Cổ nhân giảng, trong đạo làm người và đối nhân xử thế trước hết phải biết chữ “kính”. Người mà trong tâm luôn có “kính sợ” thì mới có thể cẩn thận làm việc, “tâm không vọng niệm, thân không vọng động, khẩu không vọng ngôn” thì sự sự đều sẽ có trật tự, ngay chính. Trong văn hóa truyền thống, “tâm kính sợ” là một loại mỹ đức. Đối với cá nhân, “tâm kính sợ” khiến cho con người tu tâm dưỡng tính, kiện toàn nhân cách, mở rộng tài năng. Đối với gia đình, nó giúp cha trở thành người nhân từ, con trở thành người hiếu thảo, vợ chồng giữ được đạo nghĩa, phu xướng phụ tùy, anh em cung kính nhường nhịn. Đối với đất nước, “tâm kính sợ” khiến ai nấy làm tròn chức trách của mình, trên hợp với thiên ý, dưới hợp với lòng dân, giúp cho quốc thái dân an.
Với tầm quan trọng đó, cổ nhân nhấn mạnh làm người phải có tâm kính sợ mới có thể tránh được tai họa, có được phúc báo.
Kính sợ Thần Phật
Dẫu là ở phương Đông hay phương Tây, những người tín Thần, kính Thần đều tin tưởng rằng con người là do Thần sáng tạo ra, vạn vật thiên địa là do Thần sáng tạo ra. “Sinh, lão, bệnh, tử” của con người và quy luật “thành, trụ, hoại, diệt” của vũ trụ đều là dựa vào ý chỉ của Thần mà vận hành.
Người xưa thường giảng:“Thần thông quảng đại”, “Phật Pháp vô biên” đều là để nói rằng Thần Phật có đủ đại trí đại huệ, đại từ bi. Cổ nhân còn nói:“Nói nhỏ ở nhân gian, Trời nghe thấy như tiếng sấm”, “trong phòng tối mắt Thần như điện”, ý tứ chính là Thần Phật hiểu rõ mỗi một tư một niệm, nhất ngôn nhất hành của con người. Các bậc thánh hiền thời cổ đại đều tin rằng chỉ có kính tín Thần mới được Thần trợ giúp, bảo hộ.
Trong lịch sử, những người bất kính với Thần Phật mà bị thân mất, nhà tan, vong quốc không ít. Thương Trụ Vương bất kính thần linh, hoang dâm vô độ cuối cùng thân tử quốc diệt. Bắc Ngụy Thái Võ Đế Thác Bạt Đảo hủy diệt Phật giáo kết quả bị hoạn quan giết chết. Đó đều là những bài học cảnh tỉnh người đời sau. KÍNH SỢ TRỜI ĐẤT
Kinh Dịch viết:“Thiên Địa chi đại đức viết sinh”, ý nghĩa chính là đức lớn của trời đất là sinh, là sự sống. Trong “Lễ Ký” cũng viết:“Thiên địa chi đạo, bác dã, hậu dã, cao dã, minh dã, du dã, cửu dã”(Đạo của trời đất rộng dày cao minh và vĩnh cửu).
Về Trời Đất, cái nhìn tổng quát của cổ nhân cho rằng, Trời là càn, Đất là khôn. Trời đất là nơi sinh của nguyên khí, sinh lực. Đạo của trời đất vừa cao rộng, vừa đơn giản, sáng tỏ lại vĩnh cửu. Thiên địa vạn vật có ân đức dưỡng dục đối với con người. Nếu ly khai khỏi ánh sáng, không khí và nước, con người sẽ khó mà tồn tại được. Bởi vậy, từ trong tâm của mình, con người cần phải biết ơn trời đất.
Giữa con người và thiên nhiên là tồn tại mối quan hệ “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”. Con người kính sợ trời đất, đối xử tốt với thiên nhiên thì sẽ được trời đất che chở, bảo hộ, được thiên nhiên hậu đãi. Trái lại, nếu con người chống lại trời đất, tàn phá thiên nhiên thì sẽ bị thiên tai nhân họa. Bởi vậy mà xưa nay, Nho gia khởi xướng tư tưởng “thiên nhân hợp nhất”, Đạo gia khởi xướng tư tưởng “thuận theo tự nhiên”.
Ngày nay có người cho rằng “nhân định thắng thiên” (con người có thể chiến thắng thiên nhiên, trời đất), kỳ thực đó là một loại tà thuyết. Cổ nhân cho rằng con người là một phần của thiên nhiên, cần sống thuận theo tự nhiên, con người vĩnh viễn không thể thắng được thiên, ở trước mặt thiên địa, con người nhất định cần bảo trì tâm khiêm tốn.
Kính sợ đạo đức
Lão Tử cho rằng “Đạo” là quy luật khách quan về phát sinh, phát triển, biến hóa và diệt vong của vạn vật vũ trụ, còn “Đức” là việc con người thuận theo quy luật khách quan của vũ trụ mà làm người làm việc.
Nho gia dạy con người đạo đức làm người, có thể đúc kết lại bằng năm chữ “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”. Đó là năm đạo thường hằng mà một người cần phải có, nếu thiếu thì không còn là người nữa.
Mạnh Tử giảng:“Không có lòng trắc ẩn, không phải là người; không biết xấu hổ trước cái xấu, không phải là người; không biết nhường nhịn không phải là người; không biết phân biệt phải trái, không phải là người”. Theo Mạnh Tử, bốn loại tâm này chính là đạo đức làm người mà một người cần có.
Khi lời nói và hành vi của một người phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức thì đó là một người tốt và người đó sẽ có phúc báo, sẽ sinh ra các trạng thái tốt đẹp của sinh mệnh như phú quý, trí tuệ và sự khỏe mạnh. Trái lại, một người đi ngược lại với tiêu chuẩn đạo đức làm người thì đó là người xấu, người đó sẽ tổn đức, bị mất phúc báo và bị trừng phạt. Đây chính là điều mà cổ nhân giảng “thuận đạo thì hưng, nghịch đạo thì vong”.
Kính sợ tổ tiên
Nhà thơ Mạnh Hạo Nhiên, thời nhà Đường viết:“Nhân sự hữu đại tạ, vãng lai thành cổ kim”, tức là việc đời có đổi thay có tàn tạ, quá khứ và tương lai tạo thành lịch sử xưa nay. Quá khứ, hiện tại và tương lai tạo thành một chỉnh thể. Kính sợ tổ tiên là một trong những truyền thống tốt đẹp trong nền văn hóa truyền thống từ xưa đến nay.
Đêm giao thừa, tiết thanh minh, ngày rằm tháng 7, ngày giỗ… là những ngày lễ truyền thống để con cháu nhớ về tổ tiên. Mục đích của những ngày lễ hội truyền thống đều là để nhắc nhở hậu nhân nhớ về tổ tiên, nhớ công ơn sinh thành, phúc đức và học tập những đạo đức tốt đẹp của tổ tiên để lại. Làm người phải biết kính sợ, có tấm lòng biết ơn tổ tiên, nhớ về nguồn cội của mình.
Xưa nay chúng ta vẫn thường nghe câu “trên đầu ba thước có thần linh”, “người đang làm trời đang nhìn”, vì vậy làm một người biết kính sợ mới là người sáng suốt. Trước hết, người hiểu được tâm kính sợ phải là người “tâm không vọng niệm, thân không vọng động, khẩu không vọng ngôn” tức là trong tâm không nghĩ điều xằng bậy, thân không hành động mù quáng, miệng không nói bừa.
Người quân tử, trong không lừa gạt mình, ngoài không dối gạt người, trên không lừa dối trời, ở một mình cũng thận trọng với từng suy nghĩ hành vi. Cho nên, họ không thẹn với cha mẹ, không thẹn với anh em, không hổ thẹn với vợ chồng. Để trở thành người thực sự biết kính sợ là điều không dễ, nhưng nhân sinh trên đời, chỉ cần trong tâm có mục tiêu như vậy thì thông qua sự cố gắng mỗi ngày, kiên trì bền bỉ sẽ nhất định có thể trở thành một người biết kính sợ, không ngông cuồng, khiêm tốn, ôn nhu mà tránh được tai họa, có được hậu phúc.
An Hòa
ADMIN:Thông Tin Bản Quyền: LÊ VĂN TUYÊN- Sinh năm 1988- KHU ĐÔ THỊ GIẢI TRÍ CAO CẤP MỚI:- Xóm 10- Thôn Văn Quang- Xã Nghĩa Hương- Huyện Quốc Oai- Hà Tây- Hà Nội- VIỆT NAM
SĐT: 0336631403
SĐT: 0929668648