau một thời gian, thấy môi trường startup còn nhiều khó khăn, trong một ngày, hơn 20 nhân viên đồng loạt xin nghỉ. Khoảnh khắc đó Nhi gần như không biết phải làm gì, như người bất động cả buổi chiều đến sáng hôm sau. Mất 12 tiếng để định hình mình đang là người đầu tàu của con thuyền này, cô biết không thể tiếp tục ngồi yên. “Vì còn quá nhiều việc trước mắt, phải bắt tay làm ngay”, 9x kể.
Nhi cùng Nguyên tiếp tục tuyển dụng, chia sẻ rất kỹ cho nhân viên biết khác biệt của môi trường startup so với các doanh nghiệp khác. Lúc này, văn phòng của họ chỉ là một căn nhà trong hẻm, môi trường thiếu thốn, không hào nhoáng như mọi người vẫn nghĩ. Đối diện với khó khăn, họ chọn bước về phía trước chứ không bỏ cuộc.
Trước tháng 9/2015, họ ra mắt bản chạy thử và chỉ trong một ngày đã có 1.000 lượt tải mặc dù không hề chạy quảng cáo. Đến tháng 12 cùng năm, Easyjob có đủ hai phiên bản cho cả Android và iOS. Hiện ứng dụng đã có gần 50.000 lượt tải.
Cô gái 9x Trần Yến Nhi.
Easyjob là trung gian giữa người lao động và nhà tuyển dụng. Mô hình này áp dụng cho cả tuyển dụng dài hạn và ngắn hạn, tập trung vào lao động phổ thông. Điểm đặc biệt là tính năng tuyển dụng tức thời trong phạm vi gần. Khi nhà tuyển dụng hoặc người lao động nhận thấy nhu cầu có thể chủ động liên hệ với nhau, đặt lịch hẹn phỏng vấn ngay. Nhờ đó cắt giảm thời gian và chi phí..
Việc kiểm duyệt thông tin được kiểm soát kỹ. Họ thường đến gặp trực tiếp nhà tuyển dụng để kiểm chứng mức độ thực cũng như nhu cầu của doanh nghiệp, nhưng về phía người lao động thì không thể xác nhận được hết. “Kể cả có chúng tôi hay không thì việc kiểm chứng ý thức của một người là rất khó. Vì thế, chúng tôi tạo phần đánh giá giúp nhà tuyển dụng có thể chấm điểm ứng viên để đảm bảo độ uy tín cá nhân của từng người”, cô gái sinh năm 1992 giải thích.
Để đi được đến ngày hôm nay, nguồn vốn ban đầu của hai đồng sáng lập vẫn như muối bỏ biển. Họ liên tục tham gia các cuộc thi và kêu gọi đầu tư. Trong hai năm hoạt động, Easyjob tìm được vài nhà đầu tư thiên thần. Có nhà đầu tư tự tìm đến và cũng có quỹ đầu tư đang quan sát.
Cũng trong thời gian này, Nhi và Nguyên luân phiên mang ứng dụng tham gia nhiều cuộc thi. Trong đó thành tích cao nhất giành quán quân cuộc thi Start Tel Aviv với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp” do đại sứ quán Israel tại Việt Nam tổ chức năm 2016.
Chuyến sang thăm Israel, quốc gia khởi nghiệp nổi tiếng của thế giới, khiến Nhi càng kiên định hơn với con đường đang đi. Cô nói bài học lớn nhất sau trải nghiệm đó là cứ làm thật tốt việc của mình, rồi mọi thứ sẽ đi đúng hướng.
Từ bỏ cuộc sống nhẹ nhàng để dấn thân vào startup chông gai, Nhi nói hoàn toàn là lựa chọn xứng đáng. “Trước đây có thể tôi kiếm nhiều tiền nhưng không bao giờ nghĩ mình có thể ngồi trên bàn gặp gỡ những người thầy, nhà đầu tư hay các mối quan hệ khác, nghe kinh nghiệm và có thể thuyết phục họ làm việc cùng mình. Khi làm được điều đó, niềm vui thật khó tả”, Nhi chia sẻ với nụ cười trên môi.
Trương Sanh
TỶ PHÚ 9X ĐỨNG SAU SNAPCHAT Evan Spiegel sinh ra trong gia đình có điều kiện nhưng nỗ lực thành tỷ phú tự thân với ứng dụng có hàng trăm triệu người dùng khắp thế giới.
Tháng 3/2017, công ty đứng sau ứng dụng nhắn tin đa phương tiện Snapchat lên sàn với giá trị 33 tỷ USD, khoảng 170 triệu người dùng thường xuyên. Nhà sáng lập Evan Spiegel trở thành CEO trẻ nhất của một công ty IPO. HiệnForbesước đoán doanh nhân 9x sở hữu khối tài sản 2,4 tỷ USD.
Evan Spiegel sinh ngày 4/6/1990 tại Pacific Palisades, Los Angeles, California, Mỹ. Anh là con lớn trong gia đình có bố mẹ đều là luật sư tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng trong nhóm Ivy League, nhưng cặp đôi ly dị lúc anh học cấp 3.
Năm 16 tuổi, Spiegel có bằng lái xe và được bố tặng cho chiếc Cadillac Escalade. Anh học tại một ngôi trường đặc biệt có tên Crossroads, nổi tiếng với mức học phí lên đến hàng nghìn USD mỗi năm. Đây cũng là nơi mà nhiều người nổi tiếng khác theo học như đồng sáng lập Tinder Sean Rad, các diễn viên Kate Hudson, Jonah Hill, Jack Black và Gwyneth Paltrow.
CEO Snapchat Evan Spiegel. Ảnh:Vanity Fair.
Khoảng thời gian làm thực tập sinh mảng tiếp thị tại Red Bull, Spiegel nghĩ rằng anh muốn có một chiếc xe tiết kiệm năng lượng hơn để lái vòng quanh thành phố. Trong bức thư gửi bố năm 2008, Spiegel xin phép ông cho thuê chiếc BMW 550i, lúc đó có giá bán trên thị trường 75.000 USD.
“Những chiếc xe mang đến cho con niềm vui tuyệt đối. Con thật sự rất trân trọng nếu bố công nhận con và tất cả những nỗ lực miệt mài trong công việc của con bằng việc cho con thuê chiếc BMW”, anh viết trong thư.
Nhà Spiegel được biết đến là gia đình có điều kiện, là thành viên của những câu lạc bộ đặc biệt như Jonathan Club ở Santa Monica và La Jolla Beach and Tennis Club. Gia đình này thường du lịch đến châu Âu, thuê người giúp việc toàn thời gian và thậm chí đi trượt tuyết bằng trực thăng ở Canada.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Spiegel gia nhập đại học danh tiếng Stanford với ngành thiết kế sản phẩm. Tại đây, anh có cơ hội quen biết hai người bạn mà sau này trở thành đồng sáng lập Snapchat là Reggie Brown và Bobby Murphy.
“Chúng tôi không ngầu, vì thế chúng tôi cố gắng xây dựng những thứ giúp mình trở nên đặc biệt”, Murphy nói vớiForbes.
Trong thời gian ở Stanford, người bạn của gia đình tìm được cho Spiegel một chỗ trong lớp về kinh doanh và quỹ đầu tư mạo hiểm dành cho người ở trình độ tốt nghiệp. Tại đây, anh có cơ hội nghe những cuộc trò chuyện với các nhân vật nổi tiếng trong ngành công nghệ.
Nhờ đó, Spiegel cũng trở thành bạn của nhà sáng lập công ty phần mềm Intuit Scott Cook sau khi vị này đến lớp học của anh nói chuyện. Cook đã đưa Spiegel về làm việc cho một sản phẩm mà Intuit dự định ra mắt tại Ấn Độ trong năm cuối đại học.
Cook sau đó trở thành nhà đầu tư đầu tiên của Snapchat bởi quá ấn tượng với Spiegel, song ông lại nghĩ ý tưởng đằng sau ứng dụng quá ngu ngốc. “Tôi không tin vào sản phẩm. Ai cần những tấm ảnh biến mất chứ? Tôi cho rằng Spiegel sẽ chết với việc kinh doanh sai lầm này”, ông nói vớiBusiness Insider.
Tuy nhiên, Spiegel đã bước đi rất nhanh bằng việc bỏ học ở Stanford khi chỉ còn hoàn thành vài tín chí nữa là có thể tốt nghiệp, để dành hoàn toàn thời gian cho Snapchat cùng hai đồng sự. Nhóm phát triển ứng dụng với tin nhắn biến mất với tên gọi đầu tiên là Picaboo năm 2012, văn phòng đặt tại chính nhà bố của Spiegel ở Palisades và chuyển sang văn phòng khác gần đó một thời gian sau.
Năm 2013, Reggie Brown kiện Spiegel và Murphy sau khi anh bị buộc rời khỏi công ty. Cuối cùng, Snapchat phải trả Brown 157,5 triệu USD cho một cuộc ra đi chính thức.
Evan Spiegel và đồng sáng lập Bobby Murphy (trái). Ảnh: Los Angeles Times.
Không lâu sau đó, nhiều nhà đầu tư đến gõ cửa Spiegel với mong muốn mua lại Snapchat, trong đó có Facebook với lời đề nghị hấp dẫn trị giá 3 tỷ USD. Tuy nhiên, nhà sáng lập quyết định lắc đầu với mọi lời mời hấp dẫn. Ngay sau khi bị từ chối, Facebook đã thử làm một bản sao của Snapchat mang tên Poke song thất bại.
CEO cho biết một trong những điều quan trọng đặc biệt trong thời gian khởi đầu dự án là có thể nói “không” với mọi thứ. Theo tỷ phú trẻ tuổi, việc tập trung trong những ngày đầu khi nguồn lực còn hạn chế là khác biệt quan trọng để xây dựng doanh nghiệp thành công.
Trong những tháng đầu của Snapchat, anh phải vật lộn với câu hỏi là cái nào nên đồng ý và cái nào phải từ chối. “Tôi nghĩ có một nguyên tắc nhỏ là nói không với 99% những đề xuất và chỉ tập trung trong việc mang lại giá trị cho khách hàng”, anh chia sẻ.
Khi nền tảng người dùng và giá trị của Snapchat tiếp tục tăng trưởng, Spiegel nhanh chóng trở thành ngôi sao sáng trong thế giới công nghệ và truyền thông. Sau khi ứng dụng hoàn tất vòng gọi vốn lớn vào tháng 6/2015, Spiegel đã tự thưởng cho mình một con Ferrari màu đỏ cáu cạnh.
Tháng 2/2016, Snapchat cho Spiegel vay 15 triệu USD. Công ty huy động được 175 triệu USD một tháng sau đó, nâng giá trị lên 16 tỷ USD. Nhà đồng sáng lập đã trả hết tất cả khoản tiền mượn của Snapchat trong năm đó. Tháng 9/2016, anh đổi tên Snapchat thành Snap Inc. và gọi là “công ty camera”, đồng thời hé lộ một chiếc kính có trang bị camera với tên gọi Spectacles.
Hiện Spiegel và Murphy mỗi người nắm 18% cổ phiếu biểu quyết của Snapchat, giúp họ nắm giữ quyền kiểm soát trong hội đồng quản trị công ty. Spiegel cho biết sứ mệnh của anh tại Snap là “phát minh lại camera”. Anh đã định vị công ty chống lại Facebook khi muốn kết nối giao tiếp chỉ giữa những người bạn thân thiết với nhau. CEO cũng nói với tờLA Timeslà muốn “truyền cảm hứng sáng tạo”.
Evan Spiegel bên vợ là siêu mẫu nổi tiếng Miranda Kerr. Ảnh:Reuters.
Spiegel cũng nổi tiếng là người quan tâm đến lĩnh vực thời trang nhiều hơn hầu hết các CEO trong lĩnh vực công nghệ. Anh từng xuất hiện trên trang bìa tờVogueItaly tháng 10/2015. Nhà đồng sáng lập Snapchat có bằng phi công lái trực thăng và rất thích cắm hoa. Dù không phải lúc nào cũng mặc một chiếc áo như Mark Zuckerberg, Spiegel cũng có chiếc áo đặc trưng mang thương hiệu James Perse với cổ hình chữ V và màu trắng, giá trên thị trường là 60 USD.
Spiegel nổi tiếng là người đánh giá cao các bí mật trong kinh doanh cũng như đời sống cá nhân. Triết lý này được truyền cảm hứng từ hình mẫu mà anh hướng đến là nhà sáng lập Apple Steve Jobs - người có bức chân dung in trong phòng làm việc của CEO 9x.
Snapchat nổi tiếng là một trong những công ty công nghệ bí mật nhất thế giới. Các nhân viên thường không biết về các sản phẩm công ty đang làm cho đến khi chính thức công khai. Trong khi mọi người ở các bộ phận ngồi cạnh nhau trong một tầng có không gian mở, nơi làm việc của Spiegel lại tách biệt ở tầng trên cùng của một tòa nhà. Cửa văn phòng luôn khóa và được bảo vệ bởi một bộ phím đặc biệt.
“Lần đầu nhìn thấy nó, tôi cảm nhận rằng cậu ấy là người không ai có thể chạm tới. Cậu ấy đưa ra mọi quyết định và nhìn xuống mọi người”, một cựu nhân viên từng làm việc cho Snapchat cho biết.
So với truyền thống cho nhân viên thử sản phẩm trước khi trình làng của nhiều công ty công nghệ khác, người làm việc ở Snapchat không bao giờ biết việc họ đang làm có mục đích gì và sản phẩm mới sẽ ra mắt thời điểm nào. Họ chỉ thực hiện những công việc được giao. Có những câu chuyện huyền thoại rằng nhân viên của Snapchat chỉ biết về sản phẩm mới khi đọc chúng trên trang web của công ty.
Chiến lược này phần nào mang đến hiệu quả trong việc loại bỏ rò rỉ thông tin nhưng cũng khiến mọi người không biết được hướng đi của công ty. Nhân viên tại đây cũng được khuyến khích không đăng tải vị trí và mô tả công việc của mình trên mạng xã hội, hay bàn luận các vấn đề của công ty tại quán bar hoặc những nơi công cộng.
Snapchat cũng không có một văn phòng trung tâm duy nhất như Google hay Apple mà nhân viên được phân tán trong các tòa nhà khác nhau ở Los Angeles. Nhiều nhân viên thậm chí còn không biết các văn phòng khác của Snap ở đâu ngoài nơi họ ngồi làm việc. Đầu mối duy nhất về công ty chính là biểu tượng với hình ảnh con ma nhỏ được dán trước văn phòng.
Biểu tượng "con ma nhỏ" đặc trưng của Snapchat. Ảnh:AP.
Các nhân viên cũng không có thông tin hay cơ hội gặp gỡ nhiều đồng nghiệp khác cùng công ty. Các cuộc họp thường diễn ra ở các nhóm nhỏ. Trong trường hợp phải thảo luận nhiều nhóm, cuộc họp thường kéo dài 15 phút bằng việc đi bộ ở bãi biển Venice giữa các tòa nhà.
“Tôi chắc chắn không cảm thấy mình là một phần giá trị của công ty. Nếu không biết chuyện gì sẽ xảy ra và chỉ có thể đọc về công ty mình đang làm qua tin tức, bạn sẽ cảm thấy như người ngoài cuộc và giống một kẻ ngốc”, một cựu nhân viên nói.
Khi bắt đầu gọi vốn cho Snapchat, Spiegel chỉ mới 21 tuổi và chưa tốt nghiệp. Anh đã đi thẳng từ một sinh viên thành CEO và tỷ phú tự thân trẻ tuổi của hôm nay, bằng phong cách làm việc và quản trị của riêng mình. Tuy nhiên, đối mặt với những áp lực trong hành trình phát triển của Snapchat cũng không phải là chuyện dễ dàng với Spiegel, dù con đường có thể được mọi người đánh giá bằng phẳng hơn nhiều người khác.
Anh cho biết điều quan trọng nhất là thật sự vui vẻ và tận hưởng quá trình. “Bởi chỉ khi thật sự thích thú với độ tăng trưởng, về mặt cá nhân và cả công ty, lúc đó bạn mới có thể cháy hết mình”, tỷ phú trẻ tuổi nói.
Trương Sanh(theoBusiness Insider)
ĐƯỜNG THÀNH TỶ PHÚ Ở TUỔI 23 CỦA ÔNG CHỦ HÃNG MÁY TÍNH Dell Michael Dell đưa công ty lên sàn năm 1988, trở thành tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới và dẫn dắt đế chế thành công đến hôm nay.
Năm 2018, ông chủ hãng máy tính nổi tiếng đứng thứ 39 trong danh sách tỷ phú giàu nhất thế giới doForbescông bố với khối tài sản trị giá 22,7 tỷ USD. Tuy nhiên, người đàn ông này đã gia nhập hội tỷ phú cách đây 30 năm khi đưa công ty lên sàn thành công vào 1988. Ở tuổi 23, Michael Dell đã tạo nên một đế chế mới trên thị trường máy tính. Bốn năm sau, ông trở thành người trẻ nhất lãnh đạo một công ty nằm trong Fortune 500.
Ngay từ nhỏ, Dell đã rất say mê những thứ liên quan đến thiết bị. Người đàn ông sinh năm 1965 từng rửa chén ở một nhà hàng từ năm 12 tuổi. Tại đây, ông nhanh chóng được cất nhấc lên làm trưởng nhóm phục vụ. Năm 15 tuổi, Dell mua một trong những chiếc máy tính Apple đầu tiên, tháo ra và thử ráp lại xem có được hay không, thỏa mãn trí tò mò và đầu óc đam mê khám phá.
Dù chỉ thực sự thấy hứng thú với máy tính, năm 1983 ông vẫn đăng ký vào ngành dược tại Đại học Texas. Ngoài thời gian học, lúc rảnh rỗi Dell thường nâng cấp máy tính và bán chúng từ căn phòng tập thể, kiếm ngay 180.000 USD trong tháng đầu.
Ở tuổi 19, sau khi thuyết phục bố mẹ cho phép bỏ học để theo đuổi sự nghiệp kinh doanh, Dell ra mắt công ty năm 1984 với tên PC's Limited, nhanh chóng trở thành một trong những doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ với doanh thu trên 6 triệu USD trong năm đầu.
Năm 1987, ông đổi tên thành Dell, doanh thu tiếp tục tăng chóng mặt và lên sàn một năm sau đó với giá trị huy động đạt 30 triệu USD. Năm 1996, Dell bắt đầu cho bán máy tính trên web và cho ra mắt máy chủ đầu tiên, thu về một triệu USD doanh số chỉ trong một ngày thông qua trang dell.com. Quý đầu của năm 2001, Dell chiếm 12,8% thị phần, vượt Compaq để trở thành thương hiệu PC lớn nhất thế giới.
Năm 2004, tỷ phú rời ghế lãnh đạo công ty và giữ chức Chủ tịch hội đồng quản trị. Nhưng đến 2007, ông trở lại vị trí CEO trong bối cảnh PC suy yếu. Lúc đó Dell biết nếu không thay đổi thì sẽ chết vì thị trường luôn biến động. Công ty tìm hiểu nhiều hơn về khách hàng để xem họ đang cần gì.
Từ đề tài "Để tôi giới thiệu cho bạn những sản phẩm mà chúng tôi đang có", nhân viên cố gắng chuyển cuộc trò chuyện với khách hàng sang "Chúng tôi có thể giúp bạn giải quyết vấn đề gì". Những câu chuyện như thế không chỉ giúp xây dựng việc kinh doanh mà còn tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp và khăng khít hơn với người dùng.
Theo tỷ phú, người làm kinh doanh không thể cứ mãi làm một việc và cầu mong nó giữ vững như thế. "Chúng ta cần phải tạo ra khác biệt nhưng câu hỏi khó nhất chính là khác biệt ấy nằm ở đâu? Khi sáng lập một công ty, bạn sẽ cảm thấy có một ý thức sâu sắc và trách nhiệm với nó. Tôi sẽ luôn quan tâm tới Dell cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay", ông chia sẻ.
Nhờ những thay đổi mà Dell đứng vững trước những thay đổi của thị trường máy tính suốt vài thập kỷ qua. Đến tháng 12/2015, công ty thông báo mua lại tập đoàn phần mềm và lưu trữ EMC, trở thành thương vụ giá trị cao nhất ngành công nghệ với 67 tỷ USD.
Michael Dell - ông chủ hãng máy tính Dell. Ảnh:New York Times.
Tỷ phú sinh năm 1965 cũng được biết đến với khối tài sản kếch xù và cuộc sống xa hoa.Ông kết hôn với nhà thiết kế thời trang Susan Lieberman vào tháng 10/1989 chỉ sau một năm quen biết.
Mối tình của họ được ví như "sét đánh" khi lập tức bắt sóng với nhau ngay lần đầu tình cờ chạm mặt. "Hầu hết những người đàn ông tôi từng hẹn hò thường nói rất nhiều về bản thân và cố gắng gây ấn tượng với tôi. Nhưng Dell thì không thế, anh ấy là người đàn ông tốt nhất mà tôi từng gặp", Lieberman mô tả về chồng.
Vợ chồng ông chủ Dell có với nhau bốn mặt con và rất nổi tiếng trong việc bảo vệ cuộc sống riêng của các con. Trong đó, cậu con trai Zack Dell bắt đầu theo bước chân bố khởi nghiệp sớm vào năm 2014, ở tuổi 17 khi đồng sáng lập Thread - ban đầu là ứng dụng hẹn hò và hiện trở thành ứng dụng chia sẻ ảnh.
Căn nhà rộng hơn 3.000m2 của gia đình Dell ở Austin, Texas được người dân địa phương ví như lâu đài bởi vị thế nằm trên đỉnh đồi và có hệ thống an ninh nghiêm ngặt. Trong nhà có 8 phòng ngủ, 13 phòng tắm, một sân quần vợt, hồ bơi trong nhà và ngoài trời cũng như có hướng nhìn ra thẳng hồ Austin.
Dell cũng có một trang trại ngựa Ả Rập tại ngọn đồi gần đó. Nhiều thông tin cho biết ông chủ hãng máy tính nổi tiếng cũng sở hữu một căn hộ tân cổ điển tại hòn đảo Anguilla ở Caribbean.
Tuy nhiên, nơi mà gia đình Dell dành nhiều thời gian nhất trong các kỳ nghỉ là "Raptor Residence", một khu nhà rộng 1.700m2 với 7 phòng ngủ - đây được ví như thiên đường nhiệt đới tại Kukio, Hawaii, ước tính có giá trị 73 triệu USD. Tỷ phú rất thích một khu nghỉ dưỡng tại Hualalai và đã mua toàn bộ khách sạn cũng như khu nghỉ dưỡng tại đây, chia cổ phần với tỷ phú Rob Walton của Walmart.
Năm 1998, Dell mở một công ty tư nhân có tên MSD Capital để quản lý khối tài sản của gia đình. Hãng này đã đầu tư vào nhiều công ty như IHOP, Applebee's, Dollar Rent-a-Car, IHOP, Applebee's, Dollar Rent-a-Car, Domino's Pizza và Domino's Pizza. Năm 2010, công ty tậu 185.000 bức hình cổ điển Magnum trong thương vụ lớn nhất lịch sử ngành ảnh.
Thông qua MSD Capital, Dell nắm trong tay nhiều bất động sản tại Hawaii, Mexico và California. Công ty cũng đầu tư vào những khách sạn xa xỉ, bất động sản thương mại và đa gia đình, phát triển đất và tham gia nhiều quỹ phát triển bất động sản khác.
Như nhiều tỷ phú khác, ông chủ Dell cũng sở hữu bộ sưu tập xe đắt giá với 2004 Porsche Boxster, Porsche Carrera GT hay Hummer H2 và máy bay với Gulfstream V, Boeing Dreamliner 787…
Máy bay riêng là nhu cầu cần thiết để vợ chồng tỷ phú người Mỹ thuận tiện đi lại và làm việc cho tổ chức phi lợi nhuận của họ. "Michael & Susan Dell Foundation" tập trung vào những vấn đề liên quan đến các trẻ em không may mắn ở Mỹ và khắp nơi trên thế giới. Từ năm 1999, quỹ từ thiện của Dell đã ủng hộ 1,23 tỷ USD cho các tổ chức phi lợi nhuận và xã hội tại Mỹ, Ấn Độ và Nam Phi.
Alexa Dell - con gái ông cho biết cô được truyền cảm hứng rất nhiều từ bố, cha mẹ luôn khuyến khích các con khám phá sở thích bản thân và sống lành mạnh để tăng trưởng năng suất làm việc.
"Lời khuyên của bố dành cho tôi là hãy làm việc chăm chỉ, đó chính là nền móng của thành công", cô nói.
Trương Sanh(theoBusiness Insider,Inc)
CEO GO-JEK VÀ CHẶNG ĐƯỜNG XÂY DỰNG STARTUP TỶ ĐÔ Khi Nadiem Makarim triển khai dịch vụ thuê xe qua ứng dụng di động vào năm 2010, anh không nghĩ mình sẽ nắm giữ một startup "kỳ lân" tương lai.
Ứng dụng Go-Jek ra đời với mục đích đơn giản ban đầu là cải thiện ngành công nghiệp xe ôm tại Indonesia. Tuy vậy, 6 năm sau, Nadiem Makarim, CEO của Go-Jek, đi vào lịch sử làng khởi nghiệp Indonesia với tư cách nhà sáng lập startup "kỳ lân"(công ty khởi nghiệp được định giá từ một tỷ USD trở lên) đầu tiên của nước này. Hiện tuổi 34, Nadiem điều hành doanh nghiệp với tổng giá trị ước đạt 5 tỷ USD.
Giống nhiều startup tên tuổi trên thế giới, điểm khởi đầu của Go-Jek là trường đại học Havard nơi Nadiem theo học. Lớn lên tại Indonesia, vị CEO tận mắt chứng kiến tầm quan trọng của dịch vụ xe ôm (theo tiếng Indonesia là "ojeks") đối với nền kinh tế của đất nước đông dân nhất Đông Nam Á.
Người thanh niên trẻ cũng sớm nhận ra một nền công nghiệp tiềm năng đang bị cản trở bởi sự hoạt động thiếu hiệu quả, giá cả không rõ ràng và độ tin cậy thấp. Vì vậy, trong thời gian học MBA tại Havard, Nadiem Makarim đã quyết định khởi nghiệp kinh doanh lĩnh vực gọi xe máy, đồng sáng lập nên Go-Jek cùng hai người bạn là Kevin Aluwi và Michaelangelo Moran.
Trong một cuộc phỏng vấn cùngManaging Asia, Makarim cho biết: "Vào thời điểm đó, nhiều người không tin rằng đội ngũ xe ôm có thể trở nên chuyên nghiệp và tin tưởng được. Tuy vậy, càng biết họ nhiều hơn, tôi lại càng nhận thấy rõ ràng tiềm năng to lớn của lĩnh vực này".
Nadiem Makarim - đồng sáng lập, CEO của Go-Jek. Ảnh:TechwireAsia
Khởi nghiệp với mô hình nhận cuộc gọi đặt xe, đội ngũ tài xế chỉ khoảng 20 người, Go-Jek quá tải không lâu sau đó vì lượng khách hàng liên tục đi lên. Quy mô được mở rộng nhanh chóng, với đội ngũ lao động hiện đạt hơn một triệu người.
Makarim thừa nhận thời điểm thuận lợi là một yếu tố then chốt để thành công, khi làn sóng những nền tảng chia sẻ phương tiện giao thông đang trỗi dậy. Một yếu tố khác là cách tiếp cận kinh doanh đi ngược lại với xu hướng chung của thị trường.
"Khi chúng tôi bắt đầu, rất nhiều người góp ý rằng chỉ nên thực hiện thật tốt ở một lĩnh vực bởi nếu không ghi dấu ấn ở sản phẩm cụ thể, ứng dụng sẽ đối mặt với nguy cơ không có người dùng. Đối thủ cạnh tranh sẽ xuất hiện và vượt qua với những công nghệ mới và nền tảng tài chính vững chắc hơn", Makarim chia sẻ.
Đi ngược lại với lời khuyên đó, ban điều hành Go-Jek quyết định mở rộng, từ công ty thuần về gọi xe công nghệ sang dịch vụ giao đồ ăn, cung cấp dịch vụ làm đẹp tại nhà, đặt trước các trải nghiệm giải trí, thậm chí tiến vào lĩnh vực thanh toán điện tử với mục tiêu trở thành một nền tảng đa dịch vụ. Đây là điều mà Makarim cảm thấy đặc biệt cần thiết tại châu Á, nơi ứng dụng di động ngày càng tăng và người tiêu dùng thích thú với các nền tảng tích hợp.
CEO Go-Jek nhận định: "Chúng tôi thấy rằng khách hàng không chỉ có nhu cầu gọi xe mà còn dùng dịch vụ gọi đồ ăn, ví điện tử, thanh toán số...Vì vậy, công ty có định hướng xây dựng sản phẩm đáp ứng và cải thiện nhu cầu đa dạng của người dùng".
Đây là chiến lược mà Makarim hy vọng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả khi mở rộng ra khắp khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, ứng dụng mới chỉ hoạt động duy nhất tại thị trường Indonesia. Tháng 8/2018, nền tảng này sẽ được ra mắt tại Thái Lan và Việt Nam.
Công ty cũng dự kiến sớm gia nhập thị trường Singapore sau khi Uber rút lui. Động thái này đẩy Go-Jek vào thế đối đầu trực tiếp với Grab, đặt trụ sở đặt tại Singapore do Anthony Tan thành lập, vốn là bạn thân của Makarim tại trường Havard. Việc đối đầu trong kinh doanh khiến hai người bạn ít trò chuyện với nhau nhưng với Makarim, áp lực khiến anh tiến về phía trước một cách mạnh mẽ hơn.
CEO của Go-Jek chia sẻ: "Việc cạnh tranh là điều cần thiết khi mở rộng quy mô và là tiền đề cho sự thay đổi". Thay vì nhìn nhận Grab hay các công ty gọi xe công nghệ khác là đối thủ, Makarim cho rằng đối thủ thật sự của công ty là những phương thức hoạt động cũ, tư duy lối mòn đang ngăn chặn sự phát triển.
Doanh nhân 34 tuổi cũng hy vọng sự thành công của Go-Jek sẽ là động lực cho các doanh nghiệp ở Indonesia và khu vực hành động để chứng minh sức mạnh của công nghệ có thể phá vỡ hiện trạng và cải thiện cuộc sống.
"Chúng tôi mới chỉ khai phá một góc nhỏ của tiềm năng to lớn mà thị trường công nghệ có thể mang lại cho khu vực châu Á. Hy vọng trong 10 hoặc 20 năm nữa, công ty sẽ được nhắc đến với tư cách chứng minh công nghệ thực sự là chìa khóa để mở cửa một nền kinh tế và khiến nó có những bước tiến nhảy vọt vào giai đoạn tiếp theo của tiến hóa xã hội", Makarim nhấn mạnh.
Vi Vũ(Theo CNBC)
CEO MẮC BỆNH UNG THƯ: 'TINH THẦN KHỞI NGHIỆP ĐÃ GIÚP TÔI CHIẾN THẮNG'' Khi sự nghiệp đạt đến đỉnh cao, cũng là lúc Andrew nhận được tin mình mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối.
''Đó là ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi'', Andrew Hunter – CEO của startup về tìm kiếm việc làm Adzuna nhớ lại thời điểm năm 2015. Khi đó, anh được chẩn đoán mắc bệnh ung thư hệ bạch huyết giai đoạn cuối, có tên khoa học là Hodgkin’s lymphoma. Thời điểm biết tin cũng là lúc đám cưới của anh sắp được tổ chức và startup Adzuna tròn 5 tuổi.
''Tôi bị sút cân nhanh chóng, cùng với những cơn ho và chứng đau lưng hành hạ. Lần đầu tiên, tôi phải trải qua những cuộc xạ trị tia X hay chụp cắt lớp. Không nhiều người có thể vượt qua ung thư giai đoạn cuối'', anh kể.
Ngay sau đó, Andrew phải tạm dừng mọi công việc với Adzuna, để tập trung vào ''công việc'' chính là trải qua các đợt hóa trị liệu trong bệnh viện.
Andrew (bên trái) và đồng sáng lập Doug.
Trước đó, vào năm 2011, Andrew và đồng sáng lập khác là Doug gây dựng Adzuna tại London. Ý tưởng bắt nguồn từ mong muốn xây dựng một website, nơi tập hợp các cơ hội việc làm và kết nối tới những người có nhu cầu tìm việc.
''Dựa trên nghiên cứu, tôi và Doug nhận thấy những người có nhu cầu tìm việc không được tiếp cận các thông tin về thị trường một cách tốt nhất. Tin tuyển dụng đăng tải rải rác trên các website việc làm, trang tuyển dụng của công ty... Chúng tôi muốn tạo ra một website tập hợp và kết nối tất cả các việc làm uy tín''.
Khi ý tưởng chín muồi, Andrew và Doug quyết định bỏ công việc hiện tại để cùng nhau sáng lập nên Adzuna. Sau một thời gian hoạt động hiệu quả, đội ngũ bắt đầu kêu gọi vốn đầu tư mạo hiểm.
Hai năm sau, vào năm 2013, công ty ký kết hợp đồng với chính phủ Anh, đánh dấu bước phát triển khi tham gia dự án xây dựng ứng dụng iPad cho thủ tướng David Cameron. Ứng dụng cung cấp giải pháp dữ liệu thời gian thực được đánh giá là mới nhất ở thời điểm bấy giờ, trên cả hai lĩnh vực việc làm và thị trường bất động sản. Adzuna còn tiếp tục mở rộng kinh doanh sang thị trường quốc tế.
Khi sự nghiệp đạt đến đỉnh cao, cũng là lúc Andrew phát hiện mình mắc bệnh ung thư vào năm 2015.
Trong thời gian điều trị tại bệnh viện, đồng sáng lập Doug đảm nhận công việc điều hành Adzuna. ''Tôi và Doug đã quen biết nhau được 14 năm và cùng nhau khởi nghiệp. Anh ấy đã đảm đương thêm công việc của tôi, làm việc 80 giờ mỗi tuần thay vì 60 tiếng như trước đây, cũng như truyền động lực cho các nhân viên của Adzuna'', vị CEO cho biết.
Tuy nhiên, tình hình sức khỏe của Andrew ngày càng tồi tệ. ''Cơ thể tôi như chống lại tất các biện pháp hóa trị liệu'', anh nhớ lại. Mùa hè năm 2016, các bác sỹ thông báo với Hunter về tình trạng không mấy khả quan của anh khi những cuộc điều trị dường như không cho kết quả.
Hunter vẫn không bỏ cuộc và kiên trì tìm kiếm những ''tia hy vọng'' khác. Tất cả các nhân viên của Adzuna nỗ lực kêu gọi ủng hộ từ Trung tâm nghiên cứu ung thư Mỹ (Cancer Research UK) và tổ chức các chương trình gây quỹ như đi bộ 100km.Và rồi ''phép màu'' xuất hiện với Nivolumab – loại thuốc giúp teo nhỏ các khối u và điều trị ung thư bằng phương pháp ghép tế bào gốc . Tuy nhiên, với mức giá đắt đỏ khoảng 4.000 EUR mỗi tuần điều trị, Andrew phải bán cổ phần của Adzuna để chi trả tiền.
Nhân viên Adzuna tổ chức nhiều hoạt động gây quỹ cho CEO.
Cuối năm 2016, Andrew tiến hành phẫu thuật sau khi tìm được người hiến tặng tế bào gốc phù hợp. Ca phẫu thuật thành công, giúp Hunter trở lại công việc vào mùa hè năm 2017.
''Tinh thần khởi nghiệp đã giúp tôi chiến thắng bệnh tật'', vị CEO 36 tuổi chia sẻ, sau 18 tháng điều trị và giờ đây đã thoát khỏi căn bệnh ung thư.
''Trong giới startup công nghệ, chúng tôi ví đó là cuộc chiến, như những giai đoạn đầu khởi nghiệp, khi không ai tin bạn sẽ làm được, hay hôm nay thành công, ngày mai tay trắng. Ý chí 'không đầu hàng' của một doanh nhân suốt những năm tháng gây dựng công ty là động lực để tôi chiến đấu với ung thư''.
''Vượt qua căn bệnh, bạn sẽ học được cách ưu tiên những thứ quan trọng, và nhìn cuộc sống theo cách hoàn toàn khác. Những điều nhỏ nhặt thường làm tôi cáu bẳn, như tắc đường, kẹt xe…giờ không còn khiến tôi phiền lòng nữa'', Andrew chia sẻ. Anh tận dụng mọi thời gian có được để hiện thực hóa những ý định của mình.
''Điều tuyệt vời là ngay cả khi vắng bóng suốt thời gian dài, công ty vẫn đạt được sự tăng trưởng vượt bậc'', anh cười lớn. ''Đầu tiên, tôi nghĩ có lẽ vai trò của mình là không cần thiết. Và tôi nhận ra, sự thực là mình đã tuyển được những cộng sự tuyệt vời thay tôi vững vàng chèo lái con thuyền", vị CEO tâm sự.
Hiện tại, Adzuna có 60 nhân viên với trụ sở tại London. Công ty đem lại doanh thu 12 triệu EUR mỗi năm, mang đến cơ hội việc làm từ 16 quốc gia trên thế giới, với 7 triệu thành viên đăng ký trên website. Adzuna được hai đồng sáng lập mô tả là '''mang sứ mệnh cộng đồng, giúp mọi người gây dựng sự nghiệp với công nghệ''. Không chỉ tổng hợp danh sách việc làm, nền tảng còn phân tích, cung cấp dữ liệu thời gian thực về thị trường tuyển dụng.
Phạm Vân(Theo BBC, Telegraph)
CEO CÔNG NGHỆ TRỨ DANH STEVE JOBS Steve Jobs có một câu nói ưa thích trích từ cầu thủ khúc côn cầu nổi tiếng: "Tôi luôn lao đến những nơi quả bóng sắp sửa đến, không phải nơi nó vừa ở đó".
1. Thiên tài máy tính
Steve Jobs được ca ngợi đã giúp toàn thế giới thay đổi định nghĩa về phương pháp tiếp cận, cách nhìn và cảm xúc đối với máy tính cá nhân. Ông cũng là một trong những người đi tiên phong phát hiện ra tiềm năng thương mại to lớn của giao diện đồ họa, ứng dụng hệ thống điều khiển chuột và click, vốn trở nên phổ biến và xuất hiện trong hầu hết máy tính để bàn ngày nay. Bốn thập kỷ lao động và cống hiến của Steve Jobs đã đem lại cho người dùng toàn cầu những sản phẩm công nghệ mang tính đột phá, giúp định hình lại ngành công nghiệp công nghệ cao. Ảnh:Corbis
2. Người bạn đồng hành đầu tiên
Người đồng hành đầu tiên của Steve Jobs là Steve Wozniak, ông gặp khi đang đi làm thêm tại công ty Hewlett-Packard (HP) thời trung học. Kết thúc trung học, Jobs đăng ký vào trường Reed College nhưng nhanh chóng bỏ ngang chỉ sau có một học kỳ. Đam mê với máy tính vẫn cháy bỏng trong ông, đưa Steve Jobs đến với thung lũng công nghệ Silicon Valley vào 1974. Tại đây, Steve Jobs vui mừng gặp lại người bạn Wozniak khi cả hai cùng tham gia một câu lạc bộ máy tính. Đến 1976, họ chung tay lập ra quả táo Apple, đặt nền móng đầu tiên cho người khổng lồ trong ngành công nghệ thế giới sau này. Ảnh:Time
3. Cuộc cách mạng trong một chiếc hộp
Đây là thế hệ máy tính Apple đầu tiên, chiếc Apple 1 được bán với giá 666,66 USD trong quầy máy tính của trung tâm thương mại Bay Area. Chiếc máy tính này chỉ bao gồm một bộ điều khiển và quyển sách hướng dẫn dài 16 trang. Để có thể sử dụng được, người dùng cần có nguồn điện, bàn phím và tất nhiên phải mua thêm cả màn hình. Ảnh:Apple
4. Chân dung một nhà doanh nhân trẻ
Lợi thế của Steve Jobs là năng khiếu kỹ thuật thiên tài đi cùng với kỹ năng bán hàng chuyên nghiệp. Tuy nhiên, tính cách luôn kiên định với những lý tưởng và sản phẩm của mình khiến Steve Jobs không ít lần xung đột với đồng nghiệp và dư luận. Từ đó, ông càng nổi tiếng là một nhà quản lý “khó chơi” và có phần dữ dội. Ảnh:Dailytech
5. Thử thách
Đến năm1983, Jobs mạnh tay chi tiền để lôi kéo Chủ tịch của hãng đồ uống Pepsi (ở giữa) để về tham gia xây dựng đế chế Apple cùng với ông và Wozniak. Tuy nhiên, mối quan hệ đồng nghiệp thân tình giữa ba bên nhanh chóng xấu đi. Không may, đó cũng là thời kỳ ngành công nghệ gặp khủng hoảng về doanh số khiến các công ty phải cân nhắc bài toán sa thải nhân công. Tại Apple, người bị sa thải lại chính là Steve Jobs, 9 năm sau ngày ông góp phần đặt viên gạch đầu tiên xây dựng hãng. Ảnh:Corbis
6. NeXT
Với Steve Jobs, việc rời khỏi Apple chỉ càng làm bùng thêm khao khát làm cuộc cách mạng ngành máy tính cá nhân thế giới. Ông vạch ra ngay dự án công ty NeXT Computer. Ngay cái tên cũng thể hiện rõ tham vọng của Steve Jobs về một thế hệ máy tính mới với những ý tưởng đột phá. Máy tính của ông được trang bị những công nghệ tiên tiến nhất thời đó như giao diện đồ họa mới nhất, cổng Ethernet được tích hợp bên trong và nhiều sản phẩm công nghệ cao khác. Máy tính của Jobs được đánh giá là quá đắt đỏ để có thể trở nên phổ biến trên thị trường. Mặc dù vậy, sản phẩm của Steve Jobs đã tạo ra những ảnh hưởng to lớn đối với các thế hệ máy tính tiếp theo. Ảnh:Corbis
7. Trở lại Apple
Sau khi mất Jobs, Apple mới thấm thía tầm quan trọng của ông khi công việc kinh doanh liên tục đi xuống. Thậm chí hồi giữa những năm 1990, Apple lâm vào thảm cảnh ngấp nghé vực phá sản. Apple biết rằng chỉ có thể đưa Steve Jobs quay trở lại mới có cơ may phục hồi. Để hợp thức hóa việc này, năm 1996, Apple tuyên bố họ mua NeXT Computer với giá 429 triệu USD. Đến năm 1998, hội đồng quản trị của Apple không cần đợi được đề nghị đến lần thứ 2, đã nhất trí đưa Steve Jobs lên làm CEO. Ảnh:Corbis
8. Công việc của Jobs
Có được Jobs, Apple cũng có thêm những công nghệ hiện đại của sản phẩm máy tính NeXT, vốn tạo tiền đề cho những thế hệ sản phẩm sau này. Những năm tiếp theo kể từ khi được nhìn nhận, Steve Jobs đã khôi phục được danh tiếng cho Apple bằn những sản phẩm lừng danh như máy tính iMac. Ngoài ra, năng khiếu kinh doanh thiên bẩm của Steve Jobs đã đưa cái tên Apple trở nên quen thuộc với mọi tín đồ công nghệ. Nhờ Jobs, Apple có được được hệ thống nhận diện thương hiệu chuyên nghiệp và hệ thống bán lẻ chỉ bán duy nhất sản phẩm của Apple. Ảnh:Corbis
9. Hoạt hình
Trong những năm rời xa Apple, Steve Jobs cũng đã kịp mua lại và phát triển một xương chế tạo phim hoạt hình mang tên Pixar. Dưới bàn tay của Steve Jobs, Pixar nhanh chóng trở nên nổi tiếng ngay từ bộ phim đầu tiên của ông, Câu chuyện Đồ chơi (Toy Story), ra mắt năm 1995. Bộ phim này mang về 360 triệu USD và lập tức đưa Pixar lên hạng sao trong số những nhà làm phim của Hollywood. Kể từ đó, Pixar được đà tiến lên với những bộ phim thành công nối tiếp nhau ra đời như Đi tìm Nemo (Finding Nemo), Vương quốc Xe hơi (Cars), Wall-E, và gần đây nhất là Vút bay (Up). Năm 2006, hãng Disney nhận thấy không thể ngồi yên trước sức cạnh tranh của Pixar, quyết định mua lại hãng hoạt hình. Vụ mua bán không những đem lại cho Steve Jobs 7,4 tỷ USD, mà còn đưa ông vào hội đồng quản trị Disney và sở hữu hơn một nửa cổ phiếu của Pixar. Ảnh:Corbis
10. Rock and Roll
Năm 2001, Jobs giới thiệu ra công chúng chiếc máy nghe nhạc iPod. Cho dù sản phẩm này không sử dụng những công nghệ quá tiên tiến so với các hãng khác, iPod vẫn ngay lập tức gây được tiếng vang lớn. Người hâm mộ iPod yêu chiếc máy nghe nhạc ở thiết kế đột phá và tính thân thiện, dễ sử dụng. Không những thế, iPod còn được thiết kế để kết nối với iTunes, kho âm nhạc trực tuyến khổng lồ của Apple. Cách làm này của Apple đã gây ảnh hưởng và thay đổi bộ mặt của ngành âm nhạc toàn cầu. Sản phẩm này thành công đến nỗi năm 2007, khảo sát của Bloomberg cho thấy iPod chiếm tới 72,7% thị phần sản phẩm nghe nhạc tại Mỹ. Tính đến tháng 9/2009, đã có tổng cộng 220 triệu chiếc iPod được bán ra trên toàn cầu. Ảnh:Reuters
11. iPhone
Đến năm 2007, sau khi thống lĩnh và thay đổi cục diện của thị trường máy tính xách tay, ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu, Apple chính thức lấn sân sang ngành truyền thông đa phương tiện. Đây là năm ông công bố chiếc iPhone, sau khi cố tình để rò rỉ thông tin một thời gian dài trước đó. Vào tháng 6/2007, iPhone ra đời và lập tức gây sốt khi 6 triệu chiếc được mua hết veo chỉ sau một thời gian ngắn. Sức nóng dành cho sản phẩm này vẫn không hề giảm trong nhiều năm tiếp theo. Ảnh:AFP
12. Sản phẩm mới nhất
Tháng 1/2010, Jobs chính thức tuyên bố Apple sắp sửa cho ra mắt dòng máy tính bảng mới. Với chức năng và giao diện gần giống chiếc iPhone, sản phẩm iPad có màn hình rộng hơn và người dùng có thể dùng nó như một quyển sách điện tử, máy chơi games và màn hình xem phim tiện dụng. Hôm nay sẽ là ngày iPad chính thức ra mắt người dùng tại Mỹ nhưng sức nóng của sản phẩm đã tăng lên từng ngày ngày kể từ khi được công bố. Nhiều khách hàng xếp hàng chầu chực sẵn tại các điểm bán từ vài ngày trước để ít tiếng đồng hồ nữa, sẽ trở thành một trong những người đầu tiên sở hữu sản phẩm mới nhất của Apple. Ảnh: Geek.com
STARTUP NƯỚC CHANH CỦA CÔ BÉ 13 TUỔI Ở tuổi 13, Mikaila Ulmer là một trong những chủ doanh nghiệp trẻ nhất nước Mỹ, hiện điều hành công ty nước chanh Me & The Bees Lemonade.
Sản phẩm nước chanh mật ong Me & the Bees Lemonade hiện được phân phối tại 500 cửa hàng khắp nước Mỹ. Người đứng đầu thương hiệu này là Mikaila Ulmer - cô bé 13 tuổi đang vừa học vừa làm, bận rộn với các hội thảo về khởi nghiệp.
''Thật không dễ khi phải làm nhiều việc cùng lúc. Có lúc em phải nghỉ học để tham gia phỏng vấn hay chương trình TV, và ngược lại, bỏ lỡ một buổi lên hình vì kỳ thi trên lớp'', CEO 13 tuổi chia sẻ.
Mikaila được ghi nhận là một trong các chủ doanh nghiệp trẻ tuổi nhất tại Mỹ. Công ty của em đạt doanh số 360.000 chai nước chanh bán ra mỗi năm, có mặt tại nhiều chuỗi siêu thị lớn như Whole Foods Market.
Mikaila Ulmer là sáng lập, CEO của thương hiệu nước chanh Me & the Bees Lemonade từ năm 9 tuổi.
Vị CEO nhỏ tuổi sớm bộc lộ tài kinh doanh với công việc bán nước chanh phụ gia đình từ năm 2009. Cửa hàng lúc đó đơn giản chỉ gồm một chiếc bàn nhỏ để cô bé bày biện những chai nước chanh nhà làm. Sản phẩm đặc biệt ở chỗ, nó được pha chế theo công thức những năm 1940 từ bà ngoại của Mikaila.
''Gia đình luôn rèn luyện cho em tính tự lập và trân trọng giá trị lao động. Nếu muốn mua đồ chơi, em phải tự kiếm tiền bằng việc bán nước chanh hay làm việc nhà. Đó là nền tảng để em có thể điều hành công ty, khi phải chủ động làm nhiều việc'', Mikaila kể.
Nguyên liệu pha chế nước chanh Me & the Bees Lemonade có chứa mật ong, nguyên nhân khiến Mikaila không ít lần bị ong đốt khi đang bán hàng. Phớt lờ lời khuyên của mẹ rằng hãy tránh xa đàn ong, cô bé càng gần gũi, tìm hiểu kỹ về đặc điểm, vai trò của loài vật này. Đó là lý do khi Bees Lemonade phát triển, Mikaila luôn trích 10% lợi nhuận để đóng góp cho các tổ chức bảo vệ loài ong.
Khi những chai nước chanh do Mikaila bán được nhiều khách hàng yêu thích, cũng là lúc cô bé hỏi bố mẹ, vốn là dân kinh doanh về cách thức làm thương hiệu, logo, xây dựng bộ máy sản xuất và đưa sản phẩm tới các cửa hàng. ''Tất cả các thành viên trong gia đình đều đóng vai trò là đồng sáng lập, có quyền đưa ra quyết định trong các hoạt động kinh doanh", cô cho biết.
Bước ngoặt quan trọng của Me & The Bees Lemonade là vào năm 2015, công ty ký hợp đồng làm đối tác phân phối sản phẩm với Whole Foods Market. Mikaila lúc đó mới 9 tuổi.
Cuối năm 2015, tên tuổi Mikaila được phủ sóng rộng rãi và trở thành ''hiện tượng'' ở Mỹ khi cô bé xuất hiện trong chương trình Shark Tank. Màn thuyết trình gọi vốn của Mikaila đã thuyết phục các nhà đầu tư, mà một trong số đó, là Daymond John. Người đứng đầu công ty thời trang FUBU đã quyết định đầu tư cho startup với số tiền 60.000 USD.
Chia sẻ về sự kiện này, Kimaila cho hay: ''Em nhận thấy việc tìm được người đồng hành, một cố vấn rất quan trọng cho sự phát triển của công ty. Ngoài ra, khi chứng minh được sứ mệnh và tầm ảnh hưởng tới xã hội của doanh nghiệp, thì sản phẩm sẽ nhanh chóng được cộng đồng đón nhận''.
''Mikaila và công ty của cô bé làm chúng tôi ấn tượng. Sản phẩm của họ độc đáo và có hương vị riêng, cùng với đó là đam mê và trách nhiệm của cô bé CEO'', đại diện Whole Foods Market cho biết.
Nước chanh thương hiệu Me & the Bees Lemonade hiện có bốn vị, đều có thành phần gồm mật ong.
Mikaila tiếp tục giành nhiều giải thưởng về khởi nghiệp trẻ. Cô bé từng nhiều lần viếng thăm Nhà Trắng và được cựu tổng thống Barack Obama dành lời khen tặng.
''Em đang có rất nhiều dự định, nhưng như cha vẫn nói, hãy đi từng bước và hoàn thiện những mục tiêu nhỏ'', CEO chia sẻ trong hội nghị khởi nghiệp cho phụ nữ, được tổ chức bởi United Nations vào năm ngoái.
Đầu năm 2017, Mikaila còn sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Healthy Hive Foundation nhằm bảo tồn loài ong mật khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Geoffrey Soares, chủ của tập đoàn Summit Beverage, đồng thời là đơn vị cung cấp chai đóng hộp cho Me & The Bees Lemonade, cho rằng Mikaila là một đại sứ thương hiệu tuyệt vời. ''Sản phẩm của bạn có thể tốt, nhưng nếu không có một câu chuyện thú vị, thì thương hiệu của bạn cũng khó được công chúng biết tới. Đó là sự thật trong ngành công nghiệp đầy cạnh tranh này'', ông nhận định.
Mikaila vẫn đang ấp ủ kế hoạch mở rộng kinh doanh. ''Em rất thích cảm giác tự mình sáng tạo ra tên, logo mới'', cô chia sẻ, nhưng dự định trước mắt sẽ vẫn tập trung cho cả việc học.
Trong 5 tới 10 năm tới, Mikaila cho biết, cô bé mong muốn ra mắt thêm nhiều sản phẩm nước chanh với hương vị khác nhau, đồng thời mở rộng thị trường quốc tế.
Nói về khởi nghiệp, CEO 13 tuổi tâm sự: ''Không bao giờ là quá vội để nuôi ước mơ khởi nghiệp. Em bắt đầu bán những chai nước chanh đầu tiên vào năm bốn tuổi để phụ giúp gia đình. Đó cũng là kinh doanh. Những ý tưởng sẽ lớn dần từ đó''.
Phạm Vân(Theo BBC, CNBC)
TỪ NHÂN VIÊN BÁN HÀNG ĐẾN ÔNG CHỦ CÂU LẠC BỘ BÓNG ĐÁ Flavio Augusto da Silva khởi nghiệp bằng khoản vay, trở thành ông chủ chuỗi trường dạy ngoại ngữ và nắm phần lớn cổ phiếu câu lạc bộ Orlando City, Mỹ.
Năm 1991, tại Rio de Janeiro, Brazil, chàng trai 19 tuổi Flavio Augusto da Silva tìm được công việc bán hàng qua điện thoại cho trường dạy tiếng Anh. Vị trí này không yêu cầu phải đến văn phòng và công ty muốn ông làm việc ở nhà. Tuy nhiên, nhà Augusto lại không có đầu dây điện thoại riêng - một thứ xa xỉ ở Brazil vào thời điểm ấy. Bố mẹ ông không thể trả nổi mức phí dịch vụ tương đương 272 USD. Và dù có đủ tiền, họ cũng phải nằm ở danh sách chờ trong hai năm.
Augusto phải nghĩ cách khác hoặc thời gian làm việc của ông sẽ không kéo dài quá lâu. Giải pháp là dùng điện thoại công cộng tại sân bay Santos Dumont ở Rio de Janeiro.
Khi làm công việc bán hàng, ông sớm nhận ra mình giỏi ở lĩnh vực này, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn khi trao đổi qua điện thoại giữa không gian ồn ào của sân bay. Từ một nhân viên bình thường, ông nhanh chóng được cất nhấc lên vị trí giám đốc thương mại. Bốn năm sau, khi cảm thấy thời điểm đã chín mùi, Augusto tự mở một trường dạy tiếng Anh của riêng mình.
“Tôi thấy đã sẵn sàng vì công ty đang làm việc không muốn đầu tư để cải thiện chất lượng các khóa học. Tôi hiểu rất rõ sản phẩm này và biết mình có thể làm được”, doanh nhân sinh năm 1972 nhớ lại.
Tuy nhiên, Augusto đối diện với hai vấn đề cấp thiết. Mặc dù rất giỏi bán các khóa dạy tiếng Anh, nhưng không am hiểu ngôn ngữ này. Vì vậy sẽ rất khó cho ông trong việc đưa ra các bài học thực tế. Thứ hai, Augusto không thể vay ngân hàng và phải mở công ty dựa vào khoản thấu chi 20.000 USD với lãi suất cao.
Ông thuê 18 người có kỹ năng tiếng Anh để phát triển các bài giảng, phương pháp học và tin sẽ có đủ người đăng ký khóa học, giúp ông không phá sản chỉ trong vài tháng.
Triệu phú Brazil Flavio Augusto da Silva. Ảnh:Agência O Globo.
Với Wise Up, Augusto tập trung vào việc thu hút nhiều dạng khách hàng ở Brazil. Trong thời điểm ấy, hầu hết các ngôi trường tai đây đều chỉ tập trung vào trẻ em và những người đi du lịch nước ngoài trong các kỳ nghỉ. Thay vào đó, ông muốn phát triển khóa học cho người lớn - những ai cần học và nâng cao tiếng Anh để đáp ứng thị trường việc làm tại quốc gia này.
“Có rất nhiều công ty quốc tế đã cập bến Brazil vào năm ấy, vì thế tiếng Anh trở thành nhu cầu trong quá trình tuyển dụng”, ông phân tích.
Sự suy đoán của Augusto đã đúng. Dù bối cảnh kinh tế chung khó khăn với chỉ số lạm phát năm 1995 lên đến 148%, 1.000 người đã đăng ký khóa học đầu tiên của Wise Up ở thủ đô Rio trong năm đầu tiên. Đến 1998 có 24 ngôi trường khắp Brazil với 1.000 nhân viên.
Hai năm sau, thương hiệu bắt đầu mở rộng nhanh hơn sau khi chấp nhận hình thức nhượng quyền thương hiệu. Cho đến 2012, đã có 400 ngôi trường Wise Up khắp xứ sở của vũ điệu samba. Đó là lúc Augusto nghĩ sứ mệnh của ông tại công ty đã hoàn thành.
“Là một doanh nhân, tôi nhìn nhận bản thân như một nhà xây dựng. Tôi muốn tạo nên một dự án thành công và sau đó bước vào những thử thách khác”. Năm ấy, ông quyết định bán Wise Up với giá 480 triệu USD cho tập đoàn truyền thông Grupo Abril.
Thử thách tiếp theo mà Augusto lựa chọn là bóng đá, nhưng không phải trong vai trò cầu thủ. Năm 2013, ông mua số lượng lớn cổ phiếu ở câu lạc bộ Orlando City tại Mỹ với giá 120 triệu USD một thời gian ngắn trước khi họ tham gia giải bóng đá nhà nghề Mỹ (MLS).
Trong những năm trở lại đây, giải đấu này bắt đầu được quan tâm nhiều hơn, kéo theo giá trị của đội bóng tăng vọt, hiện ước tính đạt 490 triệu USD, trở thành một trong những đội bóng giàu nhất tại MLS. Một trong những lý do chính mà Augusto chọn thành phố Orlando vì đây là điểm đến du lịch nước ngoài được người Brazil ưa chuộng.
Flavio Augusto da Silva cùng ngôi sao bóng đá Kaka. Ảnh:Orlando Magazine.
Năm 2015, Wise Up gặp khó khăn và Grupo Abril đã bán lại công ty cho Augusto với giá 107 triệu USD. Với sự dẫn dắt của vị doanh nhân giàu kinh nghiệm, thương hiệu này tiếp tục mở rộng một lần nữa, hiện có 440 cơ sở khắp Brazil, Argentina, Colombia và Mexico, dưới tập đoàn mẹ Wiser Education. Augusto nói ông muốn tăng con số này lên 1.000 vào 2020 nên chưa có ý định lần thứ hai rời vị trí điều hành.
Giờ đây, doanh thu hằng năm của thương hiệu ước tính 113 triệu USD và tài sản cá nhân của Augusto ước đoán khoảng 700 triệu USD. “Không nghi ngờ gì, tôi đã tìm ra bước ngoặt cuộc đời ở sân bay”, người đàn ông 46 tuổi nói.
Nhà phân tích kinh doanh người Brazil Ricard Motta cho rằng Augusto có được danh tiếng hôm nay vì ông là một doanh nhân táo bạo, người có thể mở rộng công ty một cách nhanh chóng vì lên kế hoạch rõ ràng cho từng bước đi của mình.
Dù hiện giờ vô cùng bận rộn cùng trường dạy ngôn ngữ và câu lạc bộ bóng đá, doanh nhân vẫn thường xuyên cập nhật blog online có tên “Valuation Generation” nhằm đưa những lời khuyên và khuyến khích những người trẻ muốn trở thành doanh nhân.
“Mọi người đều có thể làm được điều mình muốn. Tôi không thấy mình giỏi hơn bất cứ ai, điều quan trọng là học hỏi cách làm để thành công”, Augusto đút kết chặng đường đã qua.
Trương Sanh(theoBBC)
TRIẾT LÝ KHÔNG DỪNG BƯỚC TRƯỚC THỬ THÁCH KHỞI NGHIỆP CỦA CEO KKDAY Hai lần điêu đứng vì bong bóng dotcom và đại dịch, Ming Chen không từ bỏ và hiện điều hành nền tảng du lịch nổi tiếng châu Á.
Thành lập năm 2014, KKday là website du lịch cho phép khách hàng tìm kiếm các hành trình và trải nghiệm khác nhau tại mỗi điểm đến, từ việc tham quan các điểm du lịch nổi tiếng đến trải nghiệm những môn thể thao mạo hiểm. Startup này là một trong những nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu tại châu Á, nhận vốn từ nhiều quỹ đầu tư uy tín.
TheoTaiwan Today, sự thành công của công ty có một phần không nhỏ đến từ sự dẫn dắt của vị CEO với 17 năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp du lịch và đã bước qua nhiều thử thách của thị trường.
Ming Chen từng nhiều lần đối mặt khó khăn khi khởi nghiệp. Năm 2000, ông từ bỏ công việc với mức lương ổn định để trở thành nhà đồng sáng lập công ty du lịch ezTravel Co. Việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn vào thời thời điểm bong bóng dotcom tan vỡ. Ba năm sau, ông tham gia sáng lập Startravel, nhưng điêu đứng lần nữa vì đại dịch SARS bùng phát.
Trong suốt khoảng thời gian khó khăn, Chen luôn đề cao triết lý "Bình tĩnh và chờ đợi khi cơ hội đến", cũng như "Không từ bỏ khi đối mặt với thử thách". Ông nhìn nhận: "Tình hình kinh tế không tốt luôn là cơ hội để các công ty phát triển chậm lại và chuẩn bị cho sự bùng nổ trong tương lai".
Khi toàn bộ thị trường du lịch điêu đứng bởi đại dịch SARS, Startravel đã không lùi bước. Ming Chen và ban lãnh đạo bắt đầu liên kết với các công ty hàng đầu mà họ từng không thể hợp tác. Bước đi thứ hai là tập trung thúc đẩy hệ thống trực tuyến. "Khi Đài Loan được loại ra khỏi danh sách vùng nhiễm dịch của WHO, chúng tôi có thể sẵn sàng phát triển trở lại", Ming Chen cho biết.
Đúng như dự đoán, dịch SARS qua đi và số lượng người du lịch nước ngoài tăng lên, dẫn đến sự hồi sinh của ngành. Sau đó, Startravel chỉ mất thêm ba năm để có thể hoạt động mang về lợi nhuận và đến năm 2008, công ty này IPO thành công.
Ming Chen, đồng sáng lập và CEO của KKday là một huyền thoại trong ngày công nghiệp du lịch Đài Loan. Ảnh:KKday
Đến năm 2010, Chen mua lại ezTravel Corp. và trở thành tổng giám đốc. Ông chuyển định hướng của công ty từ tập trung bán vé máy bay nội địa sang giao dịch vé quốc tế. Công ty này cũng IPO thành công vào năm 2013.
Trong lĩnh vực du lịch, Ming Chen sớm nhận ra sự phát triển tiềm năng của các hãng hàng không giá rẻ, các trang đặt phòng trực tuyến như Agoda, Airbnb...cũng như sở thích du lịch tự túc của khách hàng. Ngoài ra, thị trường tour du lịch trải nghiệm ở các quốc gia châu Á là lĩnh vực vẫn chưa phát triển. Quyết định nắm lấy cơ hội, Ming Chen cùng các nhà sáng lập đã bắt tay xây dựng nền tảng cho thuê tour du lịch trực tuyến với cách vận hành giống như các website thuê phòng.
Chen hiểu rằng tương lai của lĩnh vực thương mại điện tử phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu phát triển công ty, tất cả chiến lược hoạt động đều được triển khai trên phạm vi quốc tế. Cái tên KKday cũng được đặt trên cơ sở đó. Ông muốn một cái tên để những người nói ngôn ngữ khác nhau cũng có thể nhớ một cách dễ dàng.
"Chữ 'K' có cách phát âm giống từ 'ca' trong 'casual' (thân thuộc), đó cũng là cảm giác mà chúng tôi muốn khách hàng được cảm nhận trong suốt hành trình khi sử dụng dịch vụ của KKday", Ming Chen cho biết.
Ngay cả việc gọi vốn cho công ty, ông luôn tìm kiếm nguồn đầu tư từ các công ty nước ngoài. KKday từng nhận được 4,5 triệu USD trong vòng gọi vốn đầu tiên vào năm 2016 và thêm 7 triệu USD vào năm 2017. Phần lớn các nhà đầu tư đều xuất phát từ Hong Kong và Singapore.
KKday luôn tạo điều kiện để những người trẻ thử sức phát triển bản thân. Ảnh:Travhq
Nền tảng du lịch trực tuyến này mới đây cũng nhận được vốn đầu tư của Alibaba Entrepreneurs Fund - tổ chức phi lợi nhuận của tập đoàn Alibaba, hỗ trợ các doanh nhân thế hệ trẻ của Đài Loan và Hong Kong. Alibaba rót vốn KKday chỉ 5 tháng sau khi công ty khởi nghiệp này nhận số tiền đầu tư 10,5 triệu USD từ H.I.S – một công ty du lịch của Nhật bản và quỹ đầu tư mạo hiểm MindWorks Venture.
Sau bốn năm hoạt động, công ty hiện cung cấp các lựa chọn du lịch giá rẻ tại hơn 500 thành phố trên thế giới với 6.000 tour du lịch địa phương. Công ty có kế hoạch mở rộng phát triển để chiếm lĩnh thị phần trong ngành công nghiệp du lịch và lữ hành toàn cầu được định giá 135 tỷ USD và có thể nâng lên 185 tỷ USD vào năm 2020.
Vi Vũ(Theo Taiwan Today)
CEO- DOANH NHÂN TUỔI 24 TỪNG TRƯỢT THI VÌ MÊ KHỞI NGHIỆP Hành trình khởi nghiệp đến trở thành nhà đầu tư ở các thị trường quốc tế của Rishabh bắt đầu từ năm 17 tuổi.
Ở tuổi 17, khi hầu hết bạn bè cùng trang lứa đang đứng trước lựa chọn ngành học, trường học cho tương lai thì Rishabh Lawania chọn lối rẽ khác biệt. Xuất thân từ tầng lớp trung lưu, được truyền cảm hứng từ câu chuyện thành công không bằng cấp của Steve Jobs và Bill Gates, Rishabh quyết định khởi nghiệp vào năm 2010, khi mới là học sinh lớp 12, với startup về tổ chức sự kiện có tên Rad Carpet.
Công việc bận rộn khiến Rishabh không thể thu xếp thời gian cho việc học. Kết quả là, anh trượt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Tạm gác lại sự nghiệp học hành, Rishabh dồn toàn tâm trí cho ''đứa con'' đầu tay, tổ chức thành công hơn 70 chương trình khuyến mãi, khai trương, hợp tác…phủ sóng khắp Delhi-NCR và Jaipur.
Rishabh từng trượt tốt nghiệp phổ thông và khởi nghiệp năm 17 tuổi.
Đi lên từ bàn tay trắng, vị CEO 17 tuổi rất chú trọng tới xây dựng mạng lưới quan hệ, tìm kiếm và tạo dựng tập khách hàng thân thiết ở quanh khu vực. Startup về tổ chức sự kiện này cũng là bước đệm đưa anh đến công ty thứ 2, được thành lập năm 2013. Dù không đạt được thành công nhất định như startup đầu tay, startup được anh nhắc đến như ''một bài học đắt giá nhất''.
''Chẳng ai tin là tôi có khả năng khởi nghiệp ở tuổi đó, nhất là với một startup về công nghệ, vì tôi không có nền tảng gì trong lĩnh vực này'', vị CEO trẻ cho hay. JustGetIT là một công ty logistic, kết nối chủ cửa hàng tạp hóa và nhà phân phối, cung cấp dịch vụ giao hàng tận nơi. Mặc dù chỉ hoạt động trong vòng 7 tháng, JustGetIT đã xây dựng được mạng lưới với 30 chủ shop và nhà cung cấp, giúp tối đa doanh thu của các cửa hàng trong khu vực. Thất bại cũng đem đến cho Rishabh bài học thấm thía về tầm quan trọng của việc hiểu rõ thị trường và nguồn vốn dự phòng – những yếu tố được anh cho là nguyên nhân khiến startup thứ 2 phải đóng cửa.
''Thị trường lúc đó khá tiềm năng khi công nghệ hyperlocal (xác định mối quan tâm người dùng theo vị trí địa lý) mới manh nha và bắt đầu nở rộ tại Ấn Độ. Những năm 2013-2014, Grofers và BigBasket là những cái tên phổ biến, nhận được nguồn vốn đầu tư rất lớn. Dù JustGetIT cũng là một trong các giải pháp tiên phong ở thời điểm đó, chúng tôi đã không xây dựng được một hệ thống vận hành hiệu quả", Rishabh nhớ lại.
Dù trải qua nhiều lần thất bại, nhưng CEO trẻ luôn cho rằng đó là những bài học đắt giá.
Sau JustGetIT, Rishabh tiếp tục khởi nghiệp với 2 startup khác là Xeler8 và WeeTracker.
''Trong suốt những năm tháng khởi nghiệp, từ lĩnh vực tổ chức sự kiện đến công nghệ, tôi nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ. Tôi luôn cố gắng kết giao với các doanh nhân, nhà đầu tư và học hỏi cách thức họ khởi nghiệp'', CEO cho hay.
Anh cũng chia sẻ: ''Mặc dù các chính sách kêu gọi vốn tại Ấn Độ khá thông thoáng vào thời điểm đó, nhưng cũng như tôi, có nhiều nhà khởi nghiệp khác không xác định được cách đi đúng đắn''.
Đó là lý do Rishabh thành lập Xeler8 năm 2015, được anh đánh giá là sự đầu tư thành công nhất của mình. Với Xeler8, CEO xây dựng nên một nền tảng nghiên cứu và tìm kiếm thương vụ đầu tư, cung cấp giải pháp theo dõi, phân tích và nâng đỡ các startup tiềm năng cần hỗ trợ.
Xeler8 quy tụ mạng lưới các công ty khởi nghiệp khắp Ấn Độ thuộc gần 50 lĩnh vực, ngành hàng. Startup này sau đó đã được mua lại bởi ZDream với số tiền chưa được tiết lộ. Zdream là một vườn ươm khởi nghiệp tại Gurugram. Tại thời điểm sáp nhập, Xeler8 có 35 – 38 đối tác gồm các công ty, quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư thiên thần cùng rất nhiều startup lớn khác.
Chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp từ Xeler8, Rishabh cho hay: ''Đây là công ty thứ 3 của tôi. Xây dựng một nền tảng giao dịch B2B thực sự khó khăn vì bạn là đầu mối trung gian then chốt, không như việc bán các sản phẩm công nghệ trực tiếp tới người tiêu dùng. Đội ngũ của tôi không có quá nhiều nhân lực. Ở thời điểm được mua lại, chúng tôi cũng chỉ có 13-14 thành viên''.
Cùng với thương vụ mua bán này, Rishabh chính thức gia nhập quỹ đầu tư ZDream với vai trò là tổng giám đốc điều hành và giám đốc đầu tư. Chặng đường khởi nghiệp từ khi 17 tuổi đã đem đến cho CEO trẻ sự hiểu biết về hệ sinh thái khởi nghiệp ở các thị trường đa dạng như Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản.
Sứ mệnh của ZDream là ươm mầm và nuôi dưỡng các startup trong khu vực với 3 giai đoạn: hình thành, huấn luyện và đầu tư. Phần lớn các startup hoạt động trong lĩnh vực fintech, nông nghiệp ứng dụng công nghệ, thủy lợi, công nghệ xử lý nước thải...
''Chúng tôi đang cố gắng tạo dựng và kết nối mạng lưới các mentor, doanh nhân và giám đốc sản phẩm trên khắp khu vực Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản'', CEO cho biết.
Cùng ZDream, Rishabh cũng thành lập một startup truyền thông trong lĩnh vực công nghệ dành riêng cho hệ sinh thái khởi nghiệp tại châu Phi, đã được khởi chạy vào đầu năm nay. Từ một doanh nhân khởi nghiệp, Rishabh hiện giữ vai trò là nhà đầu tư mạo hiểm ở các thị trường quốc tế.
Phạm Vân(Theo Yourstory, Mensxp)
CEO- GÂY DỰNG CÔNG TY NỮ TRANG TỶ USD CHỈ TỪ 500 USD Kendra Scott xây dựng công ty mang tên mình với giá trị tỷ USD và bản thân trở thành triệu phú, dù nguồn vốn ban đầu có 500 USD.
Trên chiếc giường tại ngôi nhà ở Austin (Texas, Mỹ), Kendra Scott đếm từng ngày đợi sinh đứa con đầu lòng và tranh thủ thời gian thiết kế nữ trang. Đó là những ngày của năm 2002, người phụ nữ 28 tuổi chỉ có 500 USD tiền tiết kiệm để bắt đầu việc kinh doanh.
Sau khi con trai chào đời, cô quyết định bước ra ngoài để bán những chiếc bông tai và nhiều món đồ khác. “Mẹ con tôi rong ruổi đến khắp các cửa hàng ở Austin bán sản phẩm và tất cả đều được mua hết trong ngày đầu tiên”, cô nhớ lại. Kể từ đó, bà mẹ 7x đã có công việc kinh doanh của riêng mình.
Giờ đây, công ty lấy chính tên Kendra Scott có giá trị trên một tỷ USD và tài sản cá nhân của cô ước tính 500 triệu USD. Năm 2017, Scott xếp thứ 36 trong danh sách những nữ doanh nhân tự nhân giàu nhất nước Mỹ của tạp chíForbes, trên cả các ca sĩ ngôi sao như Taylor Swift và Beyonce.
Sinh ra và lớn lên ở bang Wisconsin, Scott từng học tại Đại học Texas nhưng nghỉ chỉ sau một năm và chuyển đến Austin, thành phố thủ đô của Texas. Sau đó, cô dành hai năm gầy dựng công ty chuyên làm nón cho phụ nữ đang trong quá trình hóa trị ung thư. Ý tưởng đến với cô khi chứng kiến bố dượng phải chiến đấu với căn bệnh quái ác này. Cùng từ đó, doanh nhân sinh năm 1974 đã quyết định quyên một phần lợi nhuận công ty cho các bệnh viện địa phương.
Cảm hứng xây dựng startup về nữ trang đến với Scott khi cô nhận thấy một nhu cầu lớn của thị trường, khi hầu hết nữ trang đều quá đắt hoặc quá rẻ, phân khúc ở giữa lại có rất ít lựa chọn. Kế hoạch của cô là sản xuất những món nữ trang chất lượng làm từ đá quý mà cô và những phụ nữ khác có thể thích mang trên người, với một mức giá trong tầm tay.
“Bất cứ người phụ nữ nào cũng thích cảm giác tự tin và xinh đẹp, bất chấp hoàn cảnh kinh tế ra sao”, cô chia sẻ.
Khởi đầu bằng việc bán sỉ, cung cấp cho các cửa hàng thay vì mở gian hàng cho riêng mình, Kendra Scott tăng trưởng chậm nhưng rất đều đặn. Nữ doanh nhân nói mọi thứ đều đi vào quỹ đạo bởi cô thuê được những người giỏi về làm việc, giúp phát triển kinh doanh bất chấp những thử thách trong cuộc sống cá nhân, khi cuộc hôn nhân đầu tiên của cô kết thúc lúc đứa con thứ hai vừa chào đời.
“Tôi tập trung vào việc xây dựng đội ngũ những người tài năng để giúp mình xây dựng công ty và bảy trong số những người đầu tiên đó vẫn còn ở đây với tôi đến bây giờ, tất cả đều là phụ nữ”, cô tiết lộ.
Năm 2010, công ty bắt đầu đánh vào mảng bán lẻ và mở cửa hàng đầu tiên tại Austin. Scott nói đó là khoảnh khắc trọng đại mang tính bước ngoặt của công ty và cô quyết định những cửa hàng nữ trang của mình phải khác với khuôn mẫu thông thường.
“Tôi muốn tạo ra trải nghiệm ấm áp, có sự tương tác và hơn hết là tràn ngập niềm vui”, cô giải thích.
Các khách hàng đến Kendra Scott luôn được khuyến khích chọn và đeo thử các món nữ trang. Người mua cũng có thể thiết kế những sản phẩm của riêng mình ngay tại cửa hàng, bằng cách phối trộn và ghép các viên đá ngọc với những chiếc bông tay, vòng cổ, vòng tay và nhẫn khác nhau.
Hiện Kendra Scott có 80 cửa hàng bán lẻ khắp nước Mỹ và một website mà từ đó khách hàng khắp thế giới có thể chọn mua và được giao đến tận nơi mình sống. Công ty có khoảng 2.000 nhân công với 96% là nữ. Dù có nhiều nhà đầu tư đứng sau nhưng Scott vẫn nắm giữ quyền điều hành.
Kendra Scott xếp thứ 36 trong danh sách những nữ doanh nhân giàu nhất nước Mỹ năm 2017 của tạp chí Forbes. Ảnh: Kendra Scott Design
“Scott giống như một con kỳ lân trong ngành công nghiệp này, cô ấy luôn thách thức những xu hướng. Khi nhìn vào thương hiệu, bạn phải tự hỏi không biết vì sao họ có thể tỏa sáng trong khi những công ty khác thì gặp muôn vàn khó khăn”, Karen Giberson, Chủ tịch Hội đồng Phụ kiện, một trung tâm đại diện cho các hãng thời trang phụ kiện nhận định.
Bà Giberson nói chìa khóa đứng sau thành công của Scott chính bởi nhà thiết kế này là “một thỏa thuận thật sự” - một người mẹ trẻ làm việc chăm chỉ để đạt được những gì mình mong muốn. “Trên tất cả, cô ấy thật sự là một người tốt và điều đó lan tỏa khắp công ty, cô đã nuôi dưỡng một cộng đồng mà người tiêu dùng thật sự yêu mến. Thành công ấy đến từ chiếc bóng của người lãnh đạo”.
Ken Downing, Giám đốc thời trang tại cửa hàng của tập đoàn Neiman Marcus, cho rằng Scott đã thành công trong việc mang đến cho khách hàng chính xác những gì mà họ muốn trong một mức giá phù hợp. “Scott đã làm tốt trong việc mang đến những món nữ trang có cá tính riêng với hình thức bắt mắt, ở mức giá mà khách hàng có thể thấy thoải mái”, ông lý giải.
Năm ngoái, Kendra Scott đã quyên 5 triệu USD tiền mặt và hàng nghìn sản phẩm nữ trang cho nhiều tổ chức từ thiện tập trung vào phụ nữ và trẻ em. Với chương trình Kendra Cares, bệnh nhân tại các bệnh viện nhi có thể miễn phí tự làm các món trang sức Kendra Scott cho bản thân, bố mẹ hay những người chăm sóc các em. Đội ngũ công ty cũng cam kết dành 2.000 giờ cho các công việc thiện nguyện. Đến nay, các cửa hàng của thương hiệu khắp nước Mỹ cũng tổ chức trên 10.000 sự kiện gây quỹ từ thiện.
Scott cho biết công ty cam kết tiếp tục theo đuổi những dự án giúp đỡ cộng đồng bởi cô xây dựng mọi thứ dựa trên ba nền tảng chính là gia đình, thời trang và thiện nguyện. “Tất cả dẫn lối con đường chúng tôi đi”, cô nói.
Công ty có chính sách nghỉ thai sản cho cả nhân viên toàn thời gian và bán thời gian, nhận con nuôi hay hỗ trợ tài chính cho người vô sinh. Công ty cũng có quỹ hỗ trợ các gia đình trong thời gian khủng hoảng và nhân viên có thể đưa em bé, con nhỏ đến công sở cùng làm việc.
“Nữ trang và thời trang là bề mặt của ngành công nghiệp, điều quan trọng hơn của công việc này là tôi có cơ hội làm những việc giúp ích cho cộng đồng”, Scott nói.
Trương Sanh(theoBBC)
CÔNG THỨC THÀNH CÔNG CỦA CEO ỨNG DỤNG HẸN HÒ Coi khởi nghiệp là giải quyết bài toán xã hội, Sean Rad thành công với triết lý kinh doanh riêng cùng sự phổ biến toàn cầu của ứng dụng Tinder.
Sean Rad, 30 tuổi, là nhà đồng sáng lập của Tinder - ứng dụng hẹn hò phổ biến nhất thế giới với hàng chục triệu thành viên toàn cầu, được định giá 3 tỷ USD. Hiện tại, nền tảng này có hơn 20 tỷ lượt "ghép đôi" thành công, với trung bình 12 triệu lượt mỗi ngày, hoạt động tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Chia sẻ về những ngày đầu thành lập Tinder, Rad cho hay: ''Tôi có thói quen tò mò về mọi thứ, thích giải quyết các vấn đề và kiến tạo điều gì mới mẻ. Tôi không nghĩ mình muốn khởi sự kinh doanh, thích trở thành doanh nhân. Chỉ đơn giản là tôi muốn tìm lời giải khi gặp khó khăn''.
Rad khởi nghiệp lần đầu tiên năm 2004, khi mới là sinh viên năm nhất, với startup có tên Orgoo. Từ những bất tiện khi phải sử dụng nhiều email khác nhau để liên lạc trong học tập và công việc, anh đã tạo nên một nền tảng cho phép tích hợp các tài khoản này, dù không hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ. ''Tôi chỉ nghĩ về một giải pháp giao tiếp tốt hơn mà mình có thể tạo ra'', Rad kể.
CEO Tinder khởi nghiệp từ khi là sinh viên năm nhất.
Chỉ sau ba tháng hoạt động, Orgoo thu hút trên một triệu lượt đăng ký. Tuy nhiên, không lâu sau đó, do vướng phải vấn đề về địa chỉ IP, startup phải đóng cửa. Sau đó, nhà đồng sáng lập Tinder tham gia vườn ươm khởi nghiệp IAC Hatch Labs Incubator, được anh mô tả là ''nơi tuyệt vời để thử nghiệm các ý tưởng và tìm ra điều thực sự yêu thích''.
"Tôi thích cảm giác được đắm chìm trong đam mê, chỉ một là đủ, vì tôi không muốn bị xao nhãng bởi quá nhiều thứ'', Rad cho biết.
Hatch Lab đã khơi nguồn ý tưởng cho Rad về hai startup là Cardify và Tinder. Với Cardify, ứng dụng tặng điểm thưởng cho người dùng khi sử dụng thẻ thanh toán các giao dịch. Được đệ trình lên kho ứng dụng App Store, nhưng sản phẩm này gặp nhiều trở ngại khi đòi hỏi sử dụng thẻ tín dụng cá nhân và phải chờ 90 ngày để được chấp thuận.
''Tôi không thể ngồi đó nhìn dự án khởi chạy mà không có lấy một phản hồi nào từ phía người dùng, nó thực sự vô vọng. Đó là lúc chúng tôi bắt đầu với Tinder, tiền thân là Matchbox, với một số thành viên còn lại trong nhóm'', Rad nhớ lại. Anh chấm dứt mọi hoạt động của Cardify để tập trung vào startup mới.
Chia sẻ về ý tưởng ra đời Tinder, Rad tự nhận mình là người rụt rè, hay xấu hổ. Ở tuổi dậy thì, anh luôn cố gắng thấu hiểu bản thân và tìm ra nguyên nhân của những nỗi lo mỗi lần gặp và giới thiệu mình với ai đó. Một lần nọ, khi ngồi trong quán cà phê với bạn, Rad tình cờ trúng "tiếng sét ái tình'' với một cô gái đi ngang qua.
''Nàng bắt gặp ánh nhìn của tôi. Tôi khá lo, nhưng chờ đã, nàng nhìn lại, nở nụ cười và dường như còn 'bật đèn xanh'. Tôi không cảm thấy lo lắng nữa. Sau đó, tôi nhận ra nếu biết được đối phương cũng có cảm tình và muốn gặp, bạn sẽ phá bỏ mọi rào cản để mạnh dạn tiến đến", Rad thổ lộ.
Ngay khi ứng dụng Tinder ra mắt, đội ngũ bắt tay thực hiện kế hoạch Marketing, bắt đầu từ việc gọi và spam tất cả các địa chỉ trong danh bạ. 500 người được nhắn tin và gọi điện thông báo. Ngay lập tức, 80% trong số đó đăng ký tài khoản. Những con số thống kê lượng đăng ký và tương tác khiến đội ngũ thực sự bất ngờ.
''Nhiều người quen biết nhau nhưng chưa bao giờ biểu lộ sự quan tâm, chú ý tới đối phương, giờ đây có phương tiện để thể hiện tình cảm. Chúng tôi tin điều này sẽ đem lại tác động lớn tới xã hội'', Rad chia sẻ.
Sau hôm đó, tất cả các thành viên rời văn phòng, đánh xe tới các cuộc gặp mặt hội học sinh, hội phụ nữ…tại Los Angeles, San Diego, Orange County hay tất cả các trường học mà họ có thể tiếp cận. Mỗi cuộc gặp trung bình mang lại 100 lượt đăng ký thành viên mới. Thậm chí, đội ngũ còn sẵn sàng bắt chuyện với người qua đường, vỗ vai một khách trong quán cà phê và mở đầu cuộc trò chuyện: ''Này, anh đã biết tới ứng dụng hẹn hò Tinder chưa?''.
Kết quả, ứng dụng hẹn hò có 20.000 người dùng vào tháng Một, và nhanh chóng tăng lên 500.000 lượng đăng ký tự nhiên vào cuối tháng Hai ngay trong năm đầu tiên xuất hiện trên thị trường.
Giao diện của ứng dụng Tinder.
Sau thất bại của Cardify, khi được hỏi về cảm giác trở thành doanh nhân, Rad nói: ''Bạn sẽ dậy làm việc lúc 5 giờ sáng, thức trắng đêm khi hệ thống trục trặc. 15 người đội ngũ Tinder không có một giấc ngủ bình yên đúng nghĩa trong năm đầu tiên sản phẩm ra mắt. Bạn sẽ chẳng quan tâm việc trở thành doanh nhân gì đó vì vận hành sản phẩm, xử lý phản hồi từ khách hàng chiếm trọn tâm trí rồi''.
Đối với anh, ở vị trí đỉnh cao đồng nghĩa với cô đơn và áp lực khi phải tự mình đưa ra quyết định mà không ai dẫn dắt.
"Bạn phải luôn tự vấn bản thân: 'Mình làm vì điều gì?'. Nếu vì ánh hào quang giống như phim ảnh, thì tiếc rằng hiện thực khắc nghiệt hơn vậy. Khởi nghiệp không dễ dàng, đặc biệt với startup có tốc độ phát triển nhanh như Tinder. Bạn phải dồn tâm trí, biến vấn đề công ty là việc cá nhân'', nhà đồng sáng lập ứng dụng hẹn hò cho biết.
Rad luôn khuyến khích đội ngũ nhân viên hãy giữ tinh thần của một ''người mới'', đừng nghĩ đã biết mọi thứ, hiểu rõ những gì đang làm. Theo anh, đó là lý do rất nhiều người trẻ không ngại khởi nghiệp ở một thị trường mới mẻ.
"Khi không bị đóng khung bởi những ý niệm sẵn có, họ có thể tái tạo những điều đột phá", Rad nói. Vị doanh nhân chia sẻ, chìa khóa của sự trưởng thành, không những cho một công ty mà là cả con người, là thái độ học hỏi khi mắc lỗi, nhìn nhận thất bại là cơ hội để trưởng thành.
"Điều quan trọng là, bạn khởi nghiệp vì khát khao đem đến lời giải cho bài toán cộng đồng mà có thể chính bạn, bạn bè, đồng nghiệp đang trăn trở. Hãy xuất phát từ mong muốn giải quyết vấn đề, hơn là mong muốn làm việc vì lợi ích bản thân hay kiếm thật nhiều tiền'', Rad khuyên nhủ.
Rad cũng chỉ ra sai lầm khi cho rằng startup không cần có định hướng ở những giai đoạn đầu thành lập. ''Với Tinder, chúng tôi vạch rõ sứ mệnh từ đầu, có một chiến lược rõ ràng cùng mục tiêu theo từng giai đoạn mà tất cả các thành viên phải hiểu rõ'', anh khẳng định.
Phạm Vân(Theo Businessinsider)
BA MẸ CON NGƯỜI MỸ CÙNG KHỞI NGHIỆP CÔNG TY GIÁO DỤC Soojung Smith cùng hai con trai lần lượt nắm giữ chức vụ giám đốc điều hành và phụ trách công nghệ cho startup giáo dục gia đình.
Công ty giáo dục Kurious Minds có trụ sở tại Bellevue (Mỹ) với mục tiêu giúp thế hệ trẻ có thể trở thành những doanh nhân tương lai. Công ty này do người mẹ Soojung Smith và con trai cả Douglas Smith (17 tuổi) đảm nhiệm vị trí giám đốc điều hành, cậu con trai thứ hai Jonathan Smith (12 tuổi) phụ trách mảng công nghệ. Vị trí cố vấn do chồng cô, một nhà điều hành phát triển kinh doanh tại Microsoft đảm nhiệm.
Soojung Smith cùng hai cậu con trai và chồng của mình tại một chuyến du lịch.
Nỗ lực đầu tiên của startup giáo dục này là thực hiện chương trình mang tên "Young Sharks" - dạy trẻ em những nguyên tắc cơ bản của việc khởi nghiệp. Chương trình bao gồm xây dựng kế hoạch kinh doanh và gọi vốn thử trước các nhà đầu tư.
Người mẹ cho biết cậu con cả là người đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển chương trình giảng dạy cho startup giáo dục. Không chỉ vậy, anh chàng này cũng là người tìm ra những công cụ kỹ thuật số nào phù hợp nhất với học sinh. Hai mẹ con là những người trực tiếp giảng dạy cho chương trình.
Bên cạnh "Young Sharks", Douglas còn khởi xướng một doanh nghiệp dạy kèm cho những học sinh lớp tám. Còn Jonathan chế tạo được hai sản phẩm công nghệ: bộ khuếch tán lọc được giới thiệu tại Seattle Mini Maker Faire 2016 và thiết bị nạp cá tự động tích hợp Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ ra mắt trong năm nay.
Soojung và cậu con trai 17 tuổi đảm nhiệm vị trí giám đốc điều hành công ty.
"Công ty của chúng tôi chính là một gia đình. Tất cả mọi người đều rất đam mê với công việc hiện tại", Soojung nói. Cô còn chia sẻ thêm trong các cuộc tranh luận để đưa ra các ý tưởng mới, ba mẹ con phải tranh cãi với nhau rất nhiều và chồng cô chính là người đứng giữa làm "trọng tài". Việc xây dựng doanh nghiệp với các thành viên trong gia đình đem lại nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức.
"Sự tin cậy, lòng trung thành và giá trị được chia sẻ là những giá trị gắn kết chúng ta lại với nhau. Tất nhiên, có những thách thức và áp lực từ công việc đôi khi cũng ảnh hưởng vào mối quan hệ gia đình", bà mẹ hai con cho biết.
Bằng cách vận dụng tốt nhất thế mạnh riêng của từng người khi làm việc, cũng như sự gắn kết của các thành viên trong gia đình, Kurious Minds giải quyết được những khó khăn cũng như giảm bớt căng thẳng trong quá trình làm việc. Sự nhiệt tình tham gia của các học sinh đem lại cho startup giáo dục một cái nhìn độc đáo về phương pháp học tập hiệu quả. Ngoài ra, công ty cũng đang xây dựng cộng đồng địa phương tích cực gồm các cố vấn và huấn luyện viên có chuyên môn để hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nhân trẻ tuổi.
Thùy Linh(Theo Geekwire.com)
HÀNH TRÌNH TRÌNH TRỞ THÀNH CEO GOOGLE CỦA CẬU BÉ NGHÈO DÁM BIẾT ƯỚC MƠ CEO Google Sundar Pichai, niềm tự hào của người dân Ấn Độ
Google đã làm ngạc nhiên thế giới khi tuyên bố bổ nhiệm CEO mới vào ngày 10/8/2015. Thời điểm đó trở thành cột mốc đáng tự hào của người Ấn Độ khi chứng kiến một người sinh ra và lớn lên ở đất nước tỷ dân này thành công tại một môi trường danh tiếng nhưng khắc nghiệt, đầy tính cạnh tranh như gã lớn Google. Vậy Sundar Pichai có gì đặc biết khiến người sáng lập Larry Page, một ông chủ khó tính và hay thích kiểm soát sẵn sàng bước xuống khỏi vị trí CEO?
Sundar Pichai sinh ra ở Madurai ngày 12 /7/1972, trưởng thành trong một gia đình tầng lớp trung lưu và chưa bao giờ được trải nghiệm xem TV hay đi xe hơi khi còn thơ ấu. Năm 12 tuổi, Pichai đã tiếp xúc công nghệ lần đầu khi cha mua cho ông một chiếc điện thoại cố định. Ông thể hiện kỹ năngghi nhớ tuyệt vời và có thể nhớ tất cả số điện thoại mình từng gọi.
Sau khi tốt nghiệp, Pichai chuyển đến Mỹ vào năm 1993. Ban đầu, ông dự định theo đuổi khóa học PHD của Đại học Stanford và bắt tay vào sự nghiệp học thuật của mình nhưng ông đã bỏ ngang kế hoạch và vào làm tại tập đoàn Applied Materials như một kỹ sư và người quản lý sản phẩm.
Khi hoàn thành chương trình MBA tại trường Wharton, Đại học Pennsylvania, ông được bổ nhiệm làm tư vấn quản lý tại McKinsey & Company. Năm 2004, ông gia nhập Google và vòng phỏng vấn cuối của ông chính là ngày Google tung ra dịch vụ thư tín miễn phí G-mail.
Sau khi được chọn, sự thành công lớn của Sundar đã đến khi Google đối mặt với khủng hoảng. Lúc ấy, Microsoft thay đổi công cụ tìm kiếm mặc định với công cụ tìm kiếm có tên là ‘Bing’. Vào những ngày đó trong năm 2006, hầu hết mọi người đều sử dụng Internet Explorer và Sundar chịu trách nhiệm tạo giải pháp cho thanh công cụ của Google.
Sự thành công của thanh công cụ Google đã mang đến cho Pichai ý tưởng rằng Google nên phát triển trình duyệt của riêng mình. Ông đã thảo luận ý tưởng này với một cấp trên và chịu phản đối lớn từ CEO Eric Schmidt, người nghĩ rằng phát triển một trình duyệt tốn quá nhiều chi phí. Tuy nhiên Pichai đã thuyết phục được hai người sáng lập, Larry Page và Sergei Brin tung ra trình duyệt riêng của Google, đó chính là Google Chrome, bằng cách lén cài nó vào máy tính của Larry.
Năm 2008, Chrome chứng tỏ là một thành công lớn, vì nó cho phép người dùng truy cập trực tiếp vào công cụ tìm kiếm của Google. Sundar nhanh chóng trở thành người có tên tuổi trong làng công nghệ khi Chrome trở thành trình duyệt số một trên thế giới, vượt qua đối thủ cạnh tranh như Internet Explorer và Firefox. Chrome cũng đã tạo đường cho một số sản phẩm quan trọng khác như Chrome OS, Chromebook và Chrome Cast.
Cuối năm 2008, Sundar Pichai được thăng chức Phó chủ tịch phát triển sản phẩm. Với vị trí này ông bắt đầu xuất hiện tại nhiều buổi thuyết trình của Google. Năm 2012, ông trở thành Phó chủ tịch cấp cao của Chrome và Apps. Trong vòng một năm, Sundar được giao nhiệm vụ phát triển Android mà trước đó do Andy Rubin quản lý.
Sundar bắt đầu phát triển Android One, một dự án được thiết kế để cung cấp cho điện thoại thông minh, giá cả phải chăng trên thị trường. Sản phẩm nhanh chóng sở hữu 5 tỷ người người dùng và trong một khoảng thời gian ngắn Sundar lại được thăng chức làm Giám đốc sản phẩm.
Danh tiếng của Sundar đã thu hút rất nhiều sự chú ý của các gã khổng lồ công nghệ khác. Ông nhận được lời mời từ Twitter để lên làm Phó Chủ tịch Sản phẩm, và sau đó là CEO mới của Twitter. Ông còn được cân nhắc kế thừa Steve Ballmer với tư cách CEO của Microsoft. Đây cũng là thời gian khi công ty mẹ của Google là Alphabet sẵn sàng về tiềm lực, Larry Page quyết định giữ bên mình Sundar bằng cách trao vị trí CEO mới của Google cho ông, công ty lớn nhất dưới Alphabet.
Sundar là một trong những chuyên gia toàn diện nhất khi luôn có cái nhìn linh hoạt về các sản phẩm và ý tưởng kinh doanh. Ông được coi là Larry Page thứ hai, nhưng là một phiên bản hoàn hảo hơn.
Câu chuyện của Sundar Pichai là nguồn cảm hứng cho những ai muốn đạt được thành công ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất, miễn là bạn đủ kiên trì và đam mê. Hiện nay với 85 tỷ đô, Google đứng ở vị trí thứ 2 trong Top các thương hiệu giá trị nhất trên thế giới. Sundar Pichai vẫn đang không ngừng nỗ lực nhằm đưa ra nhiều giải pháp sáng tạo hơn cho công chúng để đưa Google lên một tầm cao mới.
LÝ GIA THÀNH: TỪ CÔNG NHÂN NGHÈO ĐẾN TỶ PHÚ CHÂU Á Được mệnh danh là "siêu nhân" hay "Warren Buffett châu Á", con đường làm giàu của tỷ phú Lý Gia Thành là chuỗi ngày cực nhọc từ tuổi 15.
Hơn hai thập kỷ qua, Lý Gia Thành giữ vững ngôi vị người giàu nhất Hong Kong, liên tục có mặt trong bảng xếp hạng tỷ phú của tạp chíForbes. Năm 2018,Forbesxếp hạng ông vị trí 23 trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Khối tài sản của vị tỷ phú lên đến hơn 35 tỷ USD, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, bao gồm công ty phát triển bất động sản Cheung Kong, Hutchison Whampoa, công ty sản xuất dầu và khí đốt Husky Energy của Canada,...
Lý Gia Thành được coi là tượng đài của nền kinh tế Hong Kong, không đơn giản chỉ bởi tài sản khổng lồ, mà câu chuyện vươn lên từ hai bàn tay trắng và những năm tháng khổ cực của ông đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ thanh niên lập nghiệp.
Trong chiến tranh, ông cùng gia đình chuyển từ quê nhà ở đại lục đến Hong Kong khi còn tiểu học. Cha ông vốn là hiệu trưởng một trường học địa phương, nhưng khi vừa chuyển đến nơi ở mới đã mắc bệnh lao phổi khiến kinh tế gia đình kiệt quệ và mất không lâu sau đó. Lý Gia Thành khi đó mới 14 tuổi đã sớm nếm trải sự mất mát và cô độc khi cũng nhiễm lao phổi, bị cách ly trong quá trình điều trị. Gia đình rơi vào cảnh túng quẫn cùng cảm giác không được ai giúp đỡ đã khắc sâu vào tâm trí cậu bé. "Ký ức khủng khiếp nhất cuộc đời tôi là chứng kiến cha mình vật lộn trên giường bệnh", vị tỷ phú nhớ lại.
Gánh nặng nghèo đói và vị đắng của sự cô độc làm dấy lên những câu hỏi, giúp định hình nên con người ông sau này: Việc thay đổi số phận có là điều khả thi? Có thể đơn giản hóa mọi việc để ít rắc rối hơn không? Liệu con đường dẫn đến thành công có thể bằng việc lên kế hoạch thật cụ thể, tỉ mỉ?
May mắn khỏi bệnh, nhưng ông buộc phải nghỉ học để đi làm nuôi gia đình ở tuổi 15. Kinh tế kiệt quệ đến mức ông phải bán đi quần áo của người cha vừa mất để lấy tiền mua thức ăn. Mỗi ngày, ông làm việc quần quật trong nhà máy nhựa 16 giờ đồng hồ, liên tục 7 ngày trong tuần và gửi 90% số tiền mình kiếm được về cho mẹ.
Nhờ thông minh và làm việc chăm chỉ mà ở tuổi 18, ông đã là nhân viên xuất sắc của nhà máy và được cất nhắc làm quản lý. Ông bắt đầu giành dụm tiền. Năm 1950, chàng thanh niên 22 tuổi quyết định mở doanh nghiệp nhỏ đầu tiên của mình. Công ty được lấy tên là "Cheung Kong" theo tên con sông Dương Tử, nơi hội tụ của muôn vàn dòng chảy, thể hiện sự tin tưởng của người sáng lập về sức mạnh của sự nỗ lực và kết nối.
Lúc đầu công ty chỉ sản xuất đồ chơi bằng nhựa, nhưng Lý Gia Thành sớm nhận thấy tiềm năng của thị trường hoa nhựa, bởi đây là mặt hàng đang được ưa chuộng tại Italy. Với số vốn ban đầu 50.000 USD, ông đưa công ty ngày một phát triển về doanh thu lẫn quy mô, nhờ vào sự ham học hỏi và bắt kịp xu thế thị trường.
Thập niên 70, công ty Cheung Kong sản xuất búp bê nhựa G.I.Joe xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Vị tỷ phú phân tích: "Mối quan hệ giữa kiến thức và kinh doanh là chìa khóa để đến gần hơn với thành công". Hoàn cảnh đã đưa đẩy ông phải bỏ học từ nhỏ, và ông cũng chưa hề nhận tấm bằng đại học nào trong suốt quãng đời của mình. Hầu hết những kiến thức Lý Gia Thành có được đều đến từ sự tự học.
Ông say mê đọc sách từ nhỏ và luôn cho rằng phần lớn thành công của ông đến từ khả năng tự học. Trong năm đầu tiên thành lập công ty, vị tỷ phú tự mình quản lý sổ sách kế toán dựa trên việc tự đọc và thực hành theo sách. Bên cạnh việc nắm bắt nhanh chóng các xu hướng kinh doanh, ông cũng quan niệm giữ chữ tín là chìa khóa hàng đầu của thành công.
Năm 1956, ông từ chối lời đề nghị hợp tác lại với khoản tiền được nhận thêm là 30% lợi nhuận cùng cơ hội hiếm có để mở rộng kinh doanh. Lý do đơn giản vì ông đã hứa hợp tác với người khác, dù chỉ là lời nói miệng. Ông vẫn giữ nguyên tắc này trong suốt quãng đời mình, và chấp nhận đánh đổi dù có mất một khoản tiền lớn đi chăng nữa.
Cũng như nhiều nhà đầu tư nổi tiếng khác, Lý Gia Thành tận dụng cơ hội khi nền kinh tế khủng hoảng để mua lại các dự án bất động sản với mức giá rẻ. Năm 1969, tập đoàn sản xuất đồ chơi nhựa lớn nhất của Mỹ là Hasbro đã ủy nhiệm nhà máy nhựa của ông để sản xuất búp bê xuất khẩu sang thị trường rộng lớn và khó tính này.
Năm 1979, ông trở thành công dân Trung Quốc đầu tiên mua cổ phần kiểm soát tại một công ty đầu tư của Anh là Hutchison Whampoa. Dù thời điểm đó công ty làm ăn thua lỗ nhưng vị tỷ phú nhìn ra tiềm năng khi đơn vị này sở hữu các nhà máy đóng tàu, bến cảng, các khu vực bán lẻ rộng lớn trên khắp Hong Kong.
Ông khéo thuyết phục ngân hàng HSBC bán 22% cổ phần của họ trong công ty với mức giá thấp. Trong thập kỷ tiếp theo, ông lèo lái để đưa công ty vươn đến thành công và mở rộng đế chế của mình trên khắp thế giới. Ngày nay, Hutchison Whampoa là một trong những công ty có giá trị nhất tại Hong Kong với doanh thu hàng năm trên 50 tỷ USD. Năm 1987, Lý Gia Thành chính thức trở thành tỷ phú.
Lý Gia Thành được coi là biểu tượng của nền kinh tế Hong Kong về sự vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng. Ảnh:Reuters.
Cùng năm, ông và các đối trả 500 triệu USD để mua lại một nửa Husky Oil - công ty Canada đứng trên bờ vực phá sản sau nhiều cuộc tái cơ cấu và sáp nhập. Tại thời điểm đó, một thùng dầu được giao dịch với giá khoảng 10 USD và từng tăng lên đến mức cao nhất là 140 USD. Giá dầu giúp Husky Energy tạo ra doanh thu hơn 25 tỷ USD một năm và cổ phẩn của Lý Gia Thành có trong công ty này trị giá 8 tỷ USD.
Trong suốt cuộc đời, ông tiếp tục đầu tư vào bất động sản và nhiều ngành công nghiệp khác. Các công ty của ông xử lý 70% lưu lượng xuất nhập cảng của Hong Kong. Ông cũng có cổ phần lớn trong các công ty điện và dịch vụ điện thoại di động. Một trong những thành công lớn nhất là vào năm 1999, ông bán công ty điện thoại di động Orange cho tập đoàn Đức Mannesmann AG với lợi nhuận 15 tỷ USD.
Lý Gia Thành nổi tiếng với các chiến lược kỹ càng, đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh, bất chấp tình trạng của nền kinh tế. "Tôi không quá lạc quan khi thị trường tốt, cũng không quá bi quan khi thị trường đi xuống," ông nói.
Ông nắm bắt xu thế công nghệ mới nhất khi là một trong những nhà đầu tư lớn đầu tiên vào Facebook và Spotify và nhiều dự án startup khi thấy tiềm năng cho việc đổi mới liên tục công việc kinh doanh. Một trong những yếu tố quan trọng nhất đã góp phần vào sự thành công của ông là niềm đam mê dành cho công việc. Ông từng chia sẻ: "Điều thú vị nhất đối với tôi là làm việc chăm chỉ và kiếm thêm lợi nhuận".
Năm 2018, ở tuổi 89, Lý Gia Thành quyết định lui về phía sau, giao việc quản lý tập đoàn Cheung Kong cho con trai đầu là Victor. Ông cũng chia sẻ mình muốn có thời gian để tập trung hơn vào các hoạt động từ thiện với việc quyên tặng 1/3 tài sản của mình.
Nguyên Thanh(TheoForbes, Business Insider)
CÁCH GỌI VỐN NGOẠI THÀNH CÔNG CỦA CEO GẠCH VÀNG Anh Nguyễn Tấn Phát, CEO của website định giá bất động sản gachvang.com chỉ đeo đuổi một nhà đầu tư tiềm năng trong giai đoạn đầu khởi nghiệp.
*. Định giá bất động sản bằng công cụ trực tuyến
Khi có ý tưởng, anh Phát trao đổi với một nhà đầu tư Singapore. Vị này có nhiều kinh nghiệm trong ngành bất động sản và anh Phát từng làm việc cùng trong một thời gian. Là người từng trải các dự án lớn nhỏ, CEO 8x nhận ra đây là đối tác tiềm năng và quyết định chỉ theo đuổi duy nhất nhà đầu tư này. Một điểm quan trọng là ở giai đoạn đầu, startup không cần số tiền "khủng" để thành hình.
Theo anh Phát, trên thị trường có nhiều nhà đầu tư và họ có những lĩnh vực quan tâm khác nhau. "Điều quan trọng là chọn đúng đối tượng. Ở Việt Nam, các bạn trẻ thường đi nhiều sự kiện gọi vốn nhưng thất bại. Lý do là vì các bạn chọn không đúng người và đúng lĩnh vực. Ngược lại, trong trường hợp này, nhà đầu tư đánh giá bạn là người lãng phí thời gian và không hiểu rõ bản chất của dự án", anh chia sẻ.
Vậy làm cách nào để thuyết phục "đối tượng tiềm năng" ấy? Nhà sáng lập gachvang.com cho biết, khả năng đi xa của dự án là điều mà bất kỳ nhà đầu tư nào cũng quan tâm.
Anh giải thích cho nhà đầu tư của mình về ngành bất động sản của Việt Nam và độ phủ, tầm nhìn của dự án. "Khi nhà đầu tư đặt câu hỏi có làm được hay không, bạn phải tự tin và mạnh dạn nói là làm được và chỉ ra thời gian cụ thể. Song song đó, một đội ngũ tốt bên cạnh sẽ là cam kết mạnh mẽ đảm bảo cho dự án", anh cho biết.
Trong quá trình thuyết phục nhà đầu tư, CEO trẻ nhiều lần di chuyển giữa Việt Nam và Singapore để trao đổi về tiềm năng và tương lai của dự án. Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng anh nhận được cái gật đầu của đối tác ngoại, đồng ý rót 500.000 USD trong một năm để phát triển sản phẩm. Kết quả này không nằm ngoài dự đoán của anh Phát khi đây là nhà đầu tư rất quan tâm đến lĩnh vực bất động sản.
Anh Nguyễn Tấn Phát - CEO gachvang.com.
gachvang.com là công cụ trực tuyến với thuật toán định giá bất động sản có mặt trên thị trường từ tháng 3/2016. "Chỉ cần gõ tên đường hay dự án quan tâm vào website, người dùng có thể định giá bất động sản với tính chính xác lên đến 95%", anh Phát cho biết. Đến nay, startup này đã cho ra mắt DinhZaDi, cung cấp định giá với 70.000 con đường ở 63 tỉnh thành trên cả nước. Số lượt truy cập mỗi ngày trong khoảng 3.000.
Dù gọi vốn là yếu tố quan trọng song CEO trẻ đánh giá, để thực hiện bước này cần có một sản phẩm thật sự trong tay chứ không thể mơ hồ "đánh trận mà không có vũ khí".
"Bạn phải khảo sát, biết mình đang làm gì. Startup không dành cho người nghèo. Khi không có tiền, bạn rất khó chú tâm vào sản phẩm. Tuy nhiên, khi có sản phẩm mà không biết cách vận hành và mang đến đúng người dùng cũng là một vấn đề cần phải quan tâm", anh chia sẻ.
Anh Phát thừa nhận bất động sản online là cuộc chiến dài cần gọi thêm vốn. Muốn làm được điều đó, startup phải cho nhà đầu tư thấy sản phẩm thật sự, có người tin tưởng và dự án mang lại giá trị cho cộng đồng, tạo được doanh thu. "Nhà đầu tư không phải là những người đi làm từ thiện, bạn cần kiếm ra tiền. Đó cũng là bài toán chúng tôi đã và đang giải trên bước đường tìm kiếm những nhà đầu tư mới cho hành trình của mình", CEO nói.
Giao diện gachvang.com của CEO 8x.
500.000 USD chỉ là con số khởi đầu. Vì vậy, việc tìm thêm nhà đầu tư mới từ thời điểm này không nằm ngoài kế hoạch của anh Phát và các cộng sự. Qua nhiều năm tìm hiểu thị trường, anh Phát nhận thấy vốn khởi nghiệp công nghệ trên thế giới rất lớn. Các nhà đầu tư luôn sẵn sàng rót tiền nếu dự án tiềm năng và họ có thể nhìn thấy tương lai của dự án. Ý tưởng luôn có thể xuất hiện ở mọi nơi với bất cứ ai. Tuy nhiên, việc có dám dấn thân vào con đường chông gai mang tên startup cũng là một câu hỏi khó với nhiều người.
Làm startup đồng nghĩa trở thành một người đa nhiệm. Những áp lực đa chiều khiến không phải ai cũng dám dấn thân. CEO tiết lộ anh xếp những người này vào nhóm có máu khởi nghiệp nhưng không dám làm. "Tức là họ rất giỏi nhưng không thể bước khỏi vỏ bọc an toàn và nghĩ rằng trước mắt chỉ toàn là khó khăn. Họ luôn có lý do rất hợp lý để bị cản chân", anh nói.
Băn khoăn và nỗi sợ này có thể được giải quyết bằng cách tự thân vận động và sự dũng cảm bước tới phía trước. Với anh Phát, cũng còn một cách khác là tìm cố vấn sát cánh trong hành trình. Và người ấy đôi khi chẳng phải ai xa lạ. "Đó chính là những nhà đầu tư, người mà bạn gặp hằng ngày trong chính lĩnh vực hoạt động của mình", CEO chia sẻ.
Trương Sanh
NỮ CEO ẤN ĐỘ CHIA SẼ VỀ KỸ NĂNG KHỞI NGHIỆP THÀNH CÔNG Theo hai nữ CEO Priyanka Desai và Kanika Agarwal, các nhà sáng lập startup cần gặp gỡ nhiều người thành công để có thể thành công.
Các kỹ năng, yếu tố cần cho mỗi doanh nhân khởi nghiệp để thành công có thể là trí thông minh trong việc tuyển dụng, đánh giá con người, sự can đảm, tháo vát, khả năng lập trình, năng lực phát triển sản phẩm...Thực tế, nhiều nhà khởi nghiệp tìm đến các hình mẫu doanh nhân như Elon Musk, Jeff Bezos, Steve Jobs...để học hỏi.
Hai nhà sáng lập trẻ là Priyanka Desai - CEO iScribblers, đơn vị đối tác tiếp thị nội dung cho các công ty mới khởi nghiệp và Kanika Agarwal - nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Passion Peers chia sẻ những điều đã học với tư cách là người trẻ khởi nghiệp.
Theo Priyanka Desai, đối với người sáng lập và các doanh nhân nhiều tham vọng, điều quan trọng nhất là sự tận tình hỗ trợ mọi người. Họ có thể là khách hàng, trưởng nhóm hay bất cứ ai trong mạng lưới, dự án của bạn. Khi bạn giúp đỡ mọi người, bạn sẽ có được sự tín nhiệm từ họ.
"Để nâng cao kỹ năng, tôi đi ra ngoài, gặp những người thành công hơn và làm những gì tôi cho là cần thiết, đúng đắn", Desai cho hay.
Priyanka Desai - CEO iScribblers.
Ba tháng trước, Priyanka Desai chỉ ngồi lì tại văn phòng. Sau đó, cô gia nhập một tổ chức chuyên kết nối các doanh nhân, nơi cô được gặp nhiều người thành công trong nhiều lĩnh vực.
Trước khi đến với tổ chức này, doanh thu của iScribblers rơi vào tình trạng khó khăn. Trong cuộc họp hàng tuần, Priyanka Desai tỏ ra căng thẳng và một người bạn đã nhận thấy điều đó. Người này mời nữ CEO đến văn phòng, trao đổi và giúp Priyanka liên lạc với các công ty công nghệ thông tin hàng đầu trong thành phố. Lúc này, nhà sáng lập iScribblers mới nhận ra bạn cô là một doanh nhân tự lập có đam mê và tốt bụng.
Tháng 7 năm ngoái, Priyanka Desai làm việc với một dự án khởi nghiệp trẻ. Và họ giữ liên lạc với nhau khi có ý tưởng liên quan đến PR. Mới đây, người sáng lập dự án chia sẻ mong muốn tìm kiếm nguồn tài trợ. Priyanka liền kết nối đến một số công ty truyền thông, sau đó báo chí đã viết câu chuyện khởi nghiệp của họ. Hiện nữ CEO trẻ tuổi này cùng hợp tác với người bạn mới để điều hành chiến dịch PR trong tám tháng tới.
"Khi bạn đánh giá đúng sự quan trọng của một ai đó, họ sẽ thật sự tin tưởng bạn", nữ CEO trẻ bày tỏ.
Còn với Kanika Agarwal - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Passion Peers, cô phân chia sự phát triển kỹ năng thành hai phần gồm kỹ năng sống và kỹ năng chuyên môn. Cô đánh giá cao vai trò của những doanh nhân thành công bởi cô học được tinh thần mạnh mẽ từ họ.
Theo Kanika, kỹ năng sống cần thiết đầu tiên là sự kiên trì. Trong gần ba năm khởi nghiệp, Kanika đã trải qua nhiều thăng trầm hơn những gì cô hình dung. Kanika Agarwal thấy rằng thất bại liên tục tương tự như thay đổi một trò chơi. Nói dễ hơn làm nhưng bạn không thể tồn tại mà không có sự kiên trì.
Kỹ năng thứ hai là phải luôn tự thúc đẩy bản thân để trở thành nhà lãnh đạo tốt hơn mỗi ngày. Người đứng đầu một dự án phải ý thức cao độ về quyền sở hữu và trách nhiệm giải trình. Đó cũng cách thể hiện giá trị bản thân và nguyên tắc sống. Một nhà lãnh đạo trưởng thành, giữ bản sắc cá nhân, đội ngũ nhân viên và duy trì các nguyên tắc chính là chìa khóa thành công.
Kanika Agarwal - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành startup Passion Peers.
Đối với kỹ năng chuyên môn, theo cô cần lưu tâm về vấn đề quản lý tài chính, tuyển dụng và kỹ năng đối đầu. Về quản lý tài chính, Kanika cho biết số liệu phát triển của doanh nghiệp cho thấy rõ ràng về tình trạng kinh doanh và người sáng lập không nên đánh giá thấp nó. Điều cốt yếu là mỗi tháng, các bộ phận trong công ty cần kết nối với nhau để sử dụng những công cụ đơn giản nhằm cải thiện tình hình tài chính của đơn vị.
Tuyển dụng là một trong những kỹ năng khó khăn nhất đối với nhà lãnh đạo bởi các ứng viên và các buổi phỏng vấn đều diễn ra khác nhau. Kanika thừa nhận đã mắc nhiều sai sót trong quá trình này. Sau đó cô nhìn nhận và coi trọng hơn việc phát triển hệ thống tuyển dụng thích hợp và am hiểu tâm lý nhân sự. Cuối cùng, đối diện trực tiếp là cách tốt nhất để đưa ra phản hồi cho cả nhân viên và khách hàng.
Để cải thiện những hạn chế trong kỹ năng sống lẫn chuyên môn, Kanika Agarwal tìm đọc sách nhằm hình thành nhãn quan rộng về mọi thứ. Điều này được đánh giá là cần thiết cho những người sáng lập trẻ trước áp lực liên tục đổi mới. "Học hỏi từ kinh nghiệm người khác giúp tôi tìm ra những điều cho bản thân", Kanika chia sẻ.
Cô đặt mục tiêu gặp ít nhất một doanh nhân giàu kinh nghiệm và học hỏi từ chính hành trình của họ. Mọi người đều có điều gì đó để dạy cho bạn. CEO 25 tuổi tạo ra các kịch bản cho bản thân mình, trong đó cô nói ra suy nghĩ của mình một cách thoải mái về vấn đề nào đó. Cô có thể trao đổi, trò chuyện với nhân viên của mình tại bữa trưa nhằm truyền đạt quan điểm cũng như gỡ nút thắt những khúc mắc nếu có.
"Nhà sáng lập và các doanh nhân tham vọng nên có một tâm trí cởi mở để thất bại, học hỏi, chấp nhận rủi ro, cải thiện với mọi lời chỉ trích...", nữ CEO bày tỏ.
Thi Thi (theo Techinasia)
BƯỚC NGOẶT CỦA CEO 22 TUỔI NGỒI XE LĂN Năm 21 tuổi, Anthony Zhang bỏ đại học sau khi giúp công ty huy động được 1,5 triệu USD, nhưng ngay sau đó, anh bị tai nạn và có thể không bao giờ đi lại được nữa. Zhang năm nay 22 tuổi, từng là sinh viên Đại học Nam California (Mỹ). Khi mới học năm nhất, anh và 4 người bạn đã nghĩ ra giải pháp cho vấn đề muôn thủa của sinh viên. Đó là giao thực phẩm đến tận nơi trong ký túc xá - nơi chỉ các nhân viên và sinh viên được phép đi lại. Zhang đã phát tờ rơi, cho biết các bạn học có thể nhắn cho anh thứ họ muốn mua, chuyển tiền và sẽ được giao đồ tại bất kỳ nơi nào trong ký túc mà họ muốn.
Ban đầu, quy mô của việc này khá nhỏ. Một mình Zhang kiếm được khoảng 50 USD một đêm khi đưa đồ ăn nhanh đến tận phòng của bạn bè. Zhang và các bạn đặt tên dịch vụ của mình là EnvoyNow.
Đó là vào năm 2014. Sau đó, họ đã nghĩ đến việc biến hoạt động này thành việc kinh doanh nghiêm túc. Họ lập website cho EnvoyNow và tuyển thêm vài sinh viên để giao hàng. Trong học kỳ đầu, công ty đã đạt doanh thu 22.000 USD. Đến năm 2015, dịch vụ này đã lan sang cả Đại học Wisconsin và Indiana.
Anthony Zhang đã khởi nghiệp từ khi mới học năm nhất. Ảnh:Anthony Zhang
Với Zhang, những trải nghiệm từ việc này còn quý giá hơn kiến thức sách vở. "Tôi học tài chính cao cấp và đọc các trường hợp mẫu trong sách. Rồi tôi nhận ra những gì mình đang làm bây giờ còn mang lại nhiều thông tin hơn", anh cho biết, "Tôi trực tiếp học được cách công ty hoạt động, cách vượt qua khó khăn và chẳng cần đọc đến những bài mẫu từ 30 năm trước trong sách làm gì".
Không lâu sau đó, tạp chíIncđưa Envoy vào danh sách startup trong trường đại học đáng chú ý nhất nước Mỹ. Envoy còn được quỹ 500 Startups hỗ trợ và Zhang được chọn gia nhập Thiel Fellowship. Đây là chương trình tài trợ 100.000 USD, kéo dài 2 năm cho doanh nhân trẻ nghỉ học và phát triển doanh nghiệp.
Năm 2016, Zhang bỏ ngang việc học và bắt đầu huy động vốn cho Envoy. Anh đã giúp công ty lấy về 1,5 triệu USD. Tuy nhiên, bước ngoặt xảy đến khi anh quyết định tham gia vào một bữa tiệc cùng bạn học tại một khách sạn ở Las Vegas. "Khi đó trời tối rồi, nhưng còn khá sớm, buổi tiệc còn chưa bắt đầu nữa. Tôi cũng chưa say và chỉ đang chơi bình thường", anh nhớ lại.
Sau đó, Zhang nhảy xuống bể bơi và không thể cử động được nữa. Tỉnh dậy trong phòng chăm sóc đặc biệt, Zhang biết mình đã bị chấn thương cột sống và liệt từ cổ trở xuống. Quanh người anh đều là máy móc.
Sau một tháng với vài cuộc phẫu thuật, Zhang được chuyển đến một cơ sở phục hồi chức năng. Tại đây, mục tiêu của anh không còn là xây dựng công ty nữa, mà là thở không cần máy, gập bụng mà không buồn nôn và uống nước.
"Công ty từng là cả cuộc sống của tôi. Nhưng giờ, nó không phải là ưu tiên nữa", anh nói.
Tháng 8/2016, Zhang đã đủ khỏe để tự ăn và chuyển từ xe lăn tự động sang xe lăn điều khiển bằng tay. Dù vẫn mất 4-5 giờ mỗi ngày để trị liệu, Zhang đã bắt đầu tham gia lại vào hoạt động của công ty. Một tháng sau đó, anh đã sẵn sàng làm việc. Tuy nhiên, hai đồng sáng lập của Envoy lại cho biết họ có kế hoạch đóng cửa công ty.
Trong thời gian Zhang trị bệnh, công ty không có tiến triển. Vấn đề nằm ở chỗ Zhang là người làm việc với các nhà đầu tư. Và khi anh vắng mặt, những người đồng sáng lập đã rất vất vả với vai trò mới. Công ty mất phương hướng, và văn hóa cũng thay đổi.
"Nó là một cú sốc lớn với tôi. Vì tôi chỉ vừa mới quay lại, và nhận thấy mọi người đều đang thất vọng. Cả công ty đều khủng hoảng", Zhang nói.
Zhang vẫn cố gắng lạc quan về tương lai công ty. Tuy nhiên, việc này ngày càng trở nên khó khăn. Khi các nhà đồng sáng lập ra đi, và những nhân viên còn lại mất phương hướng, anh chỉ còn hai cách: đóng cửa hoặc bán công ty.
Zhang đã chọn cách hai, và đề nghị một số nhân viên Envoy nhận nhiều nhiệm vụ hơn để bù lại khoảng trống lãnh đạo. Khi năm học mới sắp bắt đầu, Zhang cũng thực hiện kế hoạch đưa dịch vụ sang nhiều trường đại học khác. Họ đã mở rộng tới 16 trường và có hơn 1.500 nhân viên là sinh viên trên cả nước.
Là CEO, Zhang phải rất tập trung vào việc nâng cao nhuệ khí và hồi sinh văn hóa công ty. Anh đã tạo ra một hệ thống mới, khuyến khích các ký túc xá trong hệ thống của Envoy cạnh tranh về số đơn hàng mỗi tuần với nhau.
Khi Envoy bắt đầu có đà tăng trưởng, Zhang tìm đến các cố vấn cho kế hoạch bán công ty. Hôm qua, anh thông báo bán công ty cho một hãng giao đồ ăn khác - JoyRun. Số tiền trong thương vụ này không được tiết lộ. Zhang cùng hai người bạn trong Envoy cũng sẽ chuyển sang làm cho JoyRun.
Thương vụ này là chiến thắng lớn với Zhang, nhất là sau bước ngoặt năm ngoái. Và dĩ nhiên, Zhang cũng không có kế hoạch dừng lại.
Trong thời gian nằm tại bệnh viện và trung tâm phục hồi chức năng, anh vẫn suy nghĩ như một doanh nhân. Anh nhận ra các quy trình "kém hiệu quả" trong hệ thống chăm sóc y tế có thể được cải thiện nhờ công nghệ. Zhang không hề ngần ngại khi nói về kế hoạch lập công ty mới: "Cảm giác làm chủ thứ gì đó là tuyệt vời nhất. Tôi đã có một quyển sổ đầy ý tưởng mới rồi".
Hà Thu(theo Fortune)
ADMIN:Thông Tin Bản Quyền: LÊ VĂN TUYÊN- Sinh năm 1988- KHU ĐÔ THỊ GIẢI TRÍ CAO CẤP MỚI:- Xóm 10- Thôn Văn Quang- Xã Nghĩa Hương- Huyện Quốc Oai- Hà Tây- Hà Nội- VIỆT NAM
SĐT: 0336631403
SĐT: 0929668648